Hội thảo của khoa Luật Hành chính – Nhà nước với chủ đề “Quy chế pháp lý của đại biểu dân cử ở Việt Nam”

Nhằm phân tích, đánh giá, bình luận những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về những đại biểu dân cử nước ta, góp phần hoàn thiện pháp luật về chế độ pháp lý của đại biểu dân cử, qua đó đóng góp những giá trị thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đội ngũ dân cử, củng cố quyền chính trị của người dân. Vào sáng ngày 18/08/2021, khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quy chế pháp lý của đại biểu dân cử ở Việt Nam”.


Hội thảo khoa học “Quy chế pháp lý của Đại biểu dân cử ở Việt Nam” được tổ chức vào lúc 8h00 thông qua phần mềm Zoom và phát trực tiếp trên fanpage Trường Đại học Luật TP.HCM

Về phía khách mời, có sự hiện diện của Bà Trần Thị Thanh Lam - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre); Bà Nguyễn Thị Yến Nhi - Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Vĩnh Châu, Tỉnh Sóc Trăng; Bà Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Bà Ngô Thị Thanh Diệu - Văn phòng Quốc hội, Hội đồng nhân dân Tỉnh Bến Tre; ThS. Lưu Đức QuangGiảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật; Ông Đào Mạnh Nghĩa- Foreign Legal Associate, Chi nhánh Anderson Mōri & Tomotsune tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Sáng kiến DMN, Hội đồng SDGs và Quỹ DMN Foundation; Bà Lâm Ngọc Thuỳ Minh- Chuyên viên pháp lý tại Công ty Luật TNHH Việt An – Chi.

Về phía Nhà trường, có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường; PGS.TS Đỗ Minh Khôi – Phụ trách công tác Nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trưởng Bộ môn Lý luận & pháp luật; PGS.TS Phan Nhật Thanh – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước; TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước; ThS. Nguyễn Văn Trí – Phó khoa phụ trách Khoa luật Hành chính – Nhà nước cùng các Thầy/Cô trong Ban tổ chức, Ban chuyên môn, các anh chị học viên cao học, nghiên cứu sinh, các bạn sinh viên, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước.


Hội thảo nhận được sự tham gia tích cực của nhiều khách mời cùng đông đảo giảng viên trong trường, nghiên cứu sinh, học viên Cao học và các bạn sinh viên

Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Văn Trí chia sẻ mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến đại biểu dân cử trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành, đánh giá thực trạng pháp luật về đại biểu dân cử, bổ sung và hoàn thiện những vấn đề cần sửa đổi. Đồng thời đánh giá thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật của đại biểu dân cử ở nước ta, chỉ ra những bất cập hạn chế  và đề xuất các biện pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về đại biểu dân cử.


ThS. Nguyễn Văn Trí chia sẻ về mục đích, nội dung của buổi hội thảo

Hội thảo khoa học “Quy chế pháp lý của đại biểu dân cử ở Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với 22 bài tham luận được gửi tới tổ thư ký, Ban tổ chức đã chọn ra 6 bài tham luận nổi bật sẽ được trình bày tại Hội thảo.

Hội thảo được chia làm 02 phiên, mỗi phiên gồm 03 bài tham luận được trình bày. Phiên thứ nhất được chủ trì bởi PGS.TS Phan Nhật Thanh và TS. Đặng Tất Dũng, phiên thứ hai của Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS. Đỗ Mạnh Khôi, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, bao gồm các tham luận:

Mở đầu phiên tham luận thứ nhất, ThS. Trần Thị Thu Hà (B) đã trình bày bài tham luận “Vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” với các nội dung như vấn đề lý luận cơ bản chung về vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội và thực trạng thực hiện vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện.


ThS. Trần Thị Thu Hà (B) với bài tham luận “Vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” mở đầu cho phiên tham luận thứ nhất

Tiếp đến là bài tham luận: “Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Mai Anh và ThS. Đào Mạnh Nghĩa đã đề cập đến thực trạng về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, bên cạnh những ưu điểm thì hạn chế vẫn còn tồn tại song song. Do đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện những giải pháp để đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri.


ThS. Đào Mạnh Nghĩa đã có những kiến nghị cũng như giải pháp vô cùng thực tế trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Kết thúc phiên thứ nhấtbài tham luận “Giám sát của đại biểu Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” của ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày về thực trạng giám sát khiếu nại, tố cáo của đại biểu Quốc hội và nêu lên những kiến nghị để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giải quyết khiếu nại tố cáo.

Các tham luận tại phiên thứ nhất của hội thảo tập trung vào những vấn  đề đang rất được quan tâm hiện nay và được nhiều sự đóng góp cùng nhiều câu hỏi thú vị từ phía các giảng viên, chuyên gia, luật sư… tham dự hội thảo. Trong đó, Bà Nguyễn Thị Hòa Bình đã có những chia sẻ dưới góc độ thực tế về hoạt động giám sát tiếp công dân ở cấp huyện với một số bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân (chủ yếu là do đại biểu kiêm nhiệm) và hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Do đó, đại biểu mong muốn sẽ có thêm những quy định ràng buộc về hoạt động giám sát của đại biểu dân cử.


PGS.TS Phan Nhật Thanh đưa ra một số ý kiến trong phiên tham luận thứ nhất

Bài tham luận mở đầu phiên thứ hai với chủ đề “Quyền chất vấn – công cụ thực hiện hiệu quả khả năng giám sát của đại biểu Quốc hội” được trình bày bởi ThS. Phạm Thị Phương Thảo (B). Nội dung bài tham luận chủ yếu tập trung về mối quan hệ giữa quyền chất vấn và hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, thực tiễn thực hiện hoạt động chất vấn hiện nay và những kiến nghị hoàn thiện.


ThS. Phạm Thị Phương Thảo (B) chia sẻ rằng bản thân rất tâm huyết với phần tham luận của mình

Với phần tham luận “Quyền lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội – bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của ThS. Trương Thị Minh Thùy cũng đã chia sẻ thêm về quy định pháp luật hiện hành cũng như nêu lên những bất cập và kiến nghị sửa đổi trong quy định về quyền lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện liên quan đến địa điểm, mức độ, hệ quả, tên gọi, điều kiện và hậu quả pháp lý của lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Hội thảo kết thúc với phần tham luận “Quyền miễn trừ cho nghị sĩ ở vương quốc Anh, kinh nghiệm cho Việt Nam” với phần trình bày của ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo về quyền miễn trừ của nghị sĩ ở Anh. Qua đó, diễn giả đưa ra những bài học cũng như kiến nghị dành cho đại biểu Quốc hội ở nước ta liên quan đến đối tượng được hưởng quyền miễn trừ, thời điểm bắt đầu và kết thúc, hành vi được hưởng quyền và mức độ bảo vệ quyền, cũng như cách xử lý khi đại biểu lạm dụng quyền miễn trừ.


Buổi hội thảo diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp vô cùng thiết thực

Tại hội thảo, ThS. Lưu Đức QuangGiảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật đã chia sẻ thêm một vài ý kiến học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng phải trên cơ sở thực tiễn hiện có; chú trọng thực chất trong hoạt động tiếp xúc cử tri, chủ yếu là liên quan đến cách thức tổ chức hoạt động này cho đại biểu dân cử và vai trò, bản lĩnh của đại biểu dân cử rất lớn, do đó phải chú trọng đến điều kiện hỗ trợ đại biểu dân cử thực hiện các quyền của mình.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Minh Khôi đã tổng kết 6 vấn đề lớn được trình bày với hơn 18 lượt đóng góp ý kiến trao đổi. Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo khoa Luật Hành chính – Nhà nước, PGS.TS. Đỗ Minh Khôi gửi lời cảm ơn đến toàn thể khách mời, đại biểu tham dự, các anh chị học viên cao học, nghiên cứu sinh, các bạn sinh viên, giảng viên đã quan tâm đến Hội thảo.


PGS.TS Đỗ Minh Khôi phát biểu kết thúc hội thảo

Sau hơn 03 giờ hoạt động vô cùng sôi nổi, hội thảo được Khoa Luật Hành chính - Nhà nước với chủ đề “Quy chế pháp lý của Đại biểu dân cử ở Việt Nam” đã mang đến nhiều thông tin thiết thực liên quan đến những khía cạnh lý luận và thực tiễn về đại biểu dân cử.

Nội dung: Minh Hoàng

Hình ảnh: Đăng My

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top