Vào sáng ngày 29/8/2024, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa: “Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền” tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Buổi Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước cùng với các thầy cô là Trưởng Bộ môn, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các khóa Trường Đại học Luật TP.HCM.
Hội thảo khoa học cấp khoa: “Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền” được tổ chức tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự độc lập của nền tư pháp cũng như mối quan hệ giữa việc xây dựng một nền tư pháp độc lập với việc xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và các văn bản có liên quan, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng về tổ chức, chức năng, quyền hạn của Tòa án nhân dân góp phần bảo đảm Tòa án thực hiện hiệu quả quyền tư pháp. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật cũng như là thực tiễn thực hiện pháp luật để đảm bảo nền tư pháp độc lập của Việt Nam hiện nay còn rất nhiều bất cập, khó khăn, hạn chế và phức tạp. Vì vậy, việc tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, phân tích, bình luận chuyên sâu về hai đạo luật này, giúp hiểu đúng và đủ các quy định cũng như có thêm những đóng góp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vô cùng cấp bách, cần thiết.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo
Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Văn Nhiệm - Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước; TS. Lê Việt Sơn - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Hội thảo hôm nay ghi nhận 29 bài viết của các tác giả, với 04 tham luận được trình bày bao gồm:
- “Quan niệm về quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay” - TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Kiều Việt Hưng và “Nội hàm quyền tư pháp theo quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới và kiến nghị cho Việt Nam” - NCS.ThS. Trần Thị Thu Hà, ThS, Huỳnh Thị Hồng Nhiên;
- “Những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024” - ThS.NCS Nguyễn Thị Thùy Dung; ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo;
- “Kiểm soát tư pháp của Tòa án trong thực hiện quyền hành pháp thông qua xét xử hành chính ở Việt Nam” - TS. Lê Việt Sơn;
- “Kiểm soát đối với việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam” - NCS.ThS. Phạm Thị Phương Thảo và “Kiểm soát quyền lực giữa lập pháp và tư pháp trong các hình thức chính thể và những gợi mở cho Việt Nam - ThS. Vũ Lê Hải Giang, Hà Xuân Lịch
Ban chủ tọa Hội thảo khoa học
Đối với phần trình bài thứ nhất, đại diện cho nhóm tác giả bài viết “Quan niệm về quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Mạnh Hùng và Kiều Việt Hưng và bài viết “Nội hàm quyền tư pháp theo quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới và kiến nghị cho Việt Nam” của tác giả NCS.ThS. Trần Thị Thu Hà và ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên, NCS. ThS. Trần Thị Thu Hà đã trình bày tại Hội thảo về quan niệm quyền tư pháp trong các hệ thống và quan điểm triết học, luật học điển hình. Trên cơ sở đó, tác giả trình bày khái quát kết quả nghiên cứu về quan điểm quyền tư pháp tại các quốc gia trên thế giới như Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Từ cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế, tác giả đã đối sánhvới các quy định về quyền tư pháp trong lịch sử lập hiến Việt Nam, trong Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Các tác giả cũng đưa ra các nhận định về quan niệm về quyền tư pháp tại Việt Nam hiện nay, những đề xuất và gợi mở cho các nghiên cứu tương lai về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
NCS.ThS. Trần Thị Thu Hà đại diện nhóm tác giả trình bày nhóm bài “Quan niệm về quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay” và “Nội hàm quyền tư pháp theo quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới và kiến nghị cho Việt Nam”
Đối với tham luận “Những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024”, ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo đại diện nhóm tác giả nghiên cứu, phân tích và đánh giá 08 vấn đề chính của Luật Tổ chức TAND bao gồm: (i) Bố cục Luật Tổ chức TAND; (ii) Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND; (iii) Tổ chức của TAND; (iv) Cơ cấu tổ chức của TAND; (v) Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; (vi) Thẩm phán; (vii) Hội thẩm; (viii) Tổ chức xét xử. Nhìn chung, Luật Tổ chức TAND 2024 đã có nhiều điểm mới hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy, tổ chức Tòa án ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, công bằng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Tòa án, đặc biệt là trong quá trình tố tụng
ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024”
Đối tham luận “Kiểm soát tư pháp của Tòa án trong thực hiện quyền hành pháp thông qua xét xử hành chính ở Việt Nam”, TS. Lê Việt Sơn phân tích qua hai khía cạnh chủ yếu: (i) Tòa án xét xử đối với các quyết định hành chính cá biệt và hành vi hành chính; (ii) Tòa án xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính (VAHC). Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật tố tụng hành chính làm hạn chế hiệu quả việc kiểm soát của Tòa án đối với hoạt động quản lý hành chính và đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật.
TS. Lê Việt Sơn trình bày tham luận “Kiểm soát tư pháp của Tòa án trong thực hiện quyền hành pháp thông qua xét xử hành chính ở Việt Nam”
Tại tham luận cuối cùng, NCS.ThS. Phạm Thị Phương Thảo đại diện nhóm tác giả trình bày nhóm bài “Kiểm soát đối với việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam”. Để việc thực hiện quyền tư pháp của TAND hiệu quả thì không chỉ đầy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo sự độc lập của tư pháp, có các cơ chế pháp lý hữu hiệu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án mà còn phải có sự kiểm soát từ các chủ thể có thẩm quyền. Về tham luận “Kiểm soát quyền lực giữa lập pháp và tư pháp trong các hình thức chính thể và những gợi mở cho Việt Nam”, nhóm tác giả đã nghiên cứu tổng quan về khái niệm quyền lập pháp và quyền tư pháp, mối quan hệ kiểm soát giữa hai nhánh quyền lực này trong các hình thức chính thể cộng hòa hiện đại và trên cơ sở đó, đề xuất cho Việt Nam những gợi mở để tăng cường tính độc lập của tư pháp và kiểm soát quyền lập pháp hiệu quả.
Các tham luận đã tập trung vào những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay và nhận được nhiều sự đóng góp cùng nhiều câu hỏi thú vị từ phía các giảng viên, chuyên gia. Những vấn đề chủ yếu xoay quanh việc làm sáng tỏ nội hàm của quyền tư pháp, phân tích đánh giá về việc thực hiện quyền tư pháp, làm rõ những bất cập trong thực tiễn tổ chức cơ quan thực hiện quyền tư pháp, những hạn chế thực hiện quyền tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên trao đổi tại Hội thảo
ThS. Vũ Lê Hải Giang thảo luận tại Hội thảo
Sau quá trình làm việc tích cực, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước tổng kết lại những vấn đề, đề xuất quan trọng. Các nội dung đề xuất sẽ được Trường Đại học Luật TP.HCM ghi nhận và là tiền đề cho những Hội thảo trong thời gian tới. Hội thảo khoa học cấp khoa: “Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền” đã nhận được sự quan tâm đông đảo, nhiều kết quả có tính đóng góp và thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn tại Việt Nam.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều kết quả có tính đóng góp và thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn tại Việt Nam
Nội dung: Yến Nhi
Hình ảnh: Phương Nghi
Ban Truyền thông Ulaw