Ngày 04/10, tại hội trường A1002, Trường Đại học Luật Thành phố HCM phối hợp cùng Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chế tài trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”.
Hội thảo có sự góp mặt của PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các khách mời có chuyên môn về lĩnh vực pháp luật Hành chính, các thầy cô là giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước nói riêng và các khoa khác nói chung, cùng đông đảo các bạn sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, "Pháp luật hành chính là một ngành luật cơ bản của hệ thống pháp luật, trong đó, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính là một phần quan trọng của pháp luật hành chính".
PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS Tiêu Dũng Tiến – Phó Trưởng ban Đại diện Viện FES tại Việt Nam bày tỏ niềm vui khi được phối hợp cùng Nhà trường tổ chức Hội thảo
Hội thảo được chia làm 3 phiên thảo luận với 7 bài tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phiên thứ nhất được chủ trì bởi PGS.TS Bùi Xuân Hải, GS.TS Juergen Kessler, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Th.S Phan Thị Bình Thuận - Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh với 2 bài tham luận sau:
- Tham luận “Trách nhiệm hành chính: Từ lý luận đến thực tiễn lập pháp ở Việt Nam của PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Luật TP.HCM, nguyên Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước;
- Tham luận “Thủ tục hành chính xử lý vi phạm hành chính” của GS.TS Roland Fritz, nguyên Chánh án Tòa Hành chính Frankfurt, giảng viên Trường Đại học Justus Liebig, Cộng hòa Liên bang Đức.
Hội thảo được chia làm 3 phiên thảo luận với 7 bài tham luận
Phiên thứ hai được chủ trì bởi PGS.TS Bùi Xuân Hải, GS.TS Roland Fritz, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, TS. Nguyễn Đức Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp với 2 bài tham luận:
- Tham luận “Thủ tục tại Tòa án đối với vi phạm hành chính” của bà Elisabeth Fritz - Chánh án Tòa án huyện Wiesbaden, CHLB Đức;
- Tham luận “Thực tiễn áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” của Th.S Phan Thị Bình Thuận - Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh.
Phiên thứ ba của Hội thảo được tiếp tục vào buổi chiều với sự chủ trì của GS.TS Juergen Kessler, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, TS. Thái Thị Tuyết Dung, TS. Cao Vũ Minh với 3 bài tham luận sau:
- Tham luận “Hình thức phạt tiền trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính” của ThS. Nguyễn Nhật Khanh – Giảng viên Bộ môn Luật hành chính, Trường Đại học Luật TP. HCM cùng ThS. Đặng Thị Phương Ngọc - Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng;
- Tham luận “Các chế tài theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh tế (đặc biệt là pháp luật chống hạn chế cạnh tranh) của GS.TS Jurgen Kebler - Trường Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức;
- Tham luận “Chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán: Bất cập và hướng hoàn thiện” của TS. Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM.
Kết thúc mỗi phiên thảo luận, các giảng viên và khách mời cùng thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến chế tài xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam cũng như Cộng hòa Liên bang Đức, qua đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho việc kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy phạm pháp luật về hành chính Việt Nam trong tương lai.
Đại diện Nhà trường chụp hình lưu niệm cùng các khách mời
Bài viết: Phương Anh
Hình ảnh: Nam Hiếu
Ban Truyền thông ULaw