Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự

Nhằm đánh giá kết quả của các học viên trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện luận văn, vào ngày 09/12/2021 vừa qua, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tiến hành tổ chức buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự dưới hình thức trực tiếp tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành.


Buổi bảo vệ luận văn được diễn ra trực tiếp tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành - ĐH Luật TP.HCM

Thành viên của Hội đồng đánh giá gồm PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; PGS.TS. Lê Minh Hùng - Trưởng bộ môn Luật dân sự, Khoa Luật Dân sự; PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến – Trưởng khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn, cùng các giảng viên thuộc khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM và các cơ sở đào tạo Luật khác tại TP.HCM.

Mở đầu buổi bảo vệ, Hội đồng đã tiến hành xem xét lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập, kết quả nghiên cứu khoa học của những học viên trong suốt quá trình thực hiện đề tài và công nhận các học viên đủ điều kiện để tham gia bảo vệ. Theo đó, Hội đồng đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như sự nỗ lực của các học viên trong thời gian qua.


PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc buổi bảo vệ luận văn

Xoay quanh chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự, đề tài “Chi phí thuê luật sự trong bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam” của học viên Phạm Hồng Du đã chỉ ra sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật về khả năng bồi thường chi phí luật sư và phân tích về cách xác định mức bồi thường này trong pháp luật Việt Nam, qua đó đưa ra những kiến nghị mang giá trị tham khảo.


Học viên Phạm Hồng Du cùng với đề tàiChi phí thuê luật sư trong bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam

Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần, học viên Phạm Thị Mỹ Hạnh đã đào sâu ở khía cạnh so sánh và liên hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước trên thế giới thông qua đề tài “Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam”.


Học viên Phạm Thị Mỹ Hạnh trình bày quan điểm về một đề tài còn khá mới mẻ trong pháp luật Việt Nam - Bồi thường thiệt hại về tinh thần

Bên cạnh đó, những đề tài luận văn thạc sĩ của các học viên đều là các vấn đề nhận được sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với lĩnh vực Luật Dân sự và Tố tụng dân sự của pháp luật Việt Nam hiện nay. Có thể kể đến đề tài “Hiệu lực của phán quyết trọng tài theo pháp luật Việt Nam” của học viên Lê Ngọc Mỹ Duyên; đề tài “Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ” của Nguyễn Đình Nghĩa; đề tài “Giao dịch về bất động sản đang được thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của Phạm Quang; đề tài “Quyền ưu tiên thanh toán của người giải chấp theo pháp luật dân sự Việt Nam” của Lý Thơ Hiền; đề tài “Quyền sử dụng hợp lý tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn: Quy định pháp luật, thực tiễn áp dụng tại một số trường đại học trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” của Phạm Ngọc Minh Tú.

Sau phần trình bày luận văn của các học viên, Hội đồng đánh giá tiến hành phản biện, nhận xét và đặt câu hỏi để làm rõ hơn các vấn đề được đặt ra trong luận văn của mỗi học viên. Với sự góp ý mang tính chuyên môn từ các chuyên gia, các luận văn của mỗi học viên được cải thiện hơn, từ đó, bản thân các học viên cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kiến thức cho quá trình nghiên cứu về sau.


Thành viên trong Hội đồng đánh giá luận văn của từng học viên

Thành viên trong Hội đồng đánh giá luận văn của từng học viên

Kết thúc buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Dân sư và Tố tụng dân sự, Hội đồng đã đưa ra những kết luận và nhận xét về nội dung luận văn, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng của các học viên, nhất là trong thời buổi dịch bệnh đang diễn biến. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng bày tỏ mong muốn các học viên sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển luận văn hơn nữa trong tương lai.

Buổi bảo vệ luận văn tuy đã khép lại nhưng lại gợi mở ra nhiều đề tài, nội dung mới mẻ, thú vị về cả mặt thực tiễn lẫn pháp lý. Những kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp tích cực từ các công trình nghiên cứu mới mẻ và thú vị này sẽ góp phần hoàn thiện lĩnh vực Luật Dân sự, Tố tụng dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

 

Nội dung: Phương Thảo

Hình ảnh: Phương Trinh

Ban Truyền thông Ulaw