Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức hội nghị cải tiến chất lượng sau kiểm định

Nhằm tạo diễn đàn để đội ngũ cán bộ, giảng viên và chuyên viên trao đổi và chia sẻ các ý kiến về việc xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng Nhà trường sau kiểm định, sáng ngày 8/5/2024, Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức hội nghị cải tiến chất lượng sau kiểm định tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội nghị cải tiến chất lượng sau kiểm định của Trường Đại học Luật TP. HCM được tổ chức tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành

Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Lê Trường Sơn - Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam và đông đảo các giảng viên, chuyên viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Lê Trường Sơn - Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo đảm chất lượng đối với sự uy tín và thương hiệu Trường Đại học Luật TP. HCM. Trải qua 3 lần kiểm định trước, Nhà trường đã thể hiện được những ưu điểm, thế mạnh nổi trội trong công tác giáo dục, đào tạo và quản lý nhưng cũng đồng thời ghi nhận một số mặt hạn chế, khó khăn và vướng mắc xuyên suốt quá trình hoạt động. Vì vậy, thông qua hội nghị, lãnh đạo Nhà trường hy vọng toàn thể cán bộ, giảng viên, chuyên viên đang công tác sẽ có cái nhìn toàn diện và cụ thể hơn về vai trò của công tác đảm bảo chất lượng, từ đó, chung tay nỗ lực và phấn đấu đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn của các đợt kiểm định tiếp theo.

TS. Lê Trường Sơn - Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội nghị

Buổi hội nghị được chia làm hai phiên thảo luận với 8 bài tham luận xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và các hoạt động của Nhà trường.

Mở đầu phiên 1, TS. Nguyễn Minh Đạt - giảng viên Khoa Quản trị, Trưởng bộ môn Marketing trình bày tham luận “Áp dụng PDCA để rà soát một số vấn đề có tính chiến lược tại Trường Đại học Luật TP.HCM". TS. Nguyễn Minh Đạt cho biết chất lượng của một CSGD đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, vì vậy, cần phải xây dựng các chiến lược phát triển trường đáp ứng nhu cầu thực tế và mong mỏi của xã hội. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, hiệu suất và hiệu quả hoạt động chiến lược của một tổ chức đến từ các yếu tố: nhiệm vụ, tầm nhìn và giá trị cốt lõi. Vì thế, nhóm tác giả đề xuất ứng dụng PDCA - mô hình tạo điều kiện để các nhà quản trị nắm bắt tình hình chung của tổ chức, kiểm soát và điều chỉnh cải tiến tốt các hoạt động trong hoạch định, xây dựng một số vấn đề có tính chiến lược tại trường.

TS. Nguyễn Minh Đạt - GV Khoa Quản trị, Trưởng bộ môn Marketing trình bày tham luận “Áp dụng PDCA để rà soát một số vấn đề có tính chiến lược tại Trường Đại học Luật TP.HCM"

Bài tham luận thứ 2 về đề tài “Đề xuất hướng cải tiến cho các tiêu chuẩn về quản lý nguồn nhân lực (tiêu chuẩn 6 – cơ sở giáo dục và tiêu chuẩn 6,7 – chương trình đào tạo) do TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế trình bày. Theo như chia sẻ của diễn giả, Trường Đại học Luật TP.HCM hiện nay đã và đang thực hiện tốt các tiêu chuẩn quản lý nguồn nhân lực theo quy định của Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, dựa trên sự tìm hiểu và phân tích của nhóm tác giả thì thực trạng quản lý nguồn nhân lực của Nhà trường vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Đúc kết từ quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp cải tiến với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường trong vấn đề cải thiện quản lý nguồn nhân lực và nhận được sự quan tâm, thảo luận tích cực của các đại biểu tham dự.

TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng khoa Khoa Luật Quốc tế trình bày “Đề xuất hướng cải tiến cho các tiêu chuẩn về quản lý nguồn nhân lực (tiêu chuẩn 6 – cơ sở giáo dục và tiêu chuẩn 6,7 – chương trình đào tạo)

Các tham luận tiếp theo của phiên thảo luận thứ nhất tập trung vào những đề tài sau:

- “Đảm bảo chất lượng về hệ thống  - Yếu tố quyết định để vận hành một cơ sở giáo dục đại học hiệu quả” do ThS. Vũ Duy Cương – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Phương pháp giảng dạy trình bày;

- “Xây dựng chu trình PDCA cải tiến chất lượng trong công tác tuyển sinh, nhập học và đánh giá kết quả đào tạo tại Trường Đại học Luật TP.HCM sau kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục - chu kỳ 2” do ThS. Phạm Tiến Dũng – Chuyên viên Phòng Đào tạo trình bày.

ThS. Vũ Duy Cương – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Phương pháp giảng dạy trình bày tham luận “Đảm bảo chất lượng về hệ thống  - Yếu tố quyết định để vận hành một cơ sở giáo dục đại học hiệu quả”

ThS. Phạm Tiến Dũng – Chuyên viên Phòng Đào tạo trình bày tham luận  “Xây dựng chu trình PDCA cải tiến chất lượng trong công tác tuyển sinh, nhập học và đánh giá kết quả đào tạo tại Trường Đại học Luật TP.HCM sau kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục - chu kỳ 2”

Tại phiên thảo luận thứ hai, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ đã đem đến bài tham luận về chủ đề “Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Luật TP.HCM: Thực trạng, khuyến nghị và giải pháp cải tiến”. Theo chia sẻ của tác giả, Nhà trường đã tuân thủ các quy định của pháp luật về việc thực hiện quản lý tài sản trí tuệ và thông qua nỗ lực đó, đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, dựa trên tiêu chuẩn đánh giá của Đoàn đánh giá vừa qua, tác giả nhận thấy tập thể Nhà trường cần phải tiếp tục phấn đấu khắc phục một số hạn chế tồn đọng, vì thế, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đã đưa ra những khuyến nghị nhằm xây dựng hoạt động quản lý tài sản trí tuệ phù hợp với pháp luật và hoạt động quản lý của trường.

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ trình bày tham luận “Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Luật TP.HCM: Thực trạng, khuyến nghị và giải pháp cải tiến”

Đến với bài tham luận về “Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Luật TP.HCM: Thực trạng, khuyến nghị và giải pháp cải tiến”, TS. Đinh Thị Chiến – Giảng viên Khoa Luật Dân sự nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động Kết nối và Phục vụ cộng đồng hiện nay. Song song đó, TS. Đinh Thị Chiến cũng trình bày khái quát về thực trạng hoạt động Kết nối và Phục vụ cộng đồng đã, đang được triển khai thực hiện tại trường và tiến hành tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những điểm hạn chế cần khắc phục của tập thể Nhà trường.

TS. Đinh Thị Chiến – Giảng viên Khoa Luật Dân sự trình bày tham luận “Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Luật TP.HCM: Thực trạng, khuyến nghị và giải pháp cải tiến”

Sau phần trình bày của các diễn giả, đội ngũ cán bộ, giảng viên và chuyên viên đã tiến thành thảo luận và đặt các câu hỏi nhằm làm rõ các vấn đề xoay quanh công tác cải tiến chất lượng Nhà trường. Trong không khí thảo luận sôi nổi, tập thể lãnh đạo Nhà trường đã nhận được nhiều đóng góp giá trị từ phía đội ngũ giảng viên và chuyên viên, qua đó, sẵn sàng cho việc xây dựng, ban hành các kế hoạch, chiến lược nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động của Nhà trường, tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn của đợt kiểm định kế tiếp.

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu tại Hội nghị

Đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên Nhà trường tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Phát biểu bế mạc hội nghị, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam biểu dương và ghi nhận những đóng góp đáng quý đến từ các đơn vị trong trường. GS.TS. Đỗ Văn Đại hy vọng cán bộ, giảng viên, chuyên viên Trường Đại học Luật TP. HCM tiếp tục tăng cường nhận thức, trách nhiệm của bản thân đối với công cuộc nâng cao chất lượng của Nhà trường và đoàn kết cùng xây dựng, cải thiện, phát triển vững mạnh chất lượng Nhà trường.

GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam phát biểu bế mạc hội nghị

Nội dung: Linh Linh

Hình ảnh: Bảo Ngọc

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top