Hội thảo “Những vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số”

Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã đánh dấu những bước phát triển nổi bật. Việc chủ động tích hợp công nghệ và kinh doanh giúp các ngân hàng và các công ty tài chính phát huy lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện các bất cập liên quan đến các hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay thông qua các phần mềm công nghệ của các công ty Fintech, từ đó thúc đẩy việc quản lý bằng chính sách và pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước đối với những vấn đề mới phát sinh. 

Trong bối cảnh đó, vào lúc 8h00 ngày 25/8/2021, khoa Luật Thương mại của trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Những vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số”, nhằm tạo ra một diễn đàn nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi về thực trạng pháp luật hiện hành đồng thời gợi mở những đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các hoạt động này.

Hội thảo nhận được sự tham dự tích cực của hơn 250 khách mời. Về phía các cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật có sự hiện diện của PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy – Phó Trưởng ban Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM; TS. Nguyễn Đình Phúc – Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật Học viện Chính trị khu vực 2; TS. Nguyễn Kim Bích Tuyền – Đại học Ngân hàng TP.HCM; TS. Nguyễn Thị Kim Thoa - Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Về phía đại diện các ngân hàng có sự góp mặt của ThS. Nguyễn Thị Hiền – Thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước chi nhánh Bình Dương; ThS.LS. Trần Văn Nhiên – Ngân hàng An Bình , Bà Văn Thành Khánh Linh – Giám đốc khối quản lý rủi ro ngân hàng Bản Việt; Ông Hồ Vân Long – Giám đốc pháp chế ngân hàng HSBC Việt Nam; Bà Trần Ngọc Thùy – Trưởng bộ phận pháp chế ngân hàng Maybank Việt Nam; Ông Trần Văn Tuấn – Giám đốc chi nhánh HD Bank Bình Dương…

Về phía các luật sư, Hội thảo vinh dự chào đón LS. Danny Duy – hãng luật Santa Lawyers; TS.LS. Lương Khải Ân – Trưởng Văn phòng luật sư Lương Khải Ân; LS. Trần Thanh Bình – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Lee & Ko Việt Nam…

Về phía Nhà trường, Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại; TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng khoa Luật Thương mại; TS. Phan Phương Nam – Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, PGS. TS. Nguyễn Văn Vân – Nguyên Trưởng khoa Luật Thương Mại; TS. Phan Thị Thành Dương – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng; TS. Võ Trung Tín – Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường; TS. NguyễnThị Thư – Phó Trưởng bộ môn Luật Thương mại cùng sự tham gia của các giảng viên, học viên và sinh viên quan tâm đến Hội thảo.

Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia các khách mời là chuyên gia trên khắp cả nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình chia sẻ “Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính là một xu thế tất yếu và đòi hỏi pháp luật phải có những quy định kịp thời nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào việc phát triển các dịch vụ này đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Được sự quan tâm của nhiều học giả và các nhà nghiên cứu, Ban tổ chức nhận đã được rất nhiều bài tham luận. Tuy nhiên, do thời gian dành cho hội thảo có hạn, chúng tôi chỉ có thể mời một số diễn giả có các tham luận về các vấn đề pháp lý còn nhiều ý kiến khác nhau để trình bày tại hội thảo”.

PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được diễn ra gồm hai phiên với 06 bài tham luận xoay quanh các chủ đề: áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng; việc cấp tín dụng thông qua các nền tảng công nghệ; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng có ứng dụng công nghệ số…

 

Mở đầu phiên thứ nhất, TS.LS. Lương Khải Ân đã trình bày bài tham luận “Khung pháp lý về giao dịch cho vay vốn tiền tệ qua các ứng dụng trực tuyến trong lĩnh vực công nghệ tài chính”, với các nội dung xoay quanh đặc điểm, đối tượng điều chỉnh và các mô hình cho vay trực tuyến. Bên cạnh đó, TS.LS. Ân cũng gợi mở những đề xuất ban đầu nhằm xây dựng một khung pháp lý giúp các công ty không chỉ tiếp cận được khoa học công nghệ mà còn giải quyết được bài toán vốn một cách tương đối, đầy đủ hơn và không đi ngược lại các nguyên tắc, yêu cầu của các giao dịch truyền thống.

TS.LS. Lương Khải Ân trình bày bài tham luận của mình

Hoạt động cấp tín dụng hiện nay đang là vấn đề mà cả xã hội đang chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19. Thông qua tham luận của mình, ThS.LS. Trần Văn Nhiên đã đề cập các rủi ro và phân tích những vấn đề chưa được hoàn thiện trong quy định của pháp luật liên quan đến việc áp dụng công nghệ trong quy trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Bàn sâu về chủ đề mà ThS.LS. Trần Văn Nhiên đề cập, ThS. Nguyễn Thị Thúy đã mang đến Hội thảo một tham luận liên quan đến phương thức định danh khách hàng trực tuyến (e-KYC) thông qua công nghệ nhằm nhận diện khuôn mặt, vấn đề chữ ký điện tử… ThS. Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh các vấn đề về hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý thông tin của dân cư, bảo mật thông tin khách hàng, quy định cho phép đóng tài khoản thanh toán trực tuyến…

Đề tài liên quan vấn đề chữ kỹ điện tử của phiên tham luận thứ nhất đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi đến từ các khách mời là chuyên gia của các ngân hàng trên cả nước.

PGS.TS. Phan Huy Hồng chia sẻ quan điểm về vấn đề chữ ký điện tử

 

Trong phiên thứ hai, tham luận “Một vài khía cạnh pháp lý về nhận diện tổ chức tín dụng trong kỷ nguyên của công nghệ số” của TS. Lê Thị Ngân Hà giúp khách mời phân biệt tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Fintech thông qua việc phân tích một cách khái quát các tiêu chí khái niệm, chủ thể, hoạt động ngân hàng, đối tượng huy động vốn, mạng lưới hoạt động…

Ngoài ra, quyền được đảm bảo bí mật thông tin của người gửi tiền trong các dịch vụ ngân hàng số cũng là một vấn đề nghiên cứu được nhiều tác giả quan tâm tại Hội thảo. Tác giả Nguyễn Thị Thương đề cập các nội dung về quy định của pháp luật hiện hành về đảm bảo quyền được giữ bí mật thông tin của người gửi tiền, đặt ra các tình huống giả định xoay quanh trách nhiệm của các bên trong trường hợp thông tin của người gửi tiền bị tiết lộ trái pháp luật, đồng thời căn cứ vào cơ sở các phân tích nêu trên, tác giả cũng đề ra một số kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện quy định pháp luật để bảo vệ quyền này.

Với tham luận “Bàn về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay trực tuyến của các công ty tài chính”, ThS. Ngô Gia Hoàng đã đánh giá thực trạng pháp luật đối với việc bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hoạt động cho vay qua các ứng dụng công nghệ thông qua việc phân tích các vấn đề  liên quan đến việc thu thập thông tin, việc quản lý các ứng dụng cho vay, vấn đề định danh khách hàng… từ đó chỉ ra các bất cập trong quy định pháp luật hiện hành và gợi mở các kiến nghị nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của bên vay.

Phiên thảo luận thứ hai cũng đã diễn ra hết sức sôi nổi và khơi gợi nhiều vấn đề để khách mời và tác giả trao đổi. Những khách mời đến từ các ngân hàng thương mại cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế đang diễn ra tại các ngân hàng liên quan đến việc sử dụng công nghệ trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng.

Kết thúc Hội thảo, đại diện Ban tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Văn Vân gửi lời cảm ơn đến các khách mời đã dành thời gian tham dự, gởi tham luận, cũng như đóng góp và trao đổi ý kiến trực tiếp tại Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Văn Vân cho biết “Hội thảo đã thành công trong việc tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trao đổi về các vấn đề nhằm nhận diện đúng đắn bản chất pháp lý của các khái niệm như ngân hàng điện tử, tiền điện tử…; xác định phạm vi chủ thể và phân định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong hoạt động ngân hàng có ứng dụng công nghệ số”.

PGS.TS. Nguyễn Văn Vân thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến các vị khách mời đã tham gia Hội thảo

Qua hơn 04 giờ làm việc, Hội thảo đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, thiết thực và mới mẻ về những vấn đề pháp lý xoay quanh hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên công nghệ số. Hội thảo đã đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là đã tạo diễn đàn học thuật cho các giảng viên trẻ, chuyên gia trong và ngoài trường trình bày và trao đổi những nghiên cứu mới của mình.

 

Nội dung: Lệ Cầm

Hình ảnh: Đăng My

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top