Tập huấn Xây dựng đề cương môn học dựa trên Chuẩn đầu ra Chương trình đào tạo

Sáng ngày 10/01/2023, Trung tâm Đảm bảo chất lượng & phương pháp giảng dạy tổ chức buổi tập huấn “Xây dựng đề cương môn học dựa trên Chuẩn đầu ra Chương trình đào tạo” tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Buổi tập huấn “Xây dựng đề cương môn học dựa trên Chuẩn đầu ra Chương trình đào tạo” diễn ra vào sáng ngày 10/01/2023

Buổi tập huấn diễn ra dưới sự chủ trì và hướng dẫn của ThS. Vũ Duy Cương - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và phương pháp giảng dạy, cùng sự tham gia của TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Thư ký Hội đồng Khoa học đào tạo; ThS. Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo; Lãnh đạo và giảng viên các Khoa; chuyên viên Trung tâm Đảm bảo chất lượng & phương pháp giảng dạy, Phòng Đào tạo và Phòng Đào tạo sau đại học.

ThS. Vũ Duy Cương - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và phương pháp giảng dạy hướng dẫn xây dựng đề cương môn học dựa trên chuẩn đầu ra chương trình đào tạo

Mục tiêu của buổi tập huấn xoay quanh việc xác định các yếu tố liên quan của chuẩn đầu ra và nhận dạng được mức độ liên quan và sự đóng góp của học phần phụ trách với chuẩn đầu ra chương trình đào tạo. Về kỹ năng, các giảng viên được hướng dẫn về cách sử dụng thang Bloom và xây dựng ma trận thể hiện mức độ liên quan và sự đóng góp của học phần với chuẩn đầu ra chương trình đào tạo. Nội dung hướng dẫn được chia làm 3 phần: (i) Viết mục tiêu Chuẩn đầu ra học phần; (ii) Xây dựng ma trận Chuẩn đầu ra học phần và Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo CLO – PLO; (iii) Liệt kê ma trận các phương pháp kiểm tra, đánh giá CLO.

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu về 03 yếu tố: kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Nhằm bảo đảm sự nhất quán, các đề cương học phần đều phải được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra và được thể hiện bằng ma trận. Khi thiết kế đề cương môn học, chuẩn đầu ra của môn học cần phải được bao hàm trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, với mục tiêu thể hiện mức độ đóng góp của học phần, ThS. Vũ Duy Cương đã lưu ý về những điểm đổi mới sau khi cải thiện những điểm bất cập và lấy ví dụ minh hoạ cụ thể về cách sử dụng thang Bloom và ma trận CLO – PLO. Sau khi kết thúc phần hướng dẫn, các giảng viên thảo luận tích cực và đưa ra thắc mắc, ý kiến đóng góp về công tác xây dựng đề cương môn học hiệu quả.

ThS. Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo thắc mắc về việc phân bố môn học theo học kỳ dựa trên chuẩn đầu ra học phần

TS. Lê Thị Hồng Vân – Giảng viên Khoa Khoa học cơ bản đặt câu hỏi làm rõ điểm đổi mới của cách xây dựng đề cương học phần so với trước đây

PGS.TS. Nguyễn Văn Vân – Giảng viên Khoa Luật thương mại góp ý về đối tượng áp dụng thang đánh giá Bloom với các cấp độ về kiến thức

Giảng viên thắc mắc về cách lập ma trận tích hợp chuẩn đầu ra chương trình đào tạo

Các giảng viên tham dự tích cực thảo luận cách vận dụng thang đánh giá Bloom trong việc xây dựng đề cương học phần

Chuẩn đầu ra là kim chỉ nam và là yếu tố cốt lõi được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng học tập của sinh viên nói riêng và chương trình đào tạo của Nhà trường nói chung. Qua đó, việc xây dựng đề cương chi tiết học phần dựa trên chuẩn đầu ra luôn được triển khai bài bản, kỹ lưỡng và hoàn thiện để đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu và phương hướng giáo dục của Nhà trường.

Nội dung: Thuỳ Vân

Hình ảnh: Anh Hào

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top