Hội thảo “Chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo” tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học và các giảng viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp hướng đến việc hoàn thiện quá trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và đào tạo, vào ngày 27/03/2024 tại hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi Hội thảo “Chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo”. Buổi Hội thảo đã ghi nhận những tham luận có giá trị cùng với những giải pháp, kiến nghị hữu ích và thiết thực cho Nhà trường trong công tác chuyển đổi số trong thời gian sắp tới.

Buổi Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên Nhà trường

Về phía Nhà trường có sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các chuyên gia, nhà khoa học cùng với nhiều giảng viên, học viên cao học và sinh viên Nhà trường.

Về phía khách mời, buổi Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số và đại diện các công ty trong lĩnh vực phần mềm và giải pháp công nghệ như: TS. Trương Bá Hà - Công ty TNHH Phần mềm và Tư vấn Kim Tự Tháp (PSC); TS. Nguyễn Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Viện phát triển kinh tế số Việt Nam; TS. Nguyễn Tấn Đại – phụ trách Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ (CNF) TPHCM; ông Vũ Văn Nhượng – Tổng Giám đốc LTG; ông Nguyễn Ngọc Nam – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Logic Buy; ông Lương Hồng Khoa – Giám đốc dự án LTG; ông Huỳnh Lương Huy Thông – Trưởng phòng quản lý sản phẩm – VNPT-IT khu vực 2 và ông Huỳnh Trọng Hoàn – Giám đốc công ty TNHH OpsGreat. 

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng và cách thức mà quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến nhiều khía cạnh, từ phương thức quản trị đại học đến phong cách giảng dạy, học tập và nhận thức của giảng viên và sinh viên. Lãnh đạo Nhà trường cho rằng, chuyển đổi số không chỉ cần được chú trọng trong hoạt động dạy-học mà cả trong các khâu quản lý đào tạo, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Và quan trọng nhất là xây dựng các chiến lược số trọng tâm để từng bước thay đổi căn bản và toàn diện phương thức quản lý và quản trị nhà trường, tạo môi trường làm việc và học tập hiện đại, sẵn sàng thích ứng với những thách thức và cơ hội của một thế giới số hóa. Trên cơ sở đó, đội ngũ các nhà quản lý, các chuyên viên, giảng viên và sinh viên Nhà trường cần được trang bị các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ việc quản lý đào tạo, giảng dạy và học tập. TS. Lê Trường Sơn hy vọng Hội thảo sẽ là một diễn đàn cởi mở nhằm ghi nhận những trao đổi, thảo luận và kiến nghị, góp ý cho Nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số tại Trường Đại học Luật TP.HCM trong thời gian tới.

TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc buổi Hội thảo

Hội thảo được chia thành hai phiên thảo luận với 8 tham luận chuyên sâu về các vấn đề chuyển đổi số trong công tác quản lý và đào tạo. Các bài tham luận được các chuyên gia, các giảng viên trình bày chi tiết, từ đó nêu ra những thực trạng trong giai đoạn chuyển đổi số và đề xuất những giải pháp đưa công nghệ số vào giảng dạy, học tập và công tác quản trị Nhà trường.

Ở phiên 1 thảo luận về “Chuyển đổi số trong công tác quản lý”. Chủ tọa phiên 1 gồm TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, TS. Trương Bá Hà - Công ty TNHH Phần mềm và Tư vấn Kim Tự Tháp (PSC), PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM.

Chủ tọa phiên thảo luận 1

Phiên thảo luận 1 ghi nhận bài tham luận “Chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo Đại học Luật” của TS. Nguyễn Tuấn Hoa, trong đó đã đưa ra các kiến nghị về giải pháp, công cụ chuyển đổi số như phát triển học liệu số, thiết kế quy trình đào tạo số, phát triển hạ tầng số và đo lường kết quả chuyển đổi số.

TS. Nguyễn Tuấn Hoa trình bày bài tham luận về vấn đề chuyển đổi số trong công tác quản lý trường Đại học Luật TPHCM

Bài tham luận tiếp theo của ThS. Vũ Đình Lê - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh”. Diễn giả đã trình bày về sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong hoạt động tư vấn tuyển sinh nhằm giúp Nhà trường có thể dễ dàng tiếp cận và tương tác nhiều hơn với đối tượng học sinh PTTH trên môi trường trực tuyến thông qua các công cụ trên mạng xã hội.

ThS. Vũ Đình Lê trình bày những vấn đề về chuyển đổi số trong tư vấn tuyển sinh

Với bài tham luận “Chuyển đổi số trong Giáo dục đại học” được trình bày bởi TS. Trương Bá Hà - Công ty PSC, Hội thảo đã ghi nhận từ diễn giả các góp ý chi tiết, tập trung vào việc nâng cao tiện ích của thiết bị di động và tạo ra hệ sinh thái sinh viên số với những công nghệ mới, những mô hình cụ thể nhằm phục vụ cho công tác chuyển đổi số của Nhà trường.

TS. Trương Bá Hà trình bày bài tham luận về chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Bài tham luận cuối phiên 1 về “Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Luật TPHCM” được trình bày bởi ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên và ThS. Ngô Nguyễn Cảnh với trọng tâm phân tích và đánh giá các cơ hội và thách thức mà Thư viện trường phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đề xuất một số giải pháp dựa trên kinh nghiệm từ các trường đại học trên thế giới nhằm cải thiện kỹ năng chuyên môn của đội ngũ nhân viên thư viện, đồng thời tăng khả năng lưu trữ khối lượng lớn và số hóa các tài liệu quan trọng tại Thư viện trường.

ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên nói về thư viện trong quá trình áp dụng chuyển đổi số

Phiên 2 thảo luận về “Chuyển đổi số trong công tác đào tạo” với Chủ tọa đoàn gồm TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Đại học Luật TPHCM.

Chủ tọa Phiên thảo luận 2

Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, ThS. Trần Ngọc Lan Trang đã có bài trình bày tham luận về “Kinh nghiệm dạy học trực tuyến tại một số trường đào tạo luật ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” tập trung làm rõ các phương thức dạy học trực tuyến thông qua máy tính hoặc các thiết bị số kết nối mạng, sử dụng công nghệ số để học tập mọi lúc mọi nơi cho sinh viên chuyên ngành Luật.

Ở một chủ đề khác, PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Khoa Ngoại ngữ pháp lý mang đến tham luận về “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học và việc nâng cao năng lực tự học của sinh viên”. Qua đó, diễn giả cũng đưa ra những giải pháp nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho sinh viên, đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng một môi trường học tập đa dạng, linh hoạt và hỗ trợ cho người học tốt hơn với công nghệ số.

Đến với bài tham luận tiếp theo về “Chuyển đổi số trong công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở các trường đại học Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, TS. Trần Thị Thanh Trúc - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ Pháp lý đã đề cập đến những thách thức mà các trường đại học hiện nay đang phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số trong công tác kiểm tra đánh giá, bao gồm vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, và sự chuẩn bị về mặt tâm lý từ phía cán bộ giảng dạy và sinh viên. Ngoài ra, diễn giả cũng đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

PGS. TS. Trần Thăng Long trình bày vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục đại học và nâng cao năng lực tự học của sinh viên

TS. Trần Thị Thanh Trúc trình bày tham luận trong phiên thảo luận 2

Cuối phiên 2 của buổi hội thảo là bài tham luận của ThS. Nguyễn Văn Trí về “Chuyển đổi số trong việc thanh toán thù lao giảng dạy, ra đề thi, chấm thi cho giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM”, trong đó tác giả đề xuất việc áp dụng chuyển đổi số trong thanh toán thù lao giảng dạy giúp cho quá trình thanh toán nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn

ThS. Nguyễn Văn Trí trình bày về vấn đề thanh toán thù lao giảng dạy trong quá trình chuyển đổi số

Sau phần trình bày của các diễn giả, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý của Nhà trường đã có phần thảo luận cởi mở và thẳng thắn về những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi số cho Nhà trường, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao nhận thức của giảng viên và người học đồng thời vẫn phải cân nhắc về nguồn lực và chi phí đầu tư. Đây là bài toán không hề đơn giản đặt ra cho tập thể lãnh đạo Nhà trường.

TS. Nguyễn Tấn Đại nêu lên những góp ý thực tiễn chuyển đổi số của Nhà trường và dự án E-Learning mà Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ (CNF) TPHCM đã triển khai với Đại học Luật TP.HCM

Bế mạc Hội thảo, dù xác định rõ những khó khăn và thử thách nhưng tập thể lãnh đạo Nhà trường nhấn mạnh, chuyển đổi số đã và đang là một hướng đi phù hợp với xu thế của giáo dục đại học mà không một trường nào có thể đứng ngoài. Vì thế, để thúc đẩy nhanh quá trình tích hợp chuyển đổi số vào hoạt động dạy-học và quản trị đại học, Nhà trường rất cần có sự đồng lòng, ủng hộ và chung sức của tập thể giảng viên, cán bộ viên chức, người lao động và các sinh viên. Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao các chủ đề đã được thảo luận với nhiều ý kiến giá trị, cung cấp cơ sở nền tảng cho việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số tại Trường Đại học Luật TP.HCM.

Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả và khách mời

                                                                    Nội dung: Huyền Diệu, Đình Quý

                                                                    Hình ảnh: Nhật Nam, Mai Hương

                                                                    Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top