Nhằm tạo một diễn đàn
trao đổi, mở rộng chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý,
sáng ngày 14/4/2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
VIAC cùng với Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Trường Đại
học Luật TP.HCM và Đoàn Luật sư TP.HCM tổ chức diễn
đàn thảo luận với chủ đề “Thuận lợi hóa quá
trình giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài
tại Việt Nam” tại Grand Sài Gòn, TP.HCM.
Về phía Trung tâm Trọng
tài Quốc tế Việt Nam, diễn đàn đón nhận sự hiện
diện của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng
tài Quốc tế Việt Nam VIAC, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội; LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); ThS.LS. Phan
Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt
Nam (VMC).
Về phía Trường Đại
học Luật TP.HCM, diễn đàn đón nhận sự tham dự của
PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường,
GS.TS. Mai Hồng Quỳ - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường,
Trọng tài viên VIAC; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa
Luật Quốc tế; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Giảng viên cao cấp,
Phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam.
Về phía Đoàn Luật sư
TP.HCM, có sự tham gia của LS. Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm
Đoàn Luật sư TP.HCM cùng với sự tham gia của đông đảo
quý vị đại biểu, quý chuyên gia, học giả hàng đầu
trong lĩnh vực trọng tài.

Diễn đàn thảo luận
“Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng
phương pháp trọng tài tại Việt Nam” ngày 14/4/2023
Phát biểu khai mạc sự
kiện, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài
Quốc tế Việt Nam VIAC, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội cho
biết phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là
phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, nhanh
chóng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc
tế. Tuy nhiên, khung pháp lý về trọng tài ở Việt Nam
còn có nhiều hạn chế và bất cập trong hoạt động
thực tiễn. Do đó, TS. Vũ Tiến Lộc kỳ vọng diễn đàn
sẽ mang đến những trao đổi, kiến nghị thiết thực
cho việc thúc đẩy, phát triển đối với hệ thống pháp
luật về giải quyết tranh chấp, đặc biệt là trọng
tài, hòa giải.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ
tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC, ĐBQH, Ủy
viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc
sự kiện

PGS.TS. Bùi Xuân Hải -
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM thay mặt
BGH Nhà trường gửi lời cảm ơn đến các quý khách mời
có mặt tại buổi Hội thảo

LS. Nguyễn Văn Trung -
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định mối quan hệ
gắn kết bền chặt giữa Đoàn Luật sư TP.HCM, Trường
Đại học Luật TP.HCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế
Việt Nam
Diễn đàn thảo luận
“Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng
phương pháp trọng tài tại Việt Nam” được diễn ra
với hai phiên trao đổi. Phiên đầu tiên được khai thác
với với chủ đề chính là: Bàn luận về vấn đề quản
lý vụ tranh chấp trong trọng tài thông qua hai đề tài là
(1) Công cụ quản lý vụ tranh chấp - Kinh nghiệm quốc tế
và thực tiễn tại Việt Nam và (2) Đệ trình và đánh
giá chứng cứ trong tố tụng trọng tài.
Mở đầu phiên thảo luận
chuyên sâu, LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH
Phòng ADR Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học
VIAC, Trọng tài viên VIAC đã tiến hành khái quát chung về
quản lý vụ tranh chấp dựa trên các nội dung: Cơ sở lý
luận; quy định Luật Trọng tài quốc tế về quản lý
vụ kiện; quy tắc và hướng dẫn của các tổ chức và
Tòa án quốc tế về vấn đề quản lý vụ kiện; quy
định của Luật Trọng tài Việt Nam về quản lý vụ
kiện.

LS. Nguyễn Mạnh Dũng -
Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Phó Chủ tịch
Hội đồng Khoa học VIAC, Trọng tài viên VIAC khái quát
chung về quản lý vụ tranh chấp
Bàn về hai chủ đề đang
được thảo luận tại phiên thứ nhất, sau khi nghe phần
trình bày chi tiết từ hai đề tài thảo luận nêu trên,
các diễn giả, quý vị đại biểu đã tham gia trao đổi,
mở rộng và làm sáng tỏ vấn đề cũng như các vướng
mắc thực tế. Một trong những sự quan tâm nổi bật là
về vấn đề quản lý vụ kiện, theo LS. Trương Trọng
Nghĩa đây là trách nhiệm chung của Hội đồng trọng tài
và các bên tranh chấp, do đó, các bên không thể vì đang
tranh chấp mà từ chối hợp tác và thiếu thiện chí, mà
cần cùng nhau xây dựng các thỏa thuận trong thời gian
sớm nhất có thể. Ngoài
ra, tại phiên
thảo luận đã đặt ra vấn đề là “Các bên có thể
thỏa thuận về thủ tục bác bỏ trong khi luật không quy
định được không?”, PGS.TS. Bùi Xuân Hải quan điểm
rằng trọng tài được dựa trên cơ sở thỏa thuận của
các bên, nên đối với trường hợp Hội đồng trọng
tài không tôn trọng sự thỏa thuận vốn không vi phạm
điều cấm pháp luật thì đây là một trong những căn cứ
để hủy phán quyết trọng tài theo quy định pháp luật.

PGS.TS. Trần Việt Dũng
- Trưởng Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật
TP.HCM, Trọng tài viên VIAC dẫn nhập vấn đề và bày tỏ
mong muốn lắng nghe quan điểm, trao đổi của các diễn
giả, khách mời
Diễn đàn tiếp tục diễn
ra sôi nổi, thu hút sự thảo luận của quý vị đại
biểu tham dự tại phiên làm việc thứ hai với 3 chủ đề
sau đây: (1) Khái quát về hiệu lực của phán quyết và
các quyết định của Hội đồng Trọng tài; (2) Nguyên
tắc và thực tiễn về hiệu lực của phán quyết và các
quyết định của Hội đồng trọng tài; (3) Hủy phán
quyết trọng tài và cơ chế xem xét lại với quyết định
hủy phán quyết trọng tài.
GS.TS.
Đỗ Văn Đại – Giảng viên cao cấp Trường Đại học
Luật TP. Hồ Chí Minh, Phụ
trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Trọng
tài viên VIAC dẫn nhập vấn đề thông qua khái quát hiệu
lực của phán quyết và các quyết định của Hội đồng
Trọng tài
Mở đầu phiên thảo luận
thứ hai, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Giảng viên cao cấp
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Phụ
trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam,
Trọng tài viên VIAC tiến hành khái quát hiệu lực của
phán quyết và các quyết định của Hội đồng Trọng
tài thông qua các ưu điểm và nhược điểm của cơ chế
thực thi phán quyết trọng tài. Đồng thời, GS.TS. Đỗ
Văn Đại đã chỉ ra “rào cản” lớn nhất của quá
trình thực thi phán quyết trọng tài hiện nay tại Việt
Nam chính là cơ chế hủy phán quyết trọng tài và trình
bày dưới nhiều góc độ khác nhau.

TS.
LS. Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Trọng tài Công
ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập đề xuất các kiến nghị
nhằm hỗ trợ cho việc đảm bảo hiệu lực phán quyết
cho các quyết định trọng tài
Tiếp theo đó, TS.LS.
Nguyễn Thị Thu Trang đã chỉ ra những hạn chế của pháp
luật Việt Nam về quá trình đưa ra phán quyết trọng
tài, cụ thể, quy định này chưa hoàn toàn phù hợp với
pháp luật Quốc tế, điều này dẫn đến nhiều hậu quả
gây khó khăn cho việc thực thi phán quyết trọng tài tại
Việt Nam. Với lập luận chặt chẽ và chi tiết, chuyên
gia đã đề xuất các kiến nghị nhằm đảm bảo hiệu
lực phán quyết cho các quyết định của trọng tài.
Bà
Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.
HCM đặt vấn đề nên ban hành thêm quy định khi chưa có
cơ chế Giám đốc thẩm, tái thẩm đối với quyết định
của Tòa án về hủy phán quyết của Trọng tài
Bên cạnh đó, buổi thảo
luận đã tiếp tục bàn về vấn đề bổ sung quy định
khi pháp luật hiện nay không có cơ chế Giám đốc thẩm,
tái thẩm đối với quyết định của Tòa án về việc
hủy phán quyết của Trọng tài. Dưới góc nhìn của một
luật sư, LS. Trần Duy Cảnh đã tiến hành trình bày những
căn cứ để hủy phán quyết của Trọng tài nói chung và
tác động ảnh hưởng đến ngành nghề Luật sư nói
riêng.

TS.
Lê Nguyễn Gia Thiện - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và
Đào tạo STAC, Phó Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế -
Luật góp ý, thảo
luận xoay quanh các vấn đề của Hội thảo
Với tinh thần trao đổi
tích cực, cởi mở của quý vị đại biểu tham dự, diễn
đàn đã ghi nhận nhiều giải pháp hoàn thiện khung pháp
lý về Trọng tài ở Việt Nam, hướng đến tạo môi
trường kinh doanh minh bạch, bảo đảm quyền lợi của
nhà đầu tư kinh doanh trong phòng ngừa và xử lý rủi ro,
đặc biệt, gắn với bối cảnh bổ sung, sửa đổi Luật
Trọng tài Thương mại 2010.
Nội dung: Thanh Tâm, Thanh
Thảo Lê
Hình ảnh: Khánh Linh, Lê
Tiến
Ban Truyền thông Ulaw