Bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Trường chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự của NCS. Nguyễn Phương Thảo

Vào ngày 16/09/2022, tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Trường chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự với chủ đề “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam” của NCS. Nguyễn Phương Thảo.

Thành viên của Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ bao gồm: GS.TS. Đỗ Văn Đại, Trường Đại học Luật TP.HCM - Chủ tịch hội đồng; PGS.TS. Lê Minh Hùng, Trường Đại học Luật TP.HCM - Thư ký; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, Trường Đại học Luật TP.HCM - Phản biện 1; PGS.TS. Vũ Thị Hải Yến, Trường Đại học Luật Hà Nội - Phản biện 2; PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội - Phản biện 3; TS. Phùng Văn Hải, Tòa án nhân dân TP.HCM - Ủy viên và TS. Phan Ngọc Tâm, Công ty Luật Tín & Tâm - Ủy viên.

Toàn cảnh buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Trường diễn ra tại phòng A.905

Mở đầu buổi họp, PGS.TS. Lê Minh Hùng – Thư ký Hội đồng đọc quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Trường và công bố lý lịch khoa học của NCS Nguyễn Phương Thảo. Hội đồng đã tiến hành xem xét và thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Nguyễn Phương Thảo trong quá trình thực hiện đề tài. PGS.TS. Lê Minh Hùng chia sẻ: "NCS. Nguyễn Phương Thảo luôn giữ thái độ tích cực và nghiêm túc trong suốt quá trình nghiên cứu. Hội đồng đánh giá cao những giá trị về mặt lý luận và thực tiễn mà NCS đã đúc kết được trong đề tài của mình".

PGS.TS. Lê Minh Hùng – Thư ký Hội đồng thông qua lý lịch của NCS. Nguyễn Phương Thảo

Tại buổi bảo vệ luận án, NCS. Nguyễn Phương Thảo đã trình bày tóm tắt những vấn đề xoay quanh đề tài luận án “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam”. NCS. Nguyễn Phương Thảo cho rằng: "Hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, tuy nhiên, các quy định và biện pháp xử lý vẫn còn nhiều bất cập cũng như thiếu sự triệt để". Thông qua đó, NCS đã đưa ra các khuyến nghị về việc bổ sung nguyên tắc bồi thường thiệt hại trừng phạt, trong đó nổi bật là kiến nghị tăng mức bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả với lỗi cố ý. Hơn thế nữa, theo NCS, pháp luật cần quy định cụ thể hơn về các yếu tố xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm: (i) Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi tác phẩm đang được bảo hộ quyền tác giả; (ii) Tồn tại yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; (iii) Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền tác giả; (iv) Hành vi xem xét xảy ra tại Việt Nam.

NCS. Nguyễn Phương Thảo trình bày luận án với đề tài “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam”

Tại phiên phản biện đầu tiên, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đánh giá cao sự tâm huyết của NCS dành cho đề tài. Theo PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, bài luận án có cấu trúc mới mẻ nhưng vẫn đảm bảo được tính chặt chẽ. Bên cạnh đó, những vấn đề từ lý luận đến thực tiễn được NCS phân tích kỹ lưỡng thông qua việc tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, đặc biệt là các bản án của pháp luật Việt Nam từ đó mang đến giá trị thực tiễn cao hơn cho đề tài.

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đánh giá cao giá trị thực tiễn của luận án

Tiếp theo phiên phản biện thứ hai, PGS.TS. Vũ Thị Hải Yến đưa ra những nhận xét về phương diện pháp lý khi thực hiện việc đánh giá những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành một cách hệ thống, có sự đối chiếu so sánh với pháp luật và kinh nghiệm của quốc tế. Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Thị Hải Yến dành nhiều lời khen khi NCS vận dụng lý thuyết nền tảng để soi chiếu khi bình luận và đưa ra quan điểm của mình đối với các vấn đề cần nghiên cứu.

PGS.TS. Vũ Thị Hải Yến tích cực nhận xét, đóng góp ý kiến đối với nội dung của luận án Tiến sĩ

Ở phiên phản biện thứ ba, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh đề cao tính cấp thiết với xã hội của đề tài. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh luận án đã đáp ứng tốt yêu cầu về hình thức, có nhiều kiến nghị mang tính hệ thống, từ đó phản ánh khả năng nghiên cứu của NCS. Hơn thế nữa, những đề xuất về mặt thực tiễn của NCS có giá trị cho các cơ quan chuyên ngành nguyên cứu và tham khảo trong quá trình làm việc.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh đánh giá bài luận văn có giá trị cho các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu và tham khảo trong quá trình làm việc

Luận án Tiến sĩ luật học của NCS. Nguyễn Phương Thảo nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp bổ sung từ các thành viên Hội đồng. Ngoài ra, Hội đồng cũng đặt ra một số câu hỏi nhằm kiểm tra, đánh giá kiến thức chuyên môn và kiến thức thực tiễn của NCS. Trước các góp ý, câu hỏi của những chuyên gia, NCS. Nguyễn Phương Thảo đã lắng nghe nghiêm túc, tích cực trao đổi, phản biện và tiếp nhận những bổ sung để hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình.

TS. Phùng Văn Hải đưa ra nhiều góp ý mang tính xây dựng đối với luận án của NCS. Nguyễn Phương Thảo

Hội đồng đánh giá đã làm việc công tâm và đưa ra những nhận xét, đánh giá phù hợp với các tiêu chí, yêu cầu đối với luận án Tiến sĩ cấp Trường. Kết thúc buổi làm việc, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Chủ tịch Hội đồng hy vọng rằng những giải pháp từ công trình nghiên cứu trên sẽ góp phần củng cố và hoàn thiện các vấn đề pháp lý còn vướng mắc trong lĩnh vực Luật Dân sự và Tố tụng dân sự.

GS.TS. Đỗ Văn Đại - Chủ tịch Hội đồng hy vọng rằng những giải pháp từ công trình nghiên cứu trên sẽ góp phần củng cố và hoàn thiện các vấn đề pháp lý còn vướng mắc trong lĩnh vực Luật Dân sự và Tố tụng dân sự

Nội dung: Thanh Thảo
Hình ảnh: Hồng Ngọc
Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top