Khoa Luật Dân sự tổ chức hội thảo “Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam”

“Trong bối cảnh hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật dân sự có nhiều thay đổi nói chung và trong lĩnh vực về thời hiệu nói riêng, hội thảo này được Khoa Luật Dân sự tổ chức nhằm tập trung nghiên cứu và thảo luận về vấn đề thời hiệu trong lĩnh vực pháp luật dân sự. Thông qua những vấn đề được đặt ra, Hội thảo có thể góp phần vào việc nâng cao nhận thức, áp dụng những quy định của pháp luật dân sự và tạo tiền đề lý luận cho việc học tập, giảng dạy pháp luật dân sự về thời hiệu. Đồng thời, đây cũng là một chủ đề nổi bật để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho quý thầy cô và các bạn nghiên cứu sinh, các bạn sinh viên.”

Sáng ngày 02/07/2020, tại hội trường A1002 trường Đại học Luật TP.HCM cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Luật Dân sự đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam. 

Toàn cảnh buổi hội thảo “Thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam” sáng 02/07/2020.

Tham dự buổi hội thảo sáng hôm nay, về phía đại biểu khách mời có TS. Chu Hải Thanh – Trưởng khoa Luật, Đại học Nguyễn Tất Thành; PGS.TS Dương Anh Sơn – Trưởng khoa Luật Kinh tế, Đại học Quốc gia TP.HCM; TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm – PGĐ Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở II); LS.TS Nguyễn Thị Kim Vinh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại tài chính (FCCA), GĐ Công ty Luật TNJ; ThS. Dương Tuấn Lộc – GĐ Công ty TNHH Tư vấn Việt Phúc; ThS. Nguyễn Đình Quang – Đại học Gia Định; TP. Đinh Ngọc Thu Hương – Thẩm phán Tòa cấp cao TP.HCM; LS. Huỳnh Thị Ngọc Xuân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Huỳnh; TP. Quách Hữu Thái – Chánh án Tòa án Quận 2, TPHCM; TP. Nguyễn Huy Hoàng – Thẩm phán TAND Quận Gò Vấp; TP. Tô Văn Mạnh – Phó chánh tòa, Tòa Dân sự - TAND Quận Bình Thạnh; TS. Nguyễn Thị Minh Phượng – Thẩm phán TAND Quận Gò Vấp; CCV TS. Ninh Thị Hiền – Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền; CCV Huỳnh Mai Huy – Trưởng Văn phòng Công chứng Văn Thị Mỹ Đức; LS. Nguyễn Sa Linh – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Linh; LS. Nguyễn Thị Xuân Triều – Văn phòng Luật sư Gia Linh; LS. Huỳnh Văn Nông – Trưởng Văn phòng Luật SHLaw; Nhà báo Nguyễn Đào Vinh Huy – Tổng Biên tập Báo Người Đô Thị; Nhà báo Châu Thị Yến – Báo Pháp luật TP.HCM; Nhà báo Lê Bảo; Phóng viên Nguyễn Thị Khánh Hà – Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam; ThS. Nguyễn Tiến Pháp – Văn phòng Thừa Phát Lại Thủ Đức; LS. Nguyễn Thị Ngọc Lang – Văn phòng Luật sư Song Thu; LS. Trần Thị Yến Nga – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Harry; LS. Lê Trung Phát – Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát; ThS. CCV Vũ Huỳnh Phương Khanh – VP Công chứng Huỳnh Thị Ngọc Yến; ThS. Trần Ngọc Tuấn – Công ty Luật, phụ trách kênh Youtube THLAWCHANNEL; LS. Bùi Thanh Vũ – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú, Đoàn Luật sư TP.HCM; LS. Ngô Việt Bắc – Đoàn Luật sư TP.HCM; LS. Lê Văn Hiến – Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Các đại biểu khách mời trong buổi hội thảo sáng nay.

Về phía Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM, có sự tham dự của PGS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; PGS.TS Lê Minh Hùng – Trưởng Bộ môn Luật Dân sự cùng với toàn thể giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và các sinh viên của Khoa Luật Dân sự.

Hội thảo được diễn ra dưới sự điều khiển của Ban chủ tọa bao gồm PGS.TS Đỗ Văn Đại, PGS.TS Lê Minh Hùng, TS. Nguyễn Xuân Quang, TS. Chu Hải Thanh, PGS. Dương Anh Sơn, TS. Nguyễn Thị Kim Vinh. Hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận với nội dung mỗi phiên xoay quanh những vấn đề thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam, tập trung chủ yếu vào thời hiệu khởi kiện. 

Phiên thứ nhất, chủ tọa gồm PGS.TS Lê Minh Hùng, PGS. Dương Anh Sơn, TS. Chu Hải Thanh.

Các chủ đề nổi bật được các chuyên gia quan tâm, trao đổi, góp ý trong hai phiên thảo luận gồm: “Hiệu lực của thời hiệu khởi kiện và hệ quả hết thời hiệu khởi kiện”; “Thỏa thuận về thời hiệu khởi kiện: Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam”; “10 vấn đề vướng mắc về thời hiệu thừa kế theo quy định của BLDS 2015”; “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng”; “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng đặt cọc”; “Thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” và “Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự.”

Phiên thứ nhất của buổi hội thảo bàn về nhiều nội dung, trong đó các đại biểu thảo luận sôi nổi về hậu quả của việc chấm dứt thời hiệu khởi kiện trong chủ đề thứ nhất do Giảng viên Đặng Lê Phương Uyên trình bày; về những bất cập của quy định về thời hiệu hiệu thừa kế do Pgs,Ts. Lê Minh Hùng trình bày; về Thỏa thuận về thời hiệu do Pgs,Ts. Đỗ Văn Đại trình bày; về thời hiệu xác lập quyền sở hữu do Ts. Nguyễn Xuân Quang trình bày; về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng do Ths Nguyễn Tấn Hoàng Hải trình bày. Chủ đề thời hiệu thừa kế được nêu lên làm nóng hội trường. Pgs, Hùng nêu những bất cập của quy định hiện hành về thời hiệu thừa kế, như pháp luật dựa vào sự phân chia di sản thành bất động sản và động sản để từ đó chia thừa kế thừa kế thành hai loại là không hợp lý; quy định hệ quả của việc hết thời hiệu thừa kế là không rõ ràng và chưa giải quyết triệt để các tranh chấp thừa kế... Ts. Chu Hải Thanh, ThS. Quách Hữu Thái, TS. Nguyễn Kim Vinh, TS. Nguyễn Xuân Quang cũng đồng tình với quan điểm này, và nhấn mạnh thêm rằng, dù thế nào đi nữa, thì việc tranh chấp thừa kế cũng phải có điểm dừng.

 PGS. TS Đỗ Văn Đại, TS. Nguyễn Xuân Quang, TS. Nguyễn Thị Kim Vinh chủ trì buổi Hội thảo.

PGS.TS Đỗ Văn Đại trình bày về chủ đề “Thỏa thuận về thời hiệu khởi kiện: Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam.”

Phiên thứ hai bắt đầu với vấn đề thời hiệu khởi kiện về hợp đồng đặt cọc. Các vấn đề được đại biểu quan tâm là liệu quy định thời hiệu về giao dịch dân sự nói chung (Điều 132 BLDS) có thể áp dụng cho yêu cầu xin tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu được không, khi hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng (Điều 429 BLDS), thì có còn thời hiệu để đòi lại tài sản đặt cọc, đòi phát cọc được không, vì thực tiễn cho thấy, các Tòa án và cả Trọng tài đều có nhiều phán quyết rất khác nhau, thể hiện sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc áp dụng thời hiểu để giải quyết các tranh chấp loại này.

Chủ đề “Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự” cũng là một trong những chủ đề tại phiên thứ hai thu hút được sự quan tâm và bàn luận nhất. Chủ đề này cho thấy việc quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự cũng như đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, vì vậy quyền yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án rất cần được giới hạn trong một thời hành nhất định.

Các chuyên gia tham gia nghiên cứu các bài viết của các tác giả và cùng bàn luận, trao đổi sôi nổi.

Các chuyên gia lần lượt trình bày các bài tham luận khai thác những vấn đề mới, nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề hội thảo. Sau khi hai phiên tham luận kết thúc, phần thảo luận giữa các chuyên gia và những người áp dụng những quy định pháp luật trong thực tiễn cùng các nhà nghiên cứu sinh đã làm rõ hơn các vấn đề thời hiệu trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay, những bất cập và cũng như thực tiễn xét xử từ các phiên tòa.

Hội thảo kết thúc lúc 12h00 cùng ngày.

Nội dung: Hương Quỳnh

Hình ảnh: Tân Hưng

Biên tập: Anh Thư

Ban Truyền thông Ulaw.