Hội thảo khoa học trực tuyến: "Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020"

Môi trường là một điều kiện cốt lõi trong tiến trình phát triển bền vững của mỗi một quốc gia. Theo đó, vấn đề bảo vệ môi trường đang được các quốc gia trên thế giới hết sức chú trọng và ưu tiên đặt lên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Việt Nam. Từ ngày 01/01/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ chính thức có hiệu lực (riêng Khoản 3 Điều 29 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021). Trên cơ sở đó, vào lúc 8h00-12h00 ngày 30/07/2020, Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020”, nhằm tạo ra diễn dàn nghiên cứu chuyên sâu, bình luận và đánh giá tác động của những điểm mới mang tính đột phá trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020” được tổ chức bởi Khoa Luật Thương mại

Hội thảo nhận được sự tham gia tích cực của khách mời đến từ nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài địa bàn Thành phố như: Viện Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM; Trường Đại học Kinh tế TP. HCM; Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM; Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM; Trường Đại học Mở TP. HCM; Trường Đại học Văn Lang; Trường Đại học Công nghệ TP. HCM; Trường Đại học Kinh tế - Tài chính; Trường Đại học Lao động Xã hội (cơ sở 2); Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Gia Định; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; Trường Đại học Cần Thơ và các khách mời là những nhà quản lý trong hai cơ quan Nhà nước: Hội đồng Nhân dân TP. HCM, Sở Tài Nguyên và Môi trường, các Phòng TN&MT) và thực tiễn (các công ty luật, công ty môi trường).

Hội thảo nhận được sự tham gia tích cực của hơn 300 khách mời trên cả nước

Về phía Nhà trường, Hội thảo có sự tham dự của PGS, TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Phan Phương Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại, TS. Phan Thị Thành Dương – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, TS Nguyễn Thị Thư – Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại; PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Nguyên Trưởng khoa Luật Thương mại; PGS.TS Phan Huy Hồng – Nguyên Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Nguyên Trưởng Bộ môn Bộ luật môn Luật Thương mại cùng sự tham gia của các giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM.

Chủ tọa điều hành Hội thảo gồm có: PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng khoa Luật Thương mại;TS. Võ Trung Tín – Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cho biết việc tổ chức bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom đã góp phần tạo cơ hội mang Hội thảo khoa học “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020” đến gần hơn với mọi người, khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hơn 300 khách mời đến từ khắp nơi trên cả nước, điều này không chỉ là tín hiệu đáng mừng đối với Ban tổ chức mà còn là động lực thúc đẩy cho hoạt động tổ chức các diễn đàn nghiên cứu, thảo luận của Nhà trường trong tương lai.

PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo bày tỏ niềm vui mừng khi Hội thảo nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khách mời

Hội thảo gồm hai phiên với 06 bài tham luận xoay quanh vấn đề tìm hiểu và phân tích chuyên sâu về những điểm mới nổi bật trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, qua đó đề xuất các giải pháp triển khai có hiệu quả đạo luật khi có hiệu lực.

Mở đầu phiên tham luận thứ nhất, TS. Võ Trung Tín đã trình bày bài tham luận “Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” với các nội dung xoay quanh khái niệm, đối tượng, thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép môi trường, đồng thời nêu rõ những điểm mà các chế định mớivề giấy phép môi trường của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cần được quy định chi tiết thực hiện.

TS. Võ Trung Tín với bài tham luận “Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”

Vấn đề về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường hiện đang là đề tài nóng trong xã hội hiện nay. Tham luận “Bồi thường thiệt hại về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan đã đề cập một cách khái quát về bồi thường thiệt hại về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và phân tích những điểm khác biệt cơ bản của các quy định này so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường là một chủ đề khá “nóng” trong xã hội hiện nay

Đề tài tham luận đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi trong phiên thảo luận thứ nhất, đặc biệt là các vấn đề về: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt về môi trường, phạm vi, hình thức áp dụng quy định về ủy quyền khởi kiện, việc hoán đổi nghĩa vụ chứng minh… 

Tiếp đó, ThS. Trần Linh Huân trình bày tham luận “Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong quy định về quản lý chất thải”. Tác giả đã tập trung phân tích, đánh giá, trình bày một số điểm mới trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý chất thải và các chất gây ô nhiễm. Cụ thể: quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý nước thải và quản lý, kiểm soát “mùi khó chịu”. Các vấn đề pháp lý điều chỉnh về việc quản lý, kiểm soát đối với loại “mùi khó chịu” rất được các đại biểu quan tâm và trao đổi.

ThS. Trần Linh Huân đưa ra một số ý kiến xoay quanh bài tham luận về quản lý chất thải 

Phiên tham luận thứ hai bao gồm các chủ đề mang tính thời sự không kém. Nhóm tác giả Cao Hồng Quân - giảng viên khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Bách Khoa và Lê Nhật Hồng – học viên cao học luật, Trường Đại học Luật TP.HCM đã mang tới cho Hội thảo góc nhìn bao quát, toàn diện về tín chỉ Carbon thông qua bài tham luận “Quy định về tổ chức và phát triển thị trường Carbon trong nước theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 – Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam”.

Theo tác giả Lê Nhật Hồng, tín chỉ Carbon tuy còn khá mới tại Việt Nam nhưng sẽ trở thành thị trường đầy tiềm năng trong tương lai

ThS, NCS Nguyễn Lâm Trâm Anh – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn trình bày tham luận “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nội dung tham luận làm rõ những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu; qua đó, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, tham luận “Áp dụng pháp luật về tín dụng xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” của TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đã đề cập đến câu chuyện về thị phần của tín dụng xanh – được xem là lĩnh vực rất được quan tâm trong vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là các tổ chức tín dụng.

Quỹ tín dụng xanh được đề cập trong tham luận của TS. Bùi Kim Hiếu cũng là một lĩnh vực mới mẻ và cuốn hút không kém

Phiên thảo luận thứ hai đã diễn ra hết sức sôi nổi với những câu hỏi về tín dụng xanh như: Thực tiễn thiếu cơ chế thực thi, đòi hỏi giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, tuy nhiên cần cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách ưu đãi nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra cho các nhà đầu tư tín dụng xanh.Thị trường Carbon là một thị trường tiềm năng với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần có các quy định cụ thể về cách thức, lộ trình thực hiện. Các đại biểu cũng đề nghị tổ chức riêng Hội thảo về biến đổi khí hậu để trao đổi chuyên sâu về vấn đề này.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình đã gửi lời cảm ơn đến hơn ba trăm khách mời tham dự, cũng như các tác giả đóng góp 20 bài tham luận cho Hội thảo, đồng thời khẳng định tất cả những ý kiến trao đổi của các học giả trong hai phiên thảo luận vừa qua là nền tảng quan trọng cho việc đề xuất, kiến nghị trong bài Tổng thuật hội thảo gi đến các cơ quan có thẩm quyền.

Trong suốt gần 04 tiếng diễn ra vô cùng sôi nổi, Hội thảo khoa học trực tuyến “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020” đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, thiết thực và đầy mới mẻ về những chế định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ đó góp phần đưa ra những định hướng đúng đắn trong việc áp dụng các quy định này trong thời gian tới.

Nội dung: Kiều My

Hình ảnh: Thảo Uyên

Ban Truyền Thông Ulaw

--%>
Top