Những năm gần đây, các trường đại học đào tạo về pháp luật luôn chú trọng thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng, đặc biệt là xây dựng triển khai nhiều mô hình hiệu quả để tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho nhiều đối tượng.
Trong những năm qua công tác tuyên truyền pháp luật luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể trong cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua việc ngày 09/11 hàng năm được chọn là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế – xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam.
Nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả được nhân rộng
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh hiện đang giữ vị thế là trường đại học có uy tín về chất lượng đào tạo Luật tốt nhất khu vực phía Nam, bên cạnh việc chú trọng vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trau dồi kiến thức pháp luật… giảng viên, sinh viên của trường còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là xây dựng và tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật trong sinh viên và cộng đồng, xã hội.
Phiên tòa giả định - Mô hình tuyên truyền pháp luật tiêu biểu của sinh viên Ulaw
Ngay từ những năm 1994, trong các chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đến chiến dịch Mùa hè xanh hiện nay do Thành đoàn TP.HCM tổ chức đã có sự hiện diện của mô hình tuyên truyền và phổ biến pháp luật tiêu biểu là “Phiên tòa giả định” – Mô hình này được ra đời từ việc Đoàn trường Đại học Luật TP.HCM thành lập Câu lạc bộ “Phiên tòa tập sự” để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu trong sinh viên chuyên ngành Luật, từ cơ sở câu lạc bộ này, mô hình tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức tổ chức “Phiên tòa giả định” đã ra đời. Hình thức tổ chức tuyên truyền pháp luật thông Phiên toà giả định là việc tổ chức một phiên toà được xây dựng trên nội dung án thực tế hoặc giả định (dựa trên đặc thù về tội phạm của địa bàn tuyên truyền pháp luật) và được tiến hành theo trình tự tố tụng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Phiên tòa giả định rất thuận tiện trong việc tuyên truyền pháp luật, có thể thực hiện trong hội trường hoặc khu vực địa bàn dân cư (trường học, ban quản lý khu phố, chợ,… ). Mô hình Phiên tòa giả định này đã được Thành Đoàn Tp. HCM trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn. Đặc biệt, hiện nay hầu hết các trường đào tạo ngành luật đều áp dụng mô hình phiên tòa giả định để sinh viên tham gia thực hành học tập và được nhiều đơn vị đã sử dụng mô hình này để tuyên truyền và phổ biến. Điều này chứng tỏ mô hình tuyên truyền pháp luật bằng hình thức Phiên tòa giả định đã phát huy hiệu quả rất tốt trong công tác tuyên truyền pháp luật và sức sống của một mô hình từ năm 1994 đến nay vẫn còn hiệu quả và có tính nhân rộng cao.
Tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định tại địa bàn dân cư
Đồng thời, sự tham gia tuyên truyền pháp luật của các cơ quan, lực lượng cũng ngày càng đa dạng, kéo theo sự xuất hiện của nhiều mô hình tuyền truyền pháp luật hay và hiệu quả như: đối với sinh viên luật có mô hình “Phiên toà tập sự”, với các luật sư của Đoàn khối dân chính Đảng có “Ngày hội thủ tục hành chính và tư vấn pháp luật”,… Tuy nhiên, thực tiễn công tác tuyên truyền pháp luật đòi hỏi cần phải có nhiều hơn nữa các mô hình tuyên truyền pháp luật mới nhằm lôi cuốn sự tham gia theo dõi của người dân với lĩnh vực pháp luật được coi là “khô khan”, và cũng để góp phần bổ trợ thêm cho các mô hình đã có. Xuất phát từ nhu cầu đó, và thực tiễn hoạt động từ năm 2008 Trung tâm Ứng dụng và phổ biến pháp luật trường Đại học Luật TP.HCM (nay là Trung tâm Tư vấn pháp luật và Phục vụ cộng đồng) đã nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả mô hình tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức “Kịch diễn đàn về pháp luật”. Kịch diễn đàn về pháp luật được dàn dựng theo cách thức kịch diễn đàn (forum theare) của các hoạt động thanh niên trên thế giới. Kịch chỉ nêu lên sự kiện và đẩy lên cao trào, sau đó dừng lại và mời người tham dự lên thay vai và xử lý tình huống theo cách của họ. Qua thực tế đã chứng minh cách thức này sẽ hiệu quả hơn những cách thức thông thường như: báo cáo chuyên đề, đố vui, lựa chọn đáp án có sẵn…Vì thông qua cách thức tham gia kịch diễn đàn này, người tham dự sẽ hiểu – nhớ và có thể thực hành theo các quy định pháp luật trong các tình huống tương tự. Người dân tham dự cũng sẽ có những kiến thức sơ đẳng hoặc đã được giải đáp những vấn đề pháp luật chung trước khi được tư vấn pháp luật trực tiếp với các luật sư, sinh viên.
Kịch diễn đàn tuyên truyền pháp luật do sinh viên Ulaw thực hiện
Hiệu quả của mô hình này đã được các giảng viên và sinh viên của trường thực hiện và đạt được các kết quả cao thông qua các chương trình như: “Tuyên truyền pháp luật cho thanh niên công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất” trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2008 với các kịch diễn đàn về hôn nhân gia đình, đình công, xả rác đã thu hút hơn 10.000 thanh niên công nhân tham gia; chương trình “Tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em và kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em”; tuyên truyền pháp luật theo đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên tỉnh Bình Dương”; chuỗi chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024; thực hiện mô hình “Pháp luật với cộng đồng dân cư… qua đó phát huy vai trò của Trường Đh Luật TP.HCM trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp lý cho cộng đồng.
Kịch diễn đàn tuyên truyền pháp luật cho học sinh
Ứng dụng, chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Phát huy những mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả trên, trong xu thế phát triển của công nghệ và mạng xã hội hiện nay, Nhà trường đã từng bước áp dụng và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc tận dụng tính năng hiệu quả của mạng xã hội như TikTok, Facebook,.... như các chuỗi bài đăng Legispot về các vấn đề pháp lý mới mẻ, thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội như điểm chỉ trong di chúc, tội phạm công nghệ cao… triển khai tài liệu số hóa tuyên truyền pháp luật cho thanh niên, tiếp tục sáng tạo các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục pháp luật Mô hình “The connection - tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả”. Đồng thời, với đội ngũ chuyên gia pháp lý có chuyên môn sau, Nhà trường đã phối hợp giới thiệu chuyên gia cho các cơ quan báo chí như Sài Gòn Giải Phóng, Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ… thực hiện các chuyên mục giải đáp, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân thông qua các mặt báo.
"Chat với chuyên gia" - Chuyên mục do báo Pháp Luật TP.HCM và Ulaw phối hợp thực hiện
Đặt chỉ tiêu và tuyên truyền phổ biến pháp luật trong chiến lược phát triển
Trong thời gian tới, Nhà trường đang đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu, truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Trong đó, về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng, đến năm 2025, tăng số lượng vụ việc tư vấn 15%/năm, trong đó, có 20-30% là miễn phí; số vụ, việc tư vấn cho khách hàng ở các lĩnh vực pháp luật đạt ít nhất là 500 vụ, việc/năm; số lượt giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đạt 500 lượt/năm; tổ chức mỗi năm ít nhất 30-40 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.
Đến năm 2030, số vụ, việc tư vấn đạt khoảng 600-700/năm, trong đó số vụ, việc miễn phí đạt khoảng 30-40%; tổ chức mỗi năm 40-60 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Phục vụ cộng đồng trực thuộc trường và hoàn tất, đưa vào vận hành văn phòng kỹ năng thực hành pháp luật cho sinh viên,...
- Ban Truyền thông Ulaw-