Giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”

Luật Luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012, có hiệu lực thi hành, đến nay đã gần 18 năm. Trong 18 năm qua, với những quy định tiến bộ, thể chế hóa khá đầy đủ chủ trương của Đảng về vai trò của luật sư, nghề luật sư, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam. Trước bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, đòi hỏi Nhà nước Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước tương thích với pháp luật quốc tế, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó có vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động hành nghề Luật sư và Luật sư.

Trước những thách thức và cơ hội cho sự phát triển của nghề luật sư trong thời gian tới, từ nhu cầu phát sinh từ thực tiễn, Bộ Tư pháp vừa xây dựng Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) (gọi tắt “Đề cương”) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các Đoàn Luật sư. Về cơ bản, Đề cương đã đưa ra được khung khổ pháp lý ở nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn về luật sư, dịch vụ và kinh doanh dịch vụ pháp lý của luật sư, nguyên tắc quản lý và nguyên tắc hành nghề luật sư. Đồng thời, Đề cương đưa ra một số điểm mới liên quan đến việc nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn trở thành luật sư, bổ sung phạm vi cấm luật sư có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giới luật sư; cản trở hoạt động tố tụng; xúi giục người dân, khách hàng khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng, phức tạp đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về Đề cương, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam chưa được đặt ra; mô hình quản lý, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư và nhiều vấn đề bất cập liên quan các quy định hành chính tố tụng, cơ chế đảm bảo cho các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân... chưa được tháo gỡ và giải quyết một cách triệt để.

Xuất phát từ các lý do trên, trên cơ sở chương trình hợp tác giữa hai đơn vị, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)sẽ diễn ra:

- Vào lúc 8 giờ, ngày 16/8/2024 (Thứ Sáu).

- Địa điểm: tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP. HCM.

Hội thảo được tổ chức nhằm đề xuất một số giải pháp để sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư theo định hướng của Đảng là Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Củng cố hội luật gia các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên hội luật gia trong thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật” (Nghị quyết số 27-NQ-TW).

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, luật sư, giảng viên, nhà nghiên cứu cùng tham gia trao đổi. Quý đại biểu tham dự có thể đăng ký qua email: vnmhanh@hcmulaw.edu.vn

--%>
Top