Nhằm tạo diễn đàn thảo luận về những bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư, quản lý nhà nước về luật sư và năng lực tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư cũng như đề xuất giải pháp hoàn thiện Luật Luật sư, sáng ngày 16/8/2024, tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đồng thời phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”.
Tham dự Hội thảo, về phía Nhà trường có TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo các Khoa, đơn vị chức năng của Trường.
Về phía khách mời, có sự tham dự của TS.LS. Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; LS. Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM; ThS.LS. Nguyễn Thế Phong - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng - kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam; TS.LS. Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Ủy viên BTV Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ThS.LS. Nguyễn Văn Đức - Uỷ viên, Trưởng Ban Đào tạo Đoàn Luật sư TP.HCM cùng các luật sư thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, đại diện các cơ quan, đơn vị, các giảng viên giảng dạy pháp luật đến từ các Trường Đại học trên địa bàn TP.HCM.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)” được tổ chức tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Luật Luật sư năm 2006 được ban hành và trải qua hơn 17 năm thi hành đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho nghề luật sư và các tổ chức hành nghề luật. Đồng thời, Luật cũng góp phần bảo vệ công lý, các giá trị tự do dân chủ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, qua đó xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, dân chủ, công bằng và văn minh. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, sự thay đổi về thực tiễn hành nghề, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi cần có sự thay đổi, bổ sung. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Nhà trường mong muốn Hội thảo sẽ là nơi để các đại biểu có thể góp ý, tranh luận khoa học nhằm đề xuất, góp ý các giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã tiếp nhận 33 bài tham luận đến từ các giảng viên, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường xoay quanh hai chủ đề trọng tâm: (1) Tiêu chuẩn, đào tạo và tập sự luật sư; (2) Hoạt động, tổ chức và quản lý nghề luật sư. Qua quá trình làm việc nghiêm túc, Ban chuyên môn đã thống nhất chia Hội thảo thành 02 phiên, với 06 tham luận được trình bày.
Ở phiên thứ nhất của Hội thảo, các bài tham luận tập trung phân tích, đánh giá các quy định mới của Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) (gọi tắt là “Đề cương”), trên cơ sở so sánh với quy định của pháp luật hiện hành. Nhìn chung, Đề cương đã hình thành khung pháp lý ở nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn về luật sư, đồng thời cũng đề ra một số điểm mới liên quan nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
Chủ tọa Hội thảo phiên thứ nhất với chủ đề “Tiêu chuẩn, đào tạo và tập sự luật sư” (từ trái sang): TS.LS Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Ủy viên BTV Liên đoàn Luật sư Việt Nam; GS. TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM; LS Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
Đến với tham luận đầu tiên về “Một số nội dung cần quan tâm trong đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”, TS. Luật sư Phan Trung Hoài nhận xét Đề cương đã đưa ra một số điểm mới liên quan đến việc nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn trở thành luật sư, bổ sung quy định cấm luật sư có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giới luật sư,… Tuy nhiên, Đề cương quay trở lại cách tiếp cận cũ khi quy định việc gia hạn Chứng chỉ hành nghề luật sư khi hết thời hạn 05 năm hoặc 10 năm. Những bất cập về các quy định hành chính tố tụng gây khó khăn cho các luật sư khi tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, đồng thời, cơ chế đảm bảo cho các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chưa được tháo gỡ và giải quyết một cách triệt để.
TS. Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận “Một số nội dung cần quan tâm trong đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”
Ở tham luận thứ hai về “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”, Luật sư Nguyễn Thế Phong đề xuất cân nhắc bổ sung môn học về chính trị trong quá trình đào tạo nghề Luật sư nhằm đánh giá chính xác hơn về “bản lĩnh chính trị” bởi việc quy định tiêu chuẩn “bản lĩnh chính trị” hay những thước đo để đánh giá một cá nhân có “bản lĩnh chính trị” hay không là không dễ dàng. Đi sâu thêm về đối tượng được miễn thời gian tập sự, Luật sư Nguyễn Thế Phong cho rằng tất cả các đối tượng đều nên thực hiện việc tập sự hành nghề Luật sư nhưng thời gian có thể rút ngắn (tùy từng đối tượng) tương tự như trường hợp giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư.
Luật sư Nguyễn Thế Phong - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng - kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận về “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”
Kết thúc phiên thứ nhất, ThS. Đặng Trần Kha đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Một số góp ý về chế định tập sự hành nghề luật sư cho dự kiến đề cương chi tiết Luật Luật sư”. Theo nhóm tác giả, các quy định của pháp luật về luật sư hiện hành và thực tiễn áp dụng quy định về tập sự hành nghề luật sư đã bộc lộ nhiều vấn đề do quá trình phát triển của xã hội và thời đại mới. Từ đó, nhóm tác giả nêu một số kiến nghị, giải pháp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tập sự; thời gian, trình tự cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và thẻ luật sư; bồi dưỡng chuyên môn cho những người tập sự hành nghề luật sư; quy định miễn tham gia lớp đào tạo luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư…
ThS. Đặng Trần Kha đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Một số góp ý về chế định tập sự hành nghề luật sư cho dự kiến đề cương chi tiết Luật Luật sư”
Các tham luận tại phiên thứ nhất của Hội thảo tập trung vào những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay và nhận được nhiều sự đóng góp cùng nhiều câu hỏi thú vị từ phía các giảng viên, chuyên gia, luật sư. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc miễn, giảm đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư, thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư, tiêu chí “bản lĩnh chính trị” của luật sư.
Các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại phiên thứ nhất của Hội thảo
Ở phiên thứ hai, Hội thảo phân tích và đánh giá một số vấn đề lý luận về dịch vụ pháp lý của luật sư; điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; các quy định quản lý hiện hành, các đề xuất bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, nâng cao năng lực tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.
Chủ tọa Hội thảo phiên thứ hai với chủ đề “Hoạt động, tổ chức và quản lý nghề luật sư” (từ trái sang): ThS.LS Nguyễn Văn Đức - Uỷ viên, Trưởng Ban Đào tạo Đoàn Luật sư TP.HCM; LS. Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM ; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM
Đến với bài tham luận thứ nhất “Một số vấn đề về dịch vụ pháp lý của luật sư ở Việt Nam: Định hướng hoàn thiện”, ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên cho biết nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư là nhu cầu khách quan, tất yếu trong đời sống xã hội. Luật sư không chỉ tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp, khắc phục các rủi ro pháp lý cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức mà còn có vai trò quan trọng trong việc tư vấn nhằm phòng ngừa, hạn chế, thậm chí là loại bỏ các tranh chấp, rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong tương lai. Trên cơ sở đó, tác giả tập trung phân tích các một số vấn đề lý luận về dịch vụ pháp lý của luật sư, từ đó đưa ra các định hướng hoàn hiện cho đề cương chi tiết Luật Luật sư.
ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận về “Một số vấn đề về dịch vụ pháp lý của luật sư ở Việt Nam: Định hướng hoàn thiện”
Đối với tham luận “Pháp luật về điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam - Bất cập và phương hướng hoàn thiện”, đại diện nhóm tác giả đã phân tích và làm rõ một số bất cập trong các quy định pháp luật về điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, mục tiêu xây dựng thị trường dịch vụ pháp lý mang tính cạnh tranh cao, cùng với đó, việc quy định điều kiện hành nghề của các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức luật sư nước ngoài có uy tín vào hành nghề ở Việt Nam.
Đại diện nhóm tác giả trình bày trình bày tham luận về “Pháp luật về điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam - Bất cập và phương hướng hoàn thiện”
Với tham luận “Quản lý và hỗ trợ của nhà nước đối với nghề luật sư: Cần những quy định thực chất và thực tiễn” - Luật sư Nguyễn Văn Phúc đã mang đến góc nhìn toàn diện và nhiều khuyến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nghề luật sư tại Việt Nam. Trải qua gần hai thập kỷ thi hành, Luật Luật sư 2006 tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Những bất cập trong cách hiểu và vận dụng luật, cùng với một số quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nghề luật sư, từ đó đặt ra nhu cầu điều chỉnh kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc trình bày tham luận “Quản lý và hỗ trợ của nhà nước đối với nghề luật sư: Cần những quy định thực chất và thực tiễn”
Kết thúc phiên làm việc thứ hai, nhằm làm rõ các vấn đề, bất cập cũng như bàn luận xa hơn về các giải pháp, các chuyên gia trong lĩnh vực đã nêu nhiều ý kiến, lập luận khoa học và cùng thảo luận sôi nổi về các vấn đề nhưsự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, hình thức hành nghề cá nhân luật sư, việc quản lý hành nghề...
Các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại phiên thứ hai Hội thảo
Sau quá trình làm việc tích cực, đại diện BTC Hội thảo, LS. Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã tổng kết lại những vấn đề, đề xuất quan trọng. Các nội dung đề xuất sẽ được Trường Đại học Luật TP. HCM và Đoàn Luật sư TP. HCM ghi nhận và gửi đến các cơ quan chức năng để xem xét tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Luật sư Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM phát biểu tổng kết Hội thảo
Hội thảo đã ghi nhận nhiều kết quả có tính thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật tại Việt Nam
Nội dung: Quỳnh Như, Yến Nhi
Hình ảnh: Bích Ngân
Ban Truyền thông Ulaw