Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức trao đổi học thuật với Giáo sư Pháp về chủ đề "Bất khả kháng và Hoàn cảnh thay đổi"

Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội cho các giảng viên, người quan tâm trao đổi về các vấn đề xoay quanh Luật Dân sự và Thương mại, vào lúc 8h00 ngày 08/03/2023, tại phòng A905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi trao đổi về chủ đề “Bất khả kháng và Hoàn cảnh thay đổi” với GS. Alain Ghozi.

GS.TS. Đỗ Văn Đại và GS. Alain Ghozi chủ trì buổi Toạ đàm

Tham dự buổi trao đổi có sự hiện diện của GS. Alain Ghozi (Đại học Paris II, Cộng hòa Pháp). Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự hiện diện của GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phụ trách Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó trưởng khoa Luật Dân sự cùng các giảng viên Khoa Luật Dân sự, Khoa Luật quốc tế, nghiên cứu sinh và học viên cao học có quan tâm.

GS. Alain Ghozi trình bày các vấn đề xoay quanh chủ đề “ Bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi”

Mở đầu buổi trao đổi, GS. Alain Ghozi đã giới thiệu khái quát lịch sử phát triển của pháp luật về hoàn cảnh thay đổi cơ bản và bất khả kháng của Pháp thông qua các điều khoản trong Bộ luật Dân sự Pháp, sự bổ sung trong các Luật liên quan và án lệ, vấn đề tranh chấp tại Tòa của hoàn cảnh thay đổi và bất khả kháng. Thông qua đó, đưa ra những ví dụ có liên quan đến bối cảnh dịch Covid-19. Khi sửa đổi năm 2015, BLDS Pháp đã bổ sung chế định Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và có cải cách khái niệm Bất khả kháng trong lĩnh vực hợp đồng.

GS.TS. Đỗ Văn Đại trao đổi các vấn đề có liên quan

Tiếp nối buổi trao đổi, GS. Alain Ghozi đưa ra những phân tích cụ thể về cách phân loại đối tượng, khái niệm, những ví dụ, tình tiết tạo ra án lệ. Qua đó, GS đã trình bày những vấn đề xoay quanh trong hợp đồng và thời điểm áp dụng bất khả kháng và thay đổi hoàn cảnh (về điều kiện áp dụng cũng như về hệ quả pháp lý của việc áp dụng). Với những dẫn chứng sống động và ví dụ thiết thực nhất là vấn đề hợp đồng thuê thương mại (thuê bất động sản để phục vụ cho hoạt động thương mại), GS đã truyền đạt và giải thích rõ ràng các vấn đề, giải đáp thắc mắc được đặt ra.

Các giảng viên khoa Luật Dân sự lắng nghe phần trình bày của GS. Alain Ghozi

Dựa trên nội dung đã được chia sẻ, các khách mời tham dự buổi trao đổi đã tích cực thảo luận, đặt nhiều câu hỏi xoay quanh Bất khả kháng và Hoàn cảnh thay đổi cơ bản (nhất là những điểm khác biệt giữa pháp luật Pháp và pháp luật Việt Nam) nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm từ đó tiếp thu những quan điểm tiến bộ cho sự hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, GS. Alain Ghozi cũng chia sẻ thêm hướng xử lý ở Pháp đối với trường hợp theo đó việc xây dựng công trình xây dựng công cộng (như làm đường, làm cầu) làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh hay làm giảm giá trị bất động sản xoay quanh công trình xây dựng công cộng.

Sau hơn ba giờ giao lưu, buổi trao đổi chuyên môn đã kết thúc với nhiều sự gặt hái về kiến thức. Có thể nói, hoàn cảnh thay đổi cơ bản và bất khả kháng là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Vậy nên, việc nghiên cứu, học hỏi giữa các quốc gia luôn là điều nên làm nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vững mạnh.

Buổi trao đổi chuyên môn về chủ đề "Bất khả kháng và Hoàn cảnh thay đổi" kết thúc với nhiều kiến thức được đúc kết

Nội dung: Hạnh Nhi

Hình ảnh: Kim Ngân

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top