Hội thảo “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ”

Những năm gần đây, Việt Nam đã ký kết một số FTA thế hệ mới chiến lược, bao gồm CPTPP, EVFTA, UKVFTA và VN-EAEU FTA. Các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển triển thị trường, song cũng tạo ra nhiều khó khăn mới cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Xuất phát từ nguyên nhân đó, vào ngày 05/11/2020, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ” thông qua việc kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Hội thảo có sự tham dự của Ông Philip Degenhardt – Tổng Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung Khu vực Đông Nam Á; Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc dự án Quỹ Rosa khu vực Đông Nam Á; Ông Nguyễn Quốc Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương; TS. Kim Thị Hạnh - Phó ban thường trực Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh cùng các diễn giả, khách mời đến từ các cơ quan thực tiễn trong và ngoài nước. Về phía Nhà trường, có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Lê Trường Sơn – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội Đồng Trường và các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo luật trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường nhận định FTA - Hiệp định thương mại tự do với các vấn đề phi thương mại đang là một trào lưu phát triển mạnh, dự kiến sẽ đặt ra những cơ hội rộng mở và thách thức to lớn trong việc xây dựng chính sách pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Hoàng Hải cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ mang lại những giá trị thật sự bổ ích đến với các học giả, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, những người làm công tác thực tiễn tham dự Hội thảo, đồng thời gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến tất cả khách mời cũng như sự tri ân sâu sắc đến quỹ đơn vị đáng tin cậy Rosa-Luxemburg-Stiftung trong công tác tổ chức Hội thảo khoa học của Nhà trường.

PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM đại diện Ban chủ trì phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được chia thành 03 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề pháp lý chung về lao động; Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề pháp lý chung về bảo vệ môi trường; Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề pháp lý chung về sở hữu trí tuệ. Trong đó, trên tổng số 28 bài tham luận gửi về Hội thảo, có 16 bài tham luận được chọn lựa để trình bày tại các phiên làm việc.

Phiên thứ nhất của Hội thảo được diễn ra với các bài tham luận xoay quanh những vấn đề pháp lý chung về lao động như: “Thách thức về FTA thế hệ mới trong lĩnh vực lao động: Góc nhìn của Thái Lan”; “FTA của Việt Nam và vấn đề lao động: Nhìn nhận từ góc độ chính sách hội nhập”; “Yêu cầu về xóa bỏ lao động cưỡng bức trong các hiệp định tự do thế hệ mới: Cơ chế thực thi và giải pháp cho Việt Nam”; “So sánh các quy định về xóa bỏ lao động trẻ em của ILO, EVFTA, CPTPP và pháp luật Việt Nam”; “Tiêu chuẩn lao động quốc tế về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – quy định và biện pháp đảm bảo thực thi ở Việt Nam”; “Những vấn đề pháp lý và thách thức trong việc thực thi tiêu chuẩn lao động xóa bỏ phân biệt đối xử việc làm và nghề nghiệp theo một số hiệp định tự do thế hệ mới tại Việt Nam”.

Tại phiên đầu tiên của Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM đã trình bày tham luận “Vấn đề thực hiện các cam kết về môi trường và lao động từ các hiệp định thương mại chiến lược của Việt Nam thời kỳ hậu gia nhập WTO” thông qua các 04 nội dung chính: Khái quát về chính sách hội nhập của Việt Nam; Hệ thống các FTA của Việt Nam và các FTA chiến lược của Việt Nam; Cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường trong khuôn khổ các FTA chiến lược; Cam kết quốc tế của Việt Nam về lao động trong khuôn khổ các FTA chiến lược và từ đó nhận xét cụ thể về khó khăn và thách thức trong việc thực thi các cam kết để đảm bảo tiêu chuẩn lao động cơ bản.

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế mở đầu phiên Hội thảo qua tham luận “Vấn đề thực hiện các cam kết về môi trường và lao động từ các hiệp định thương mại chiến lược của Việt Nam thời kỳ hậu gia nhập WTO”

Với chủ đề phiên thứ hai “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề pháp lý chung về bảo vệ môi trường”, TS. Võ Trung Tín – Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường đã mang đến bài tham luận “Thực thi các quy định của EVFTA, CPTPP về đa dạng sinh học trong pháp luật môi trường Việt Nam”. Tham luận phân tích các nội dung về đa dạng sinh học được đề cập trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), các quy định pháp luật môi trường liên quan đến đa dạng sinh học của Việt Nam nhằm thể chế hai Hiệp định trên và chỉ ra một số thách thức của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết, từ đó đưa ra một số giải pháp để Việt Nam nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết này.

TS. Võ Trung Tín – Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường đã mang đến góc những nhìn mới mẻ thông qua tham luận “Thực thi các quy định của EVFTA, CPTPP về đa dạng sinh học trong pháp luật môi trường Việt Nam”

Phiên thảo luận thứ ba với chủ đề “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề pháp lý chung về sở hữu trí tuệ” khép lại với các bài tham luận: “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm quyền con người: Vài khuynh hướng nổi bật trong các hiệp định thương mại thế hệ mới”; “Các thách thức về phát triển bền vững đặt ra cho Việt Nam trong quá trình thực hiện quy định trong hiệp định thương mại thế hệ mới về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”; “Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong các hiệp định thương mại thế hệ mới - Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam”; “Cam kết về quyền tác giả theo Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và pháp luật Việt Nam”; “Trách nhiệm giải trình của Việt Nam về thực thi cam kết sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Hội thảo “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ” thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia

Tiếp nối thành công của Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại” diễn ra vào ngày 02/10/2020, Hội thảo “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ” đã cung cấp một nền tảng học thuật xây dựng nền tảng lý luận và thực tiễn về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng chính sách pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau trên nền tảng các điều khoản của FTA, đồng thời đóng góp các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật và kế hoạch phát triển hiệu quả của Việt Nam.

Nội dung: Kiều My, Thanh Tâm

Hình ảnh: Phương Trinh, Tân Hưng, Quang Huy

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top