Đề án KH & CN cấp Quốc gia do Trường Đại học Luật TP.HCM chủ trì được nghiệm thu đạt loại xuất sắc

Ngày 28/01/2021, 7 thành viên chính của Nhóm Nghiên cứu Đề án KH & CN cấp quốc gia “Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, gồm PGS.TS Bùi Xuân Hải (Chủ nhiệm), PGS.TS. Nguyễn Văn Vân, PGS. TS. Đỗ Minh Khôi, PGS. TS. Trần Việt Dũng, TS. Thái Thị Tuyết Dung, TS. Lê Thị Thúy Hương, TS. Ngô Hữu Phước, đã tham dự buổi bảo vệ Đề án trước Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Đề án KH & CN cấp quốc gia của Bộ Giáo dục & Đào tạo gồm 9 thành viên, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc làm Chủ tịch.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu Đề án KH & CN cấp quốc gia “Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục” do Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh làm chủ trì

Để làm cơ sở cho việc đánh giá, nghiệm thu của Hội đồng, với tư cách là chủ nhiệm Đề án, đồng thời là đại diện cho đơn vị chủ trì thực hiện Đề án là Trường Đại học Luật TP. HCM, PGS.TS Bùi Xuân Hải đã trình bày tóm tắt mục tiêu và các nhiệm vụ của Đề án “Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục” mà Trường Đại học Luật TP.HCM được giao chủ trì thực hiện từ ngày 30/12/2017. Đây không chỉ đơn thuần là việc thực hiện một công trình  mang tính lý luận và khoa học nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2005, mà Nhóm Nghiên cứu Đề án còn trực tiếp hỗ trợ Ban Soạn thảo thực hiện nhiệm vụ chính trị là biên soạn Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019. Cụ thể, ttháng 6/2017 đến đầu năm 2019, Nhóm Nghiên cứu Đề án đã thực hiện  nhiều yêu cầu của Ban Soạn thảo, như nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học cho việc sửa đổi Luật Giáo dục; nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật giáo dục nước ngoài; góp ý các báo cáo, tờ trình, văn bản của Ban Soạn thảo; tham gia góp ý trực tiếp và tổ chức các Hội thảo, Toạ đàm để góp ý cho các bản Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, v.v...

PGS. TS. Bùi Xuân Hải, chủ nhiệm Đề án, đang báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu Đề án

Nhóm Nghiên cứu đã hoàn thành tất cả các nội dung nghiên cứu theo đăng ký trong bản thuyết minh Đề án đã được Bộ phê duyệt. Cụ thể, Nhóm Nghiên cứu đã tổ chức được 04 hội thảo khoa học cấp quốc gia, 30 Tọa đàm khoa học, hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, 08 Báo cáo khoa học loại I, 02 Báo cáo kết quả khảo sát trong nước và nước ngoài, 01 Sách chuyên khảo khoảng 500 trang, 23 Chuyên đề nghiên cứu độc lập, công bố các kết quả nghiên cứu trên 11 bài tạp chí trong nước (vượt chỉ tiêu 08 bài so với đăng ký ban đầu); thu thập được 3.507 phiếu khảo sát trên 04 nhóm đối tượng về việc thực hiện Luật Giáo dục ở 9 tỉnh, thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; đào tạo thành công 2 Thạc sĩ chuyên ngành Luật học tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ thể, Nhóm Nghiên cứu còn 01 Bản kiến nghị về những nội dung của Luật Giáo dục năm 2019 cần tiếp tục được hoàn thiện trong tương lai.

Hội đồng đã đánh giá rất cao kết quả của Đề án và ghi nhận những đóng góp của Nhóm Nghiên cứu thông qua những kiến nghị quan trọng về triết lý giáo dục; về phát triển hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó nhấn mạnh tới yếu tố phân luồng và liên thông giáo dục; về sách giáo khoa; về phương pháp đánh giá trình độ học sinh phổ thông; về chính sách đối với nhà giáo; về các loại hình nhà trường và vấn đề quản trị nhà trường và các cơ sở giáo dục trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, v.v…Đặc biệt, Hội đồng cho rằng Nhóm Nghiên cứu đã rất thành công khi hoàn thành các công việc vượt lên cao hơn mục tiêu nghiên cứu ban đầu của Đề án, đó là đề xuất được những kiến nghị có tầm nhìn xa hơn để đáp ứng tình hình mới khi Luật Giáo dục năm 2019 đã được ban hành.

Các thành viên chính của nhóm nghiên cứu Đề án

Hội đồng nghiệm thu nhận xét Nhóm Nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của Đề án. Báo cáo tổng kết Đề án và các sản phẩm khoa học khác có chất lượng và có giá trị tham khảo tốt. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá Đề án đạt loại xuất sắc.

Phát biểu kết thúc phiên họp nghiệm thu Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã nhận định: Đề án KH & CN cấp quốc gia Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục” là một công trình tiêu biểu, các kết quả nghiên cứu của Đề án có thể phục vụ trực tiếp cho việc làm chính sách và góp phần tiếp tục hoàn thiện Luật Giáo dục trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu chụp chung với Hội đồng nghiệm thu Đề án khi kết thúc buổi nghiệm thu.

Đề án KH&CN cấp quốc gia này có sự tham gia nghiên cứu 10 thành viên chính và 40 thành viên khác ở trong và ngoài trường, trong đó Trường ĐH Luật TP.HCM có 8 thành viên chính là: PGS.TS Bùi Xuân Hải (Chủ nhiệm), PGS.TS. Trần Hoàng Hải, PGS.TS Nguyễn Văn Vân, PGS.TS. Trần Việt Dũng, PGS.TS Đỗ Minh Khôi, TS. Lê Thị Thúy Hương, TS. Ngô Hữu Phước và TS. Thái Thị Tuyết Dung (Thư ký). 
Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Luật TP.HCM được giao chủ trì một Đề án KH&CN cấp quốc gia và thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là hỗ trợ Ban soạn thảo Luật  Giáo dục (sửa đổi), theo phương thức vừa nghiên cứu vừa chuyển giao. Đề án đạt được thành quả xếp loại xuất sắc là nhờ sự cố gắng nỗ lực của tập thể nhóm nghiên cứu và sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Hiệu trưởng nhà trường.

Bài và ảnh: Nhóm Nghiên cứu Đề án.

--%>
Top