Sáng ngày 19/12/2019, tại phòng A905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, khoa Luật Dân Sự Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật về thủ tục thi hành án dân sự” nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia trong ngành cũng như các giảng viên, học viên Cao học thảo luận góp phần nâng cao chất lượng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn.
Trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành Luật số 64/2014/QH13 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 vào ngày 25/11/2014. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng pháp luật vào thực tiễn, đã có nhiều vướng mắc, bất cập giữa Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Điều này đã đặt ra một nhu cầu vô cùng cấp thiết trong việc tiếp tục hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hội thảo “Pháp luật về thủ tục thi hành án dân sự” thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài Nhà trường
Đến tham dự Hội thảo, có sự hiện diện của nhiều chuyên gia trong ngành như PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến – Phó Trưởng khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn; ThS. Hoàng Huy Trường – Trưởng phòng Công tác Tư pháp, Cục Tư pháp phía Nam, Bộ Tư Pháp; ThS. Nguyễn Tiến Pháp – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức, TP.HCM; bà Nguyễn Thanh Tuyền – Phó Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức, TP.HCM; NCS.ThS. Nguyễn Huy Hoàng – Phó Chánh án Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp, TP.HCM.
Đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM gồm có TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng khoa Luật Dân Sự, TS. Lê Vĩnh Châu – Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng dân sự - Hôn nhân gia đình, TS. Nguyễn Thái Cường – Giảng viên khoa Luật Dân Sự cùng đông đảo các giảng viên trong khoa, nghiên cứu sinh, học viên Cao học và các bạn sinh viên.
Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Trong tình cảnh Luật Thi hành án dân sự năm 2014 sửa đổi, bổ sung được ban hành sau Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc không đồng bộ giữa các văn bản pháp luật là không thể tránh khỏi. Do vậy, vấn đề hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn ban hành đang là một nhu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật sau này […]”

TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng khoa Luật Dân Sự phát biểu khai mạc Hội thảo
Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Tiến và ThS. Hoàng Huy Trường, buổi Hội thảo đã được chia làm 02 phiên thảo luận:
Phiên đầu tiên xoay quanh về việc trình bày các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện một số nội dung của Luật Thi hành án dân sự hiện hành với 06 bài tham luận sau đây:
- Tham luận “Bản án, quyết định được thi hành” do ThS. Phạm Thị Thúy trình bày;
- Tham luận “Một số vấn đề về thông báo thi hành án dân sự” do ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc trình bày;
- Tham luận “Trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án dân sự” do ThS. Nguyễn Thị Hoài Trâm trình bày;
- Tham luận “Một số bất cập trong vấn đề xác minh điều kiện thi hành án” do ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải trình bày;
- Tham luận “Một số vấn đề về từ chối yêu cầu thi hành án dân sự” do ThS. Nguyễn Trần Bảo Uyên trình bày;
- Tham luận “Hoãn thi hành án dân sự - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật” do ThS.NCS. Huỳnh Quang Thuận trình bày.

Hội thảo được chủ trì bởi TS. Nguyễn Văn Tiến, ThS. Hoàng Huy Trường (từ trái sang)
Trong phiên thảo luận thứ nhất, những bất cập và vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Thi hành án dân sự hiện hành như: Sự thiếu thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Thi hành án dân sự; hình thức thông báo thi hành án dân sự còn gặp khó khăn; thời hạn tiến hành xác minh trong công tác xác minh điều kiện thi hành án còn ngắn, gây khó khăn cho Chấp hành viên;… đã được đề cập và thảo luận một cách sôi nổi. Qua đó, các giải pháp cũng đã được kiến nghị để phần nào khắc phục những thiết sót trên và góp phần hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự hiện hành.

ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải trình bày nội dung bài tham luận của mình

PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến phát biểu ý kiến của mình
Phiên thứ hai tiếp tục đưa ra 03 bài tham luận với nội dung chính như sau:
- Tham luận “Thủ tục thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án là Doanh nghiệp” do ThS. Hoàng Huy Trường trình bày;
- Tham luận “Thi hành án tín dụng ngân hàng đối với các khoản vay có biện pháp bảo đảm – Bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật” do PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến trình bày;
- Tham luận “Khái quát về thẩm quyền thi hành án của Thừa phát lại ở Việt Nam và một số nước trên thế giới” do ThS. Nguyễn Tiến Pháp trình bày.

Các học viên Cao học chăm chú lắng nghe phần trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại phiên thảo luận thứ hai, những bất cập liên quan đến việc thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án là Doanh nghiệp và việc thi hành án tín dụng ngân hàng đối với các khoản vay có biện pháp bảo đảm đã được trình bày và đưa ra thảo luận. Đồng thời, thông qua những kinh nghiệm từ việc xây dựng thành công mô hình Thừa phát lại tại Cộng hòa Bulgaria và các nước khác trên thế giới cũng như thực trạng thiếu vắng các quy định chung của luật chuyên ngành trong việc điều chỉnh nhiệm vụ, thẩm quyền đối với ngành nghề này, Hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Luật Thừa phát lại.

Hội thảo kết thúc tốt đẹp cùng với những đóng góp tích cực từ các chuyên gia trong và ngoài Nhà trường
Trong lời phát biểu kết thúc, TS. Nguyễn Văn Tiến khẳng định rằng buổi Hội thảo “Pháp luật về thủ tục thi hành án dân sự” đã diễn ra một cách thành công tốt đẹp, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các vị khách quý vì đã tham gia trao đổi, tranh luận sôi nổi về những kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra những giải pháp hiệu quả liên quan đến việc thi hành án dân sự tại Việt Nam.
Nội dung: Thu Hương
Media: Lệ Huyền
Ban Truyền Thông ULAW