Trường Đại học Luật TP.HCM đăng cai địa điểm tổ chức “Tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học”

Chiều ngày 08/11/2024, tại hội trường A.1002, Trường Đại học Luật TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học” thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.

Tham dự tọa đàm về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS. Mai Thị Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, ThS. Nghiêm Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Lê Trường Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng.

Ngoài ra, còn có sự tham dự đông đảo của các đại biểu đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo và cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam.

Toàn cảnh buổi toạ đàm tại Trường Đại học Luật TP. HCM

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh rằng Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học được ban hành là một dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới giáo dục Việt Nam, thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học. Tuy nhiên, qua bốn năm thực hiện, bối cảnh xã hội và kinh tế đã có nhiều thay đổi. Sự chuyển biến nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, cũng như yêu cầu mới từ thị trường lao động đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống giáo dục. Việc rà soát và đánh giá Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học là cần thiết. Mục đích Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi Tọa đàm nhằm thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; đồng thời đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế; trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản có liên quan (nếu có).

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc toạ đàm

Trong bài phát biểu chào mừng của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM, TS. Lê Trường Sơn đã bày tỏ niềm vinh dự khi Nhà trường được Bộ GĐ&ĐT tin tưởng lựa chọn làm nơi tổ chức tọa đàm và Nhà trường cũng rất vui mừng được đón tiếp các đại biểu đến từ nhiều đơn vị khác nhau. TS. Lê Trường Sơn nhấn mạnh rằng, với vai trò là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học hàng đầu của cả nước, Trường Đại học Luật TP. HCM không chỉ cam kết trong việc đào tạo những thế hệ sinh viên giỏi về kiến thức chuyên môn, mà còn tiên phong trong các hoạt động góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM phát biểu chào mừng

Tiếp nối buổi toạ đàm, ThS. Nghiêm Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024. Tiếp đó, PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ GD đại học tiếp tục trình bày Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục đại học, giai đoạn 2019-2023, trình bày những nội dung chính trong quá trình thực hiện còn những khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 03 vấn đề lớn: nguồn lực tài chính, các hệ thống văn bản pháp luật liên quan và công tác tổ chức quản trị đại học còn bất cập, cùng đưa ra những đề xuất. Nhận thấy đây là những thách thức, rào cản lớn, bản Báo cáo cũng tổng hợp phân tích những nguyên nhân bao gồm khách quan và chủ quan nhằm đưa ra những đề xuất và giải pháp phù hợp nhất.

ThS. Nghiêm Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024

PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ GD đại học trình bày Báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục đại học, giai đoạn 2019-2023

Trong phiên trao đổi, thảo luận về việc đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục trong giai đoạn 2020-2024 và Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 cùng đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế. Nhiều đại biểu cho rằng, dù Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học đã mang lại những thay đổi tích cực về quy chuẩn và cách thức quản lý, nhưng quá trình triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc. Các khó khăn nổi bật được nêu ra về sự không đồng bộ và chồng chéo trong các quy định pháp lý gây khó khăn cho các đơn vị giáo dục trong quá trình thực hiện. Điều này đặc biệt rõ rệt ở cấp đại học, khi các trường phải tuân thủ nhiều quy định liên quan đến tài chính, tự chủ, tuyển sinh và quản lý giảng dạy, đôi khi dẫn đến xung đột hoặc mâu thuẫn trong quy trình triển khai. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực và ngân sách để thực hiện cải cách giáo dục: Một số đại biểu cho rằng, nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nhất là ở các cấp phổ thông tại vùng khó khăn, còn hạn chế. Việc triển khai cải cách giáo dục đòi hỏi nguồn tài chính lớn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên, ngân sách phân bổ chưa đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến khó khăn trong nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo lại giáo viên, và phát triển các chương trình giảng dạy hiện đại. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thách thức lớn mà hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông đến đại học đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu đại diện của tỉnh Đồng Nai trình bày những thách thức, bất cập trong quá trình triển khai giáo dục

Buổi toạ đàm tiếp tục với phiên thảo luận về những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2012, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) và văn bản liên quan (nếu có). Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao tính hiệu quả và đồng bộ của Luật Giáo dục 2019. Một số kiến nghị chủ yếu xoay quanh các vấn đề: cải tiến chương trình giáo dục và phương thức đánh giá học sinh; nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên,… Các đại biểu đã chia sẻ nhiều quan điểm đa chiều, đề xuất các thay đổi cần thiết để hai bộ luật này có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn và đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trong bối cảnh xã hội hiện đại. Những kiến nghị được đưa ra tập trung vào các vấn đề trọng tâm như cơ chế tự chủ đại học, phương thức đánh giá, tiêu chuẩn và chế độ cho đội ngũ giáo viên, cũng như các quy định liên quan đến học phí và nguồn lực tài chính cho giáo dục.

Đại biểu đại diện từ Trường Đại học Sài Gòn thảo luận về những vấn đề cần được sửa đổi

Kết thúc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những đóng góp từ các đại biểu và nhấn mạnh rằng các ý kiến từ tọa đàm sẽ là nguồn tham khảo quan trọng để Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh đề xuất các quy định của các luật và văn bản liên quan. Bộ GD&ĐT cam kết sẽ nghiên cứu và tiếp thu các đề xuất, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp để xây dựng một nền giáo dục đáp ứng nhu cầu thực tiễn, công bằng và linh hoạt, góp phần vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trong khuôn khổ của tọa đàm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các đại biểu đã tham quan Phòng truyền thống trường Đại học Luật TP.HCM và trải nghiệm tại Ulaw Top View – Educafé.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo Trường ĐH Luật TP. HCM cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo Trường ĐH Luật TP. HCM chụp hình lưu niệm tại Phòng Truyền thống

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo Trường ĐH Luật TP. HCM chụp hình lưu niệm tại Ulaw Top View – Educafé

Nội dung: Hạnh Nhi

Hình ảnh: Mai Hương

Ban Truyền thông Ulaw