Có thể nói, đây là một diễn đàn để các chuyên gia nghiên cứu, thành viên Hội đồng và đại diện ban giám hiệu các Trường Đại học, Lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục các quận huyện và giáo viên cùng đóng góp ý kiến để Luật Giáo dục được tuân thủ và tổ chức thi hành hiệu quả trong tương lai.
Chiều ngày 22/11/2019, Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Khung pháp lý về thành lập, quản trị và chuyển đổi các loại hình nhà trường” vào tại Hội trường A1002. Hội thảo cũng nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề tài NCKH cấp Nhà nước “Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục”, do Trường ĐH Luật TP.HCM là tổ chức chủ trì và PGS.TS. Bùi Xuân Hải làm Chủ nhiệm đề tài. Có thể nói, đây là một diễn đàn để các chuyên gia nghiên cứu, thành viên Hội đồng và đại diện ban giám hiệu các Trường Đại học, Lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục các quận huyện và giáo viên cùng đóng góp ý kiến để Luật Giáo dục được tuân thủ và tổ chức thi hành hiệu quả trong tương lai.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Hải – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học luật TP. HCM đã phát biểu khai mạc và khẳng định, hội thảo được tổ chức trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị và mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của quý đại biểu tham dự nhằm hoàn thiện hơn nữa Luật Giáo Dục 2019.
PGS.TS Trần Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật TP. HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo bao gồm 2 phiên:
Phiên thứ nhất được chủ trì bởi PGS.TS Trần Hoàng Hải, PGS.TS Bùi Xuân Hải, PGS.TS Nguyễn Văn Vân và PGS.TS Nguyễn Kim Hồng với 3 bài tham luận về các chủ đề như sau:
- Vấn đề học phí, tự chủ, chọn sách giáo khoa đối với cơ sở giáo dục của ThS. Hồ Sỹ Anh;
- Bản chất và các hình thức sở hữu trường tư thục - PGS.TS Nguyễn Văn Vân và ThS. Trần Thị Hương;
- Những điểm mới của Luật Giáo dục 2019 về điều kiện thành lập trường và một số vấn đề còn sót lại - ThS. Lê Nhật Bảo.
Tại phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia đã trao đổi về những vấn đề còn tồn đọng như học phí, quyền tự chủ tài chính của các trường và chất lượng giáo trình. Đồng thời, trả lời hai câu hỏi: “Trường tư thục có phải là doanh nghiệp không?” và “Hình thức sở hữu của trường tư thục là gì?”; các vấn đề liên quan đến điều kiện thành lập trường, quy hoạch mạng lưới giáo dục và thẩm quyền ban hành các văn bản luật về giáo dục;… Ngoài ra, các chuyên gia cũng trao đổi thêm về các khái niệm trường tư thục “phi lợi nhuận”, các hiện trạng bất cập trong việc chuyển đổi các loại hình thức nhà trường,…
Chủ tọa phiên thứ nhất (từ trái sang): PGS.TS Nguyễn Văn Vân, PGS.TS Trần Hoàng Hải, PGS.TS Bùi Xuân Hải và PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
PGS.TS Nguyễn Văn Vân trình bày về Bản chất và hình thức sở hữu của trường tư thục
Cuối phiên thứ nhất, PGS.TS Bùi Xuân Hải chia sẻ thêm những câu chuyện tranh cãi xoay quanh những vấn đề định nghĩa, quy định về các khái niệm “Trường tư thục phi lợi nhuận.”
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Hiệu trưởng hệ thống Trường quốc tế Việt - Úc khẳng định: “Việc thực hiện khung pháp lý là nhu cầu tất yếu!”
Cuối phiên thứ nhất, PGS.TS Bùi Xuân Hải chia sẻ thêm những câu chuyện tranh cãi xoay quanh những vấn đề định nghĩa, quy định về các khái niệm “Trường tư thục phi lợi nhuận”
Phiên hội thảo thứ hai được chủ trì bởi PGS.TS Nguyễn Văn Vân, PGS.TS Trần Hoàng Hải cùng PGS.TS Ngô Kim Hồng triển khai trao đổi 3 bài tham luận sau:
- Quy chế pháp lý thực thi nguyên tắc minh bạch trong hoạt động tài chính tại các
trường đại học công lập – ThS. Trần Thị Trúc Minh;
- Một số vấn đề pháp lý về trường đại học tư thục hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận
ở Việt Nam - NCS. Nguyễn Phương Thảo;
- Quy định pháp luật về hội đồng trường trong trường đại học tư thục của ThS Danh Phạm Mỹ Duyên và ThS. Nguyễn Xuân Tài.
Các chuyên gia lắng nghe và đặt câu hỏi cho các phần trình bày trong buổi hội thảo
Ở phiên thảo luận này, các chuyên gia đã tán thành các quan điểm về nguyên tắc minh bạch trong các hoạt động giáo dục của ThS. Trần Thị Trúc Minh; trao đổi về các vấn đề hoạt động phi lợi nhuận của các trường tư thục như: thời hạn xác định, cơ chế khuyến khích, mô hình cơ cấu nhà trường, định nghĩa phi lợi nhuận dưới góc độ tập đoàn,... Đồng thời, các chuyên gia cũng thảo luận thêm về những quy định pháp luật đối với Hội đồng trường tư thục như: chế tài xử lý vi phạm, quyền tự quyết của các nhà đầu tư quá cao, quy định về họp đột xuất và tỉ lệ tham gia, so sánh sự khác biệt của Hội đồng nhà trường và Hội đồng quản trị, …
Qua 6 bài tham luận, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề xoay quanh việc xây dựng khung pháp lý về thành lập, quản trị và chuyển đổi các loại hình nhà trường. Cuối buổi hội thảo, đại diện Trường Đại học Luật TP. HCM, PGS.TS Nguyễn Văn Vân đã phát biểu ghi nhận các đóng góp của những vị chuyên gia và tuyên bố bế mạc hội thảo.
Bài: Thúy Hảo, Kiều My
Ảnh: Vie Vie, Ngọc Thắng
Ban Truyền thông ULAW