Vào ngày 18/4/2025, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, CLB Giữ lửa truyền thống 22/12/1944 và Hội sinh viên Việt Nam – TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm, gặp gỡ với nhân chứng lịch sử kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Hội trường B, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Buổi toạ đàm diễn ra ở Hội trường B, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Về phía khách mời gồm có: Thiếu tướng Bùi Quang Vinh - Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 11; Đại tá Phan Hải Tân - Chiến sĩ Điện Biên Phủ; Đại tá Đinh Thuần - Chiến sĩ Điện Biên Phủ; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 – Quyền Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng, PGS.TS Lê Kế Lâm - Chuẩn đô đốc Hải quân, nguyên Hiệu trưởng Học viện Hải quân; Phi công Trần Văn On - Thành viên phi đội Quyết Thắng; Đại tá Trần Thịnh Tần - Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Nguyên Cục trưởng Cục quân trang, tham gia bảo đảm công tác hậu cần cho Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng toàn thể các cựu chiến binh, cựu quân nhân.
Về phía lãnh đạo các đơn vị tổ chức: TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó HIệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM; PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM; Đồng chí Lê Đức Đạt - Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh; Đại úy, TS Trần Kháng Chiến - Chủ nhiệm CLB Giữ lửa truyền thống 22/12/1944, nguyên Sĩ quan Binh chủng Phòng không - Không quân, Cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ cùng các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và thành viên của Hội sinh viên Việt Nam - TP.HCM.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh rằng, cách đây đúng nửa thế kỷ, dân tộc ta đã khép lại một giai đoạn lịch sử đau thương để bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập và phát triển. Ngày 30/4 luôn là dịp để mỗi người Việt Nam nhìn lại những trang sử hào hùng, đồng thời ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc dựng xây và bảo vệ đất nước. TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc cũng bày tỏ hy vọng rằng, những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử sẽ giúp sinh viên thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, từ đó sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và nuôi dưỡng khát vọng cống hiến.

TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phát biểu khai mạc tại buổi toạ đàm
Tiếp đến, PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh rằng những thành tựu ngày hôm nay của đất nước là kết quả của sự hy sinh, cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ cha anh. Những câu chuyện được chia sẻ trong buổi tọa đàm sẽ là những bài học lịch sử sống động, giúp thế hệ trẻ hun đúc tinh thần yêu nước và quyết tâm góp sức xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, bền vững.

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm
Trong phần giao lưu đầu tiên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 – Quyền Tư lệnh Quân khu 2 đã kể lại những ngày chiến đấu ác liệt tại mặt trận Bình Trị Thiên cũng như hành trình tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những chia sẻ chân thật và xúc động của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy giúp người nghe hình dung rõ hơn tinh thần quả cảm và lòng yêu nước của các chiến sĩ thời bấy giờ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 – Quyền Tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ những tháng ngày ác liệt tại mặt trận Bình Trị Thiên và những cảm xúc tự hào khi tiến vào giải phóng Sài Gòn
Tiếp đó, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Kế Lâm – Nguyên Hiệu trưởng Học viện Hải quân, người lính hải quân gắn bó với biển đảo suốt thời kỳ chiến tranh – đã chia sẻ vai trò đặc biệt của Hải quân Việt Nam trong các chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam, đặc biệt là việc giải phóng các đảo trong thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Kế Lâm - Chuẩn đô đốc Hải quân, nguyên Hiệu trưởng Học viện Hải quân chia sẻ về vai trò của Hải quân Việt Nam và cuộc chiến giải phóng các đảo trong kháng chiến chống Mỹ
Phi công Trần Văn On – thành viên Phi đội Quyết Thắng, người trực tiếp thực hiện trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 – đã mang đến những câu chuyện đặc biệt về hành trình trở thành phi công và những nhiệm vụ cam go của Phi đội Quyết Thắng trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bên cạnh đó, Đại úy Hồ Duy Hùng – chiến sĩ quân báo Sài Gòn – Gia Định, từng là phi công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh – kể lại câu chuyện bản thân từng bị chính quyền Sài Gòn xem là “thủ phạm” trong “Vụ án tản thất quân dụng” năm 1973, một sự kiện từng gây chấn động dư luận miền Nam.

Phi công Trần Văn On - Thành viên phi đội Quyết Thắng và Đại uý Hồ Duy Hùng - chiến sĩ quân báo Sài Gòn – Gia Định, phi công của Chiến dịch Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi tọa đàm
Đại tá Trần Thịnh Tần chia sẻ về vai trò trọng yếu của công tác hậu cần trong toàn bộ cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn, lực lượng hậu cần vẫn vững vàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo đảm chiến thắng chung.
Tiếp theo, Đại tá Trần Thịnh Tần - Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Nguyên Cục trưởng Cục quân trang đã chia sẻ về vai trò to lớn của công tác hậu cần trong các chiến dịch nói chung và chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng. Đại tá Trần Thịnh Tần cho biết trong những năm tháng đầy gian khổ của cuộc kháng chiến, lực lượng hậu cần vẫn luôn đoàn kết, kiên cường, vượt khó thực hiện tốt công tác hậu cần phục vụ kháng chiến.

Đại tá Trần Thịnh Tần - Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Nguyên Cục trưởng Cục quân trang chia sẻ tại tọa đàm
Đồng thời, Trung tá Dương Văn Thuận - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Sĩ quan điều khiển tên lửa Sư đoàn Phòng không 361, Trung đoàn 261 đã kể lại giây phút chỉ huy bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Từ đó, Trung tá Dương Văn Thuận bày tỏ cảm xúc vừa tự hào vừa xúc động khi nhớ lại những dòng lịch sử hào hùng ấy.

Trung tá Dương Văn Thuận - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Sĩ quan điều khiển tên lửa Sư đoàn Phòng không 361, Trung đoàn 261 chia sẻ tại toạ đàm

Đại diện Ban tổ chức tặng hoa thay cho lời tri ân gửi tới các nhân chứng lịch sử
Sau những chia sẻ đầy cảm xúc và giá trị, nhiều sinh viên tham dự đã không giấu được sự xúc động và biết ơn sâu sắc. Bạn Lê Na – Phó Chủ nhiệm CLB Sử học trẻ Trường Đại học Luật TP.HCM – bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được tham gia buổi tọa đàm ý nghĩa này. Đối với các bạn trẻ, đây không chỉ là cơ hội gặp gỡ các nhân chứng lịch sử mà còn là dịp để thấu hiểu sâu sắc hơn về quá khứ, để từ đó sống trách nhiệm và cống hiến hơn trong hiện tại và tương lai.

Các bạn sinh viên đến từ CLB Sử học trẻ Trường Đại học Luật TP.HCM tham dự tọa đàm

Các nhân chứng lịch sử và đại biểu tham dự cùng chụp ảnh lưu niệm

Các nhân chứng lịch sử, đại biểu tham dự và các bạn sinh viên cùng chụp ảnh lưu niệm
Nội dung: Thuỳ Linh
Hình ảnh: Dạ Thảo, Kiều Vy
Ban Truyền thông Ulaw