PGS.TS Trần Hoàng Hải: Những thành quả Nhà trường đạt được trong thời gian vừa qua xuất phát từ sự nỗ lực của tất cả thầy/cô, cán bộ, giảng viên Nhà trường, trong đó vai trò định hướng, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện phụ thuộc về người thuyền trưởng – GS.TS. Mai Hồng Quỳ.
Sáng 14/03/2018, Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức công bố các quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhân sự của Trường, theo đó GS.TS Mai Hồng Quỳ thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng do hết hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tại buổi lễ, PGS.TS. Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đã có bài phát biểu cám ơn và ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng của GS.TS. Mai Hồng Quỳ đối với sự phát triển của Nhà trường trong suốt thời gian dài vừa qua, Ban Truyền thông ULAW xin giới thiệu trích lược bài phát biểu:
“…Trong giai đoạn 2006 – 2018, dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu mà đứng đầu là GS.TS. Mai Hồng Quỳ Trường chúng ta từ một trường đại học có quy mô đào tạo nhỏ, đơn ngành Luật; có đội ngũ giảng viên ít về số lượng, chưa thật sự mạnh về năng lực; cơ sở vật chất còn rất khiêm tốn; đã trở thành một trường đại học đào tạo đa ngành, có đội ngũ giảng viên hùng hậu và giỏi chuyên môn, có cơ sở vật chất khang trang, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên rõ rệt; có uy tín cao không những trong nước mà còn đối với các nước trong khu vực.
Có thể nêu một ít số liệu và thông tin để thấy được dấu ấn rất quan trọng trong thời gian 12 năm qua, do tập thể lãnh đạo Nhà trường (Đảng ủy, Ban giám hiệu) đã ghi được, trong đó vai trò người thuyền trưởng là hết sức quan trọng:
Về đội ngũ
Sau hơn 10 năm, đội ngũ giảng viên của Nhà trường được phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng. Cụ thể:
- Về số lượng: Vào năm 2006, Nhà trường có 257 CB, GV, NV, trong đó có 161 giảng viên và 74 cán bộ quản lý. Đến nay, Nhà trường có 389 CB, GV, NV, trong đó số GV là 278.
- Về cơ cấu đội ngũ giảng viên: Vào năm 2006, Nhà trường có 01 PGS, 25 GV chính và 135 GV. Đến nay, Nhà trường có 01 Giáo sư, 16 Phó giáo sư, 17 giảng viên cao cấp, 12 giảng viên chính, và 249 giảng viên. Số lượng giảng viên tăng lên đáng kể.
- Về trình độ đội ngũ giảng viên:
Năm
|
Số lượng
|
Giảng viên
|
Giáo sư/PGS
|
Tiến sĩ
|
Thạc sĩ
|
2006
|
257
|
161
|
0/1
|
19
|
98
|
2018
|
389
|
278
|
1/16
|
61
|
193
|
- Về bộ máy tổ chức: Từ năm 1996 đến năm 2000, Trường mới chỉ có 06 khoa: Khoa học cơ bản, Luật Hành chính – Nhà nước, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Thương mại và Luật Quốc tế; 08 phòng chức năng: Đào tạo, Đào tạo tại chức, Tổ chức – Hành chính, Kế hoạch – Tài chính, Quản trị - Thiết bị, Công tác chính trị - sinh viên, Quản lý Nghiên cứu khoa học & Hợp tác quốc tế, Thanh tra; 01 tờ thông tin – Thông tin Khoa học pháp lý; 01 Thư viện; 01 Trạm Y tế và một số tổ chức đoàn thể như: Đảng ủy, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội Cựu chiến binh.
Đến nay, Nhà trường hiện có 08 Khoa trực thuộc Trường (bao gồm: khoa luật Thương mại, khoa luật Dân sự, khoa luật Hình sự, khoa luật Hành chính – Nhà nước, khoa luật Quốc tế, khoa Khoa học cơ bản, Khoa Quản trị và Khoa Ngoại ngữ pháp lý). Tổng số các đơn vị thuộc là: 30 (gồm 8 khoa và 22 phòng ban, trung tâm).
Về chất lượng đào tạo
Mục tiêu của Nhà trường là nâng cao chất lượng đào tạo, để người học khi ra trường có thể thực hiện tốt những yêu cầu xã hội ngày càng tăng nên phương thức tuyển sinh được đặc biệt chú trọng, được cải tiến nhằm tuyển được các học sinh, sinh viên, có năng lực tốt; trong quá trình đào tạo Nhà trường đã đặc biệt quan tâm đến năng lực Anh văn, kỹ năng mềm cho sinh viên. Chính vì vậy mà chất lượng của cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo tại Trường chúng ta được nâng cao rõ rệt, nhận được sự đánh giá cao của xã hội.
Về đào tạo:
+ Đào tạo chính quy
- Về quy mô đào tạo: Trước 2006: 900-1000 SV/năm, tổng cộng 4.085 SV, trong đó có 72 SV chất lượng cao; hiện nay: chỉ tiêu hàng năm 1.900, dự kiến 2018: 2.350, quy mô đào tạo: 8.040 sinh viên/ khóa đào tạo/ 4 năm (tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2006), trong đó quy mô đào tạo chất lượng cao là 1.154 sinh viên (tăng hơn 16 lần so với giai đoạn trước năm 2006).
- Về ngành đào tạo: Trước 2006: chỉ đào tạo theo 1 lĩnh vực (Pháp luật) với 5 chuyên ngành: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính và Luật Quốc tế, nay: đã phát triển thành Trường đa ngành gồm 05 ngành (Luật, Luật TMQT, Quản trị-Luật, QTKD, Ngôn ngữ Anh) với 3 lĩnh vực: Pháp luật, QTKD, Nhân văn.
- Yêu cầu về chất lượng sinh viên: Phương thức tuyển sinh riêng, chuẩn đầu ra theo chuẩn quốc tế (TOIEC hoặc tương đương).
+ Đào tạo VLVH:
Một số điểm cải cách trong đào tạo hệ VLVH:
- Chương trình đào tạo: Giảm số tiết học lý thuyết, bỏ 1 số môn học không cần thiết,...
- Cải cách thủ tục hành chính trong cấp các loại giấy tờ, xác nhận, đăng ký học, học lại, thi lại cho học viên.
- Áp dụng triệt để ISO vào công tác quản lý và đào tạo.
- Cải tiến và rút ngắn thời gian cấp văn bằng cho học viên.
+ Đào tạo Sau đại học
- Về đào tạo Tiến sĩ: Trước năm 2006 Trường chỉ đào tạo 1 chuyên ngành: Luật Kinh tế; từ 2006 đến nay đã mở các chuyên ngành khác, hiện nay có 4 chuyên ngành (Kinh tế, Hành chính, Hình sự, Dân sự và TTDS).
- Về đào tạo ThS: Trước 2006, đào tạo 3 chuyên ngành (Kinh tế, Hình sự -Tố tụng hình sự, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính), đến này chúng ta đã đào tạo được tất cả các chuyên ngành có đào tạo bậc cử nhân (thêm Luật DS-TTDS, Luật Quốc tế).
- Về chương trình đào tạo: Thường xuyên được cập nhật, đáp ứng yêu cầu xã hội.
- Về đối tượng người học và địa phương do Trường đào tạo: Đến nay chúng ta đã đào tạo nhiều tiến sĩ mà người học chủ yếu là giảng viên của các cơ sở đào tạo, các thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên. Còn đào tạo thạc sĩ không chỉ cho TP. HCM mà còn các tỉnh: Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Lạt, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Bình Thuận.
- Về số lượng người học: Đối với Thạc sĩ: Trước 2006: 663 HV trúng tuyển; 145 HV đã tốt nghiệp; đến nay con số đó là: 2013 ThS/3428 học viên theo học; Đối với Tiến sĩ: Trước 2006: có 10 NCS đang theo học, đến nay: 119 NCS trúng tuyển, trong đó 40 NCS đã nhận bằng Tiến sĩ.
Về tài liệu, giáo trình học tập: Từ một cơ sở đào tạo chưa có các giáo trình, tài liệu học, đến nay Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo cử nhân luật duy nhất ở phía Nam có bộ giáo trình, tập bài giảng và tài liệu học tập của trường. Nhà trường hiện đang ngày càng hoàn thiện bộ giáo trình, tài liệu học tập cho cả chương trình cử nhân và cao học luật.
Về các hoạt động chuyên môn khác:
Nhà trường đã rất quyết tâm tổ chức đào tạo ngành Anh văn pháp lý, Ngành Quản trị - Luật, thành lập Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trung tâm nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân, Trung tâm sở hữu trí tuệ, Trung tâm Tư vấn và thực hành pháp luật, Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của xã hội trong bối cảnh hội nhập.
Về Trung tâm đào tạo ngắn hạn: được thành lập 2007, đến nay Trung tâm đã đào tạo được hơn 10.000 học viên của trên 50 cơ quan, doanh nghiệp ở TP. HCM và các tỉnh lân cận, mang lại uy tín cao và là một kênh quảng bá cho thương hiệu Nhà trường.
Trung tâm sở hữu trí tuệ: Mặc dù được thành lập cách đây chưa lâu nhưng hoạt động của Trung tâm thực sự có hiệu quả, có uy tín trong cả nước.
Trung tâm Tư vấn pháp luật: Một mô hình mới ở Việt Nam, nhưng được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển, là nơi để sinh viên thực tập, rèn luyện kỹ năng thực hành và tư vấn pháp luật cũng hoạt động rất tốt.
Trung tâm nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân: cũng là trung tâm có nhiều uy tín trong cả nước, có mối liên hệ chuyên môn chặt chẽ với nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trung tâm Học liệu: đã cung cấp hàng ngàn ấn bản là Giáo trình tài liệu học tập của Trường cho người học, các cơ sở đào tạo và xã hội.
Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên: đã bước đầu thực hiện các hoạt động kết nối doanh nghiệp, cựu sinh viên để hỗ trợ cho sinh viên, người học về việc làm và đời sống.
Về cơ sở vật chất
Tại thời điểm 2006, Trường được giao quản lý và sử dụng 2 cơ sở với tổng diện tích đất khoảng 7.230 m2, số lượng phòng học là 37 phòng học với tổng diện tích là: 7.171 m2. Hai cơ sở này không đáp ứng yêu cầu, hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay tại cả 02 cơ sở có tổng cộng 74 phòng học/ giảng đường với sức chứa khoảng 8.000 sinh viên/ 1 ca học với tổng diện tích là: 8.461 m2. Tất cả các phòng học/ giảng đường đều được trang bị hiện đại.
Hiện nay, nhà trường đang triển khai thực hiện Dự án xây dựng Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tại Q. 9, TP.HCM. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng: 42.043 m2. Thời gian thực hiện: 2015-2020, sau khi hoàn thành sẽ có thêm 78 phòng học với tổng diện tích là 11.396 m2.
Thành quả đó xuất phát từ sự nỗ lực của tất cả thầy/cô, cán bộ, giảng viên Nhà trường, trong đó vai trò định hướng, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện phụ thuộc về người thuyền trưởng – GS.TS. Mai Hồng Quỳ.
Và mong rằng, trong thời gian tới Cô sẽ luôn có nhiều sức khỏe, cũng như tiếp tục tham gia cống hiến cho Nhà trường như một nhà khoa học có uy tín, nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho Ban Giám hiệu để chúng tôi quản lý, điều hành Nhà trường đạt hiệu quả cao hơn…”.
Với những kết quả của Nhà trường đạt được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là việc Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là một trong hai cơ sở đào tạo Luật đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chất lượng kiểm định giáo dục đào tạo giai đoạn 2017 – 2022 cũng như được Thủ tướng Chính phủ phê Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (Quyết định 521/QĐ-TTg) sẽ là tiền đề quan trọng để Nhà trường thực hiện tự chủ trong nhiều lĩnh vực của công tác đào tạo và quản trị Nhà trường trong giai đoạn tới.
Ban Truyền thông ULAW lược ghi
Ảnh: Tư liệu hcmulaw và sưu tầm từ internet