Hội thảo diễn ra vào lúc 8h00 ngày 22/4, với hai hình thức trực tiếp tại cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến qua Zoom.
Hội thảo được tổ chức bởi Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM. Tham dự hội thảo có GS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM; TS.LS. Châu Huy Quang - Luật sư Điều hành Rajah & Tann LCT, Thành viên ICC, Trọng tài viên VIAC; TTV. Nguyễn Công Phú - Trọng tài viên VIAC, Nguyên Phó chánh tòa, Tòa Kinh tế, TAND TP.HCM; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM, Trọng tài viên, STAC, THAC và AIAC, … cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia khác.
Hội thảo được tổ chức bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM giữ vai trò chủ tọa tại Hội thảo
Hiện nay, bên thứ ba đang dần trở nên phổ biến trong mối quan hệ thỏa thuận trọng tài, chẳng hạn như tài trợ của bên thứ ba đối với tố tụng trọng tài hoặc việc thực hiện hợp đồng có sự tham gia của bên thứ ba, ví dụ như quan hệ giữa nhà thầu chính, nhà thầu phụ và chủ đầu tư… Sự tham gia của bên thứ ba này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền của hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, pháp luật trọng tài Việt Nam hiện nay vẫn chưa quy có quy định chi tiết về vấn đề này.
Trên cơ sở đó, Hội thảo “Bên thứ ba trong pháp luật trọng tài: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” tập trung nghiên cứu xoay quanh các nội dung: Quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba trong việc cung cấp chứng cứ; Tài trợ của bên thứ ba đối với tố tụng trọng tài; Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết hoặc quyết định ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba; Mở rộng hiệu lực của thoả thuận trọng tài đối với bên thứ ba; Thực thi quyết định trọng tài có ảnh hưởng đến bên thứ ba.
ThS.NCS Huỳnh Quang Thuận với bài tham luận “Cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại”
Trong tổng số 09 bài tham luận được trình bày tại 03 phiên làm việc chính, một số đề tài được đánh giá cao tại Hội thảo như:
- “Quyết định của Hội đồng trọng tài xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của GS.TS. Đỗ Văn Đại phân tích quy định về tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài (khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010);
- “Cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại” của ThS.NCS Huỳnh Quang Thuận nghiên cứu hệ thống pháp luật trọng tài trên Thế giới về cơ chế bảo vệ cho quyền lợi của bên thứ ba khi tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài;
- “Tài trợ của Bên thứ ba trong Tố tụng trọng tài - Toà án” của TS.LS. Châu Huy Quang - Luật sư Điều hành Rajah & Tann LCT giới thiệu về mô hình “Bên tài trợ thứ ba” - Third Party Funndung (TPF);
- “Mở rộng hiệu lực của thoả thuận trọng tài đối với nhà thầu phụ và chủ đầu tư trong lĩnh vực xây dựng” của TS. Nguyễn Thị Hoa.
TS. LS. Châu Huy Quang - Luật sư Điều hành Rajah & Tann LCT đã trình bày tham luận “Tài trợ của Bên thứ ba trong Tố tụng trọng tài - Toà án” và tích cực đóng góp ý kiến thực tiễn tại Hội thảo
Bên cạnh đó, các bài tham luận “Mở rộng hiệu lực của thỏa thuận trọng tài đối với bên thứ ba” của TS.LS. Lars Markert và “Khiếu kiện chéo trong Trọng tài quốc tế” của LS. Nguyễn Trung Nam cũng gợi mở những vấn đề mang tính thực tiễn cao và thu hút sự thảo luận, trao đổi của các diễn giả, chuyên gia tham dự Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM đã đại diện Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến khách mời tham dự Hội thảo mang đến một cái nhìn khái quát, toàn diện và sâu sắc về những vấn đề pháp lý xoay quanh bên thứ ba trong pháp luật trọng tài. Tất cả những nghiên cứu, quan điểm được chia sẻ tại Hội thảo sẽ tạo tiền đề phát triển cho pháp luật trọng tài Việt Nam nói riêng và hành lang pháp lý nước ta nói chung.
Nội dung: Kiều My
Hình ảnh: Ngọc Thắng, Thanh Hoa
Ban Truyền thông Ulaw