Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp và nhiều nghiên cứu về pháp luật, Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 đang bộc lộ một số hạn chế về quy định áp dụng BPKCTT cụ thể hơn là trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp này phát sinh vấn đề liên quan đến bên thứ ba cần phải được giải quyết để đảm bảo trọng tài giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng và bảo vệ được công lý. Với mục tiêu bàn luận các vấn đề liên quan đến bên thứ ba trong việc áp dụng BPKCTT dưới góc độ quy định pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, sáng ngày 22/03/2024, tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) trong tố tụng trọng tài và tác động của các bên thứ ba”.
Đây là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động Diễn đàn khoa học về trọng tài, hòa giải 2024 (Arbitration - Mediation Symposium 2024 - AMS 2024), với chủ điểm chính là “Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài”, diễn ra từ ngày 22/3/2024 đến ngày 11/4/2024.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý
Hội thảo có sự tham dự của GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC, chủ toạ; Bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC; LS. Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH EPLegal, Trọng tài viên VIAC; TS. Nguyễn Thị Hoa – GV Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. HCM; ThS. Huỳnh Quang Thuận – GV Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM.
Về phía VIAC, có sự hiện diện của LS. Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký; LS. Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Công ty luật Global Vietnam Lawyers (GV Lawyers), Trọng tài viên VIAC; ông Huỳnh Đăng Hiếu - Phó trưởng phòng Ban Thư ký. Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của các giảng viên, luật sư, doanh nghiệp và các bạn sinh viên.
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC, chủ tọa phát biểu khai mạc Hội thảo
GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC phát biểu tại Hội thảo
Đại diện VIAC, LS. Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký VIAC phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Trần Việt Dũng nhấn mạnh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay việc hoàn thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà (ADR) là rất quan trọng. Một trong những vẫn đề nổi cộm trong đó là thực tiễn trọng tài hiện nay tại Việt Nam là khung pháp lý cho phép Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), bên cạnh đó vấn đề cũng đặt ra là nếu việc vận dụng BPKCTT liên quan tới bên thứ ba cũng là vấn đề khá phức tạp do tố tụng trọng tải vốn chỉ liên quan tới các bên ký kết thoả thuận trọng tài. BTC hội thảo mong muốn các chuyên gia phân tích trao đổi các vấn đề cởi mở để từ đó còn thể tìm ra được những giải pháp hiệu quả thúc đẩy nền trọng tài Việt Nam tiếp cận với trọng tài quốc tế phù hợp với chính sách hội nhập của nhà nước.
Hội thảo được chia làm hai phiên. Tại phiên thứ nhất, các tham luận được trình bày bao gồm:
- “Góc độ pháp luật Việt Nam: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài và các ảnh hưởng đối với bên thứ ba không tham gia vụ tranh chấp” - ThS.NCS. Huỳnh Quang Thuận, GV khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật TP. HCM;
- “Vai trò của Tòa án đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài” - Bà Ủ Thị Bạch Yến, Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Trọng tài viên VIAC.
Trong phần trình bày của mình ThS.NCS. Huỳnh Quang Thuận nhấn mạnh các BPKCTT trong tố tụng trọng tài mang ý nghĩa đảm bảo thi hành án, tiến trình tố tụng cũng như bảo vệ chứng cứ và quyền lợi đương sự. Ông Thuận đưa ra phân tích và kiến nghị rằng HĐTT không nên có thẩm quyền áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba (vì có thể vi phạm những nguyên lý của trọng tài), tuy nhiên có thể mở rộng thẩm quyền của HĐTT đối với các biện pháp cần có sự hỗ trợ, phối hợp thi hành của bên thứ ba, điển hình là phong tỏa tài khoản ngân hàng, phong tỏa tài sản của bên có nghĩa vụ tại nơi gửi giữ. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba, ông Thuận cho rằng pháp luật nên bổ sung quyền yêu cầu hủy bỏ BPKCTT của bên thứ ba bị xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp và quyền tự hủy bỏ BPKCTT của HĐTT.
ThS. Huỳnh Quang Thuận – GV khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM trình bày tham luận “Góc độ pháp luật Việt Nam: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài và các ảnh hưởng đối với bên thứ ba không tham gia vụ tranh chấp”
Tuy nhiên, về vấn đề này thì Bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Trọng tài viên VIAC lại có quan điểm cởi mở hơn. Theo bà Yến thì Việt Nam nên mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, cho phesp Hội đồng quyền áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba do hiện nay Luật TTTM cũng không có một quy định nào mang tính cấm. Hơn nữa, theo bà Yến thì trước khi áp dụng BPKCTT, Luật TTTM đã có quy định cho phép hội đồng trọng tài được yêu cầu bên yêu cầu phải cung cấp biện pháp bảo đảm nên nếu việc áp dụng BPKCTT gây thiệt hại cho bên thứ ba thì bên yêu cầu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó, việc mở rộng thẩm quyền cho hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba cũng không gây ra tác động tiêu cực nào cho hoạt động trọng tài và cho chủ thể này.
Bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Trọng tài viên VIAC trong tham luận “Vai trò của Tòa án đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài”
Tại phiên thứ hai, các tham luận được trình bày bao gồm:
- “Góc độ kinh nghiệm quốc tế: Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba và xu hướng tiếp cận của trọng tài quốc tế.” – LS. Nguyễn Trung Nam, Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH EPLegal, Trọng tài viên VIAC;
- “Một số kiến nghị về quy định đối với bên thứ ba và nâng cao thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.” – TS. Nguyễn Thị Hoa, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, trường ĐH Luật TP. HCM.
Tiếp theo phần tranh Luận của các chuyên gia ở Phiên một, LS. Nguyễn Trung Nam - Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH EPLegal, Trọng tài viên VIAC cũng chia sẻ quan điểm cần cân nhắc thấu đáo cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan tới bên thứ ba. Tuy nhiên ông ủng hộ việc mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng trọng tài vì như vậy sẽ giúp nâng cao tính hiệu quả của tố tụng trọng tài. Ông gợi ý Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Dự thảo Luật mới của Anh đang được tiến hành theo hướng cho phép Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba.
LS. Nguyễn Trung Nam - Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH EPLegal, Trọng tài viên VIAC với tham luận “Góc độ kinh nghiệm quốc tế: Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba và xu hướng tiếp cận của trọng tài quốc tế.”
Cuối cùng, TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, trường ĐH Luật TP. HCM cũng có một số góp ý để nâng cao thẩm quyền của hội đồng trọng tài theo hướng không nên cho phép bên bị hại do áp dụng BPKCTT khởi kiện trọng tài ra toà án trước khi chấm dứt tố tụng trọng tài. Điều này là vì nếu cho phép khởi kiện sẽ làm cho hội đồng trọng tài không còn độc lập, vô tư, khách quan để tiếp tục giải quyết tranh chấp. Do đó, chỉ nên quy trách nhiệm cho người yêu cầu áp dụng BPKCTT nếu việc áp dụng gây thiệt hại cho chủ thể khác như quy định tại Điều 52 Luật TTTM. Nếu muốn quy trách nhiệm của hội đồng trọng tài thì chỉ nên sau khi đã có phán quyết cuối cùng làm chấm dứt tố tụng trọng tài và chỉ khi chứng minh được là trọng tài viên không độc lập, không vô tư hoặc không khách quan. Việc này giúp không là xáo trộn thủ tục trọng tài và khi đó thì Việt Nam mới được các nhà đầu tư tin tưởng để lựa chọn là địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Ngoài ra, TS. Hoa cũng đề xuất nên mở rộng hiệu lực của thoả thuận trọng tài đối với bên thứ ba nhận chuyển giao theo pháp luật quyền hoặc nghĩa vụ của hợp đồng có chứa đựng thoả thuận trọng tài; và cho phép bên thứ ba hưởng lợi của một hợp đồng có thoả thuận trọng tài cũng được quyền chọn đưa tranh chấp ra trọng tài nếu một trong các bên của hợp đồng vi phạm nghĩa vụ đối với mình.
TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, trường ĐH Luật TP. HCM với tham luận “Một số kiến nghị về quy định đối với bên thứ ba và nâng cao thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Trong không khí học thuật cởi mở và nghiêm túc, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý đã ra đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ những vấn đề pháp lý còn vướng mắc xoay quanh chủ đề của Hội thảo. Các vấn đề về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bên thứ ba trong thủ tục trọng tài, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do áp dụng BPKCTT,... nhận được sự quan tâm thảo luận của đông đảo quý đại biểu tham dự.
LS. Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Công ty luật Global Vietnam Lawyers (GV Lawyers), Trọng tài viên VIAC trao đổi quan điểm tại Hội thảo
Các chuyên gia thảo luận sôi nổi nhằm đưa đến kết luận chung cho các vấn đề được đặt ra
Sau quá trình làm việc tích cực, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm mang tính chuyên môn và xây dựng cao xoay quanh việc áp dụng các BPKCTT đối với bên thứ ba, qua đó, đặt tiền đề để các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về Trọng tài Thương mại tại Việt Nam.
Hội thảo là tiền đề để các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, hoàn thiện pháp luật trọng tài thương mại, đặc biệt trong việc áp dụng các BPKCTT đối với bên thứ ba
Nội dung: Quỳnh Như
Hình ảnh: Phương Thảo
Ban Truyền thông Ulaw