Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường của NCS Trịnh Duy Thuyên, chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự

Vào ngày 25/02/2022, Trường Đại học Luật Tp.HCM đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường với chủ đề: “Nội lực hóa quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tra tấn đối với lấy lời khai, hỏi cung bị can trong Bộ luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam” của NCS Trịnh Duy Thuyên, chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường bao gồm: GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, Bộ Công An - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Phạm Quang Phúc, Trường Đại học Cảnh sát - Thư ký; TS. Lê Huỳnh Tấn Duy, Trường Đại học Luật TP.HCM - Phản biện 1; TS. Võ Thị Kim Oanh, Trường Đại học Luật TP.HCM - Phản biện 2; TS.LS. Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM- Phản biện 3; TS. Dương Văn Thăng, Tòa án Quân sự Trung Ương - Uỷ viên; PGS.TS. Trần Văn Độ, Nguyên Chánh án Tòa án Quân sự TW - Ủy viên.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực luật hình sự và tố tụng hình sự

Sau khi hội đồng tiến hành thông qua các biên bản, thủ tục của buổi bảo vệ luận án, NCS Trịnh Duy Thuyên đã trình bày tóm tắt luận án tiến sĩ cấp trường xoay quanh các vấn đề như: tính cấp thiết của chủ đề, nguyên nhân lựa chọn chủ đề, tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, những nội dung cốt lõi của từng chương trong luận án.

NCS Trịnh Duy Thuyên trình bày sơ lược về luận án với chủ đề “Nội lực hóa quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tra tấn đối với lấy lời khai, hỏi cung bị can trong Bộ luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam”

Theo TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phản biện 1, kết cấu của luận án khá logic, chứa đựng đầy đủ các nội dung cần triển khai, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một vài lỗi kĩ thuật. Nội dung của luận án phong phú, các nhận xét bình luận không trùng lặp với các nguồn tài liệu khác, trích dẫn tài liệu tham khảo đầy đủ. Đồng thời, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy cho rằng luận án có ý nghĩa thực tiễn trong vấn đề phòng ngừa tra tấn, đã chỉ ra được các hạn chế thực tế và có giá trị đóng góp cho nghiên cứu khoa học pháp lý.

Bên cạnh đó, TS. Võ Thị Kim Oanh - Phản biện 2 đã tiến hành đưa ra những nhận xét bổ sung: đề tài đã đảm bảo được tính cấp thiết của thực tế hiện nay; tên đề tài, phương pháp nghiên cứu đều phù hợp với khoa học tố tụng hình sự, đảm bảo được độ tin cây chính xác; NCS đã chỉ ra được những vấn đề lý luận chung, các khái niệm, đặc điểm trong Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tra tấn cũng như xây dựng được các kiến nghị có giá trị tham khảo.

Phần phản biện thứ 2 đến từ TS. Võ Thị Kim Oanh xoay quanh đề tài luận án

Phần phản biện thứ 3 đến từ TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch tiếp tục đưa ra những góp ý về hình thức, cấu trúc, nội dung của luận án. Theo TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch, nội dung của luận án phong phú, trích dẫn nhiều nguồn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một vài lỗi kĩ thuật và thiếu sót trong phân tích. Đồng thời. TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng đưa ra các câu hỏi xoay quanh nội dung của đề tài.

Trong phần phản biện thứ 3, TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch đã đưa ra những góp ý bổ sung đồng thời đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề tra tấn bằng tinh thần

Kết thúc phần nhận xét, các thành viên trong hội đồng tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến phản biện về nội dung luận án và đưa ra một số câu hỏi nhằm kiểm tra, đánh giá kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế của nghiên cứu sinh. NCS Trịnh Duy Thuyên cũng tiến hành trả lời lần lượt các câu hỏi để hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình.

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, quá trình bảo vệ đã chính thức hoàn tất. Hội đồng đã chấm điểm và đưa ra kết quả đối với bài Bảo vệ luận văn của NCS Trịnh Duy Thuyên.

 

Nội dung: Tường Vi

Hình ảnh: Trần Ngọc, Hồng Ngọc

Ban Truyền thông Ulaw