Chương trình tập huấn “Nâng cao nhận thức về an ninh mạng và lừa đảo qua mạng trong bối cảnh chuyển đổi số"

Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024 của Ban Vì Sự tiến bộ phụ nữ của Trường, nhằm cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên đặc biệt là phái nữ cái nhìn toàn cảnh về những thách thức, tiềm ẩn trên không gian mng, đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả trước các nguy cơ pháp lý của thời đại số, sáng ngày 14/10/2024, tại A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP. HCM đã phối hợp với Chương trình toàn cầu về Tội phạm mạng - Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức chương trình Tập huấn “Nâng cao nhận thức về an ninh mạng và lừa đảo qua mạng trong bối cảnh chuyển đổi số tại trường đại học”.

Buổi tập huấn là sự phối hợp từ phía Trường Đại học Luật TP. HCM và Chương trình toàn cầu về Tội phạm mạng - Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Buổi tập huấn diễn ra tại A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành

Tham dự buổi tập huấn, về phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có PGS.TS Vũ Văn Nhiêm- Bí Thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội Đồng Trường, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Phan Anh Tuấn – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự - Phó trưởng Ban Vì Sự Tiến Bộ của Phụ Nữ, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa- Trưởng Khoa Luật Hình sự, Ủy viên Ban Vì Sự Tiến Bộ của Phụ Nữ; Bà Lê Thị Hoài An – Trưởng phòng Tài chính Kế toán - Ủy viên Ban Vì Sự Tiến Bộ của Phụ Nữ; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương- Trưởng Khoa Luật Quốc tế; ThS. Nguyễn Tú Anh - Phó trường phòng PT phòng Thanh tra - Pháp chế, Uỷ viên Thường trực Ban Vì Sự tiến bộ phụ nữ. Cùng Đại diện lãnh đạo các Khoa, các đơn vị thuộc/trực thuộc Trường, giảng viên, chuyên viên cùng các em sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện về phía khách mời UNODC (Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm): Bà Nguyễn Thị Như Trang, Cán bộ Chương trình Quốc gia về Tội phạm mạng, UNODC Việt Nam, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Viện công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo ABAII: Ông Trần Việt Hùng - Nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam; Ông Phan Đức Trung - PCT Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII; bà Nguyễn Hải Yến - Giám đốc truyền thông.

Cùng với Bà Nguyễn Thị Như Trang - Diễn giả, điều phối Chương trình Quốc gia là các diễn giả - chuyên gia: TS. Trần Thanh Thảo - GV Khoa Luật Hình sự, THS.NCS. Lê Trần Quốc Công - GV Khoa Luật Quốc tế; Ông Trần Huyền Dinh – Chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Giám đốc dự án phòng chống lừa đảo ChainTracer; Bà Vũ Thu Hồng - Cán bộ chương trình Phụ nữ, Hoà bình và An ninh - UN Women Việt Nam; Tiến sĩ, Thiếu tá Võ Tấn Lập, Phó Trưởng Khoa Cảnh sát hình sự, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Ông Nguyễn Trần Minh Quân - Giám đốc công ty Krysos Trust.

Đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM trong buổi Tập huấn

Đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM trong buổi Tập huấn

Các khách mời đồng hành cùng chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS. Trần Việt Dũng đã khẳng định vai trò cốt lõi của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nhận thức về an ninh mạng. Theo PGS. TS. Trần Việt Dũng, trong bối cảnh các mối đe dọa trực tuyến ngày càng tinh vi, việc trang bị kiến thức để phòng tránh và quản lý rủi ro là điều vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, Trường Đại học Luật TP.HCM, phối hợp với UNODC và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức buổi tập huấn này nhằm mang đến những giải pháp và góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia hàng đầu. Đặc biệt, sự góp mặt của Đại học Cảnh sát Nhân dân với những chia sẻ về các vấn đề pháp lý liên quan đến an ninh mạng sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về khung pháp lý bảo vệ người dùng trong không gian mạng. Ngoài ra, PGS.TS. Trần Việt Dũng kỳ vọng rằng, những chia sẻ từ các diễn giả trong chương trình sẽ mang lại những kiến thức thiết thực, góp phần nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ an toàn và hiệu quả cho lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM nói riêng và cộng đồng sử dụng Internet nói chung.

PGS.TS. Trần Việt Dũng phát biểu khai mạc

Tại buổi tập huấn, BTC tiến hành Trao học bổng dành cho các em sinh viên ULAW bao gồm 30 suất học bổng, mỗi suất trị giá gần 3 triệu đồng, để các bạn có cơ hội tham gia các khóa học online trên nền tảng MasterTeck. Đây là nền tảng học trực tuyến số 1 Việt Nam về Blockchain và AI với hơn 300 khóa học, tập trung vào 24 nghề nghiệp hấp dẫn với thu nhập cao. Các bài giảng được xây dựng bởi hơn 120 giảng viên uy tín trong và ngoài nước cùng hệ thống chứng chỉ hàng đầu thế giới như CompTIA, EC-Council và PECB đến từ Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII.

Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII giành tặng 30 suất học bổng dành cho các khóa học trên nền tảng MasterTeck cho sinh viên Ulawers

Buổi tập huấn diễn ra với sự tham gia trình bày của 6 diễn giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến, mỗi chủ đề từ các diễn giả đều góp phần làm rõ và mở rộng kiến thức cho sinh viên về các mối đe dọa an ninh mạng và lừa đảo trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số. Qua đó, sinh viên không chỉ nhận thức rõ hơn về tội phạm mạng mà còn hiểu sâu về những quy định pháp lý hiện hành, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc ứng phó với các nguy cơ trên không gian mạng.

Mở đầu chương trình, Bà Nguyễn Thị Như Trang, Cán bộ Chương trình Quốc gia về Tội phạm mạng của UNODC Việt Nam, đã chia sẻ về việc nâng cao nhận thức đối với tội phạm mạng và các mối đe dọa lừa đảo qua mạng. Tiếp đó, TS. Trần Thanh Thảo - Giảng viên Khoa Luật Hình sự cùng ThS.NCS. Lê Trần Quốc Công - giảng viên Khoa Luật Quốc tế tiến hành trình bày một số quy định pháp luật quốc tế và luật hình sự liên quan đến tội phạm mạng, giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan về khung pháp lý trong lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Thị Như Trang, Cán bộ Chương trình Quốc gia về Tội phạm mạng của UNODC Việt Nam đã chia sẻ những tình huống lừa đảo trong thực tế giúp sinh viên hiểu rõ các thủ đoạn tinh vi

ThS. NCS. Lê Trần Quốc Công đã nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật quốc tế trong việc xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao

TS. Trần Thanh Thảo - Giảng viên Khoa Luật Hình sự cùng với những chia sẻ tường tận, kỹ lưỡng liên quan đến việc xác định tội phạm trong lĩnh vực an ninh mạng được quy định trong BLHS 2015

Tiếp đó, Ông Trần Huyền Dinh – Chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Giám đốc dự án phòng chống lừa đảo ChainTracer đã đề cập đến các nguy cơ tiềm ẩn trong công nghệ blockchain và tài sản mã hóa chia sẻ những biện pháp phòng chống hiệu quả. Bà Vũ Thu Hồng, Cán bộ chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của UN Women Việt Nam, “Tăng tính tự vệ trong kỷ nguyên số: Tự bảo vệ mình trên không gian mạng” đã giúp cho lãnh đạo, giảng viên, sinh viên đặc biệt phái nữ có thêm những biện pháp và chiến lược hiệu quả giúp nâng cao nhận thức và bảo vệ chúng ta khỏi các mối nguy hiểm tiềm tàng trên không gian mạng. Cuối cùng, Tiến sĩ, Thiếu tá Võ Tấn Lập, Phó Trưởng Khoa Cảnh sát hình sự, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP.HCM, đã trình bày về cách nhận diện lừa đảo trực tuyến và các cơ chế báo cáo, nhằm bảo vệ an toàn cá nhân và gia đình trước các mối đe dọa trong kỷ nguyên số.

Trong suốt buổi tập huấn, nhiều câu hỏi và ý kiến đóng góp tích cực từ các bạn sinh viên đã được ghi nhận. Đặc biệt, một số bạn còn chia sẻ những tình huống thực tế về việc bị lừa đảo trên mạng, từ đó không chỉ giúp các sinh viên khác cảnh giác mà còn cung cấp thêm nhiều chất liệu thực tiễn để các diễn giả nghiên cứu và phân tích sâu hơn.

Tập huấn ghi nhận nhiều câu hỏi cũng như đóng góp tích cực từ các bạn sinh viên

Thông qua những trao đổi trực tiếp và các câu hỏi từ sinh viên, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức về các vấn đề pháp lý thực tiễn, đặc biệt là các mối nguy tiềm ẩn trong môi trường trực tuyến. Ngoài ra, những thông tin và kinh nghiệm đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các diễn giả cũng như khuyến khích khách mời tham dự tập huấn đặc biệt sinh viên và phái nữ chủ động tìm hiểu và tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý trong đời sống hàng ngày.

Buổi Tập huấn thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên

 

Nội dung: Anh Thy,

Hình ảnh: Cảnh Toàn

Ban Truyền thông Ulaw