Tổng thuật Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Phương thức thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”

Từ tháng 6/2020, với sự tài trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), nhóm nghiên cứu do GS.TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự làm chủ nhiệm đề tài và Trường Đại học Luật TP.HCM là tổ chức chủ trì đề tài đã thực hiện Đề tài nghiên cứu cơ bản “Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, mã số 505.01-2020.02.

Đề tài có sự tham gia của các giảng viên của Trường Đại học Luật TP.HCM (PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Nguyễn Thị Hoa – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế; NCS. ThS. Huỳnh Quang Thuận – Giảng viên Khoa Luật Dân sự và ThS. Trần Hoàng Tú Linh – Giảng viên Khoa Luật Thương mại) và của Trường Đại học Ngoại thương (PGS.TS. Ngô Quốc Chiến – Giảng viên Khoa Luật Cơ sở Hà Nội và NCS. ThS. Trần Thanh Tâm – Giảng viên của cơ sở TP.HCM).

Nhằm tạo một diễn đàn nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu để hoàn thiện dự thảo sách “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, vào lúc 8h00 ngày 13/05/2022, Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Góp ý hoàn thiện Phương thức thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” qua hai hình thức trực tuyến và trực tiếp tại phòng họp A.905.

Hội thảo đón nhận sự góp mặt của đông đảo nhà nghiên cứu, giới chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài. Về phía đại diện Nhà trường, Hội thảo vinh dự đón tiếp: GS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trọng tài viên VIAC; PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên quan tâm Hội thảo.

Về phía các chuyên gia ngoài Trường, Hội thảo có sự tham dự của: Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký VIAC, TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM; TS.LS. Châu Huy Quang – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers, Trọng tài viên VIAC, LS. Kiều Anh Vũ – Giám đốc Công ty Luật KAV Lawyers, Trọng tài viên (MCAC, TRACENT, AIAC, SHAC); ThS. Huỳnh Đăng Hiếu – Phó trưởng phòng Ban thư ký – Thư ký Hội đồng Khoa học VIAC; LS. Nguyễn Ngọc Minh – Luật sư Công ty Luật Dzungsrt & Associates LLC cùng các vị học giả có quan tâm.

Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Phương thức thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và phát sóng trực tiếp qua Fanpage

Đồng chủ trì Hội thảo: (từ trái sang) Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC, GS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự ĐH Luật TP. HCM, Trọng tài viên VIAC; PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế ĐH Luật TP.HCM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM đã giới thiệu khái quát nội dung và mục đích xuất bản sách “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Cụ thể, định hướng chung của sách tập trung vào các đề tài xoay quanh Trọng tài Việt Nam, trên cơ sở kết hợp giữa thực tiễn và lý luận cũng như đối chiếu kinh nghiệm nước ngoài. Do đó, GS.TS Đỗ Văn Đại bày tỏ sự mong muốn nhận được những đóng góp mang tính xây dựng cả về hình thức và chuyên môn của các chuyên gia tham dự nhằm gia tăng giá trị cuốn sách nói riêng và phát triển trọng tài ở Việt Nam nói chung.

GS.TS Đỗ Văn Đại phát biểu khai mạc Hội thảo – Trưởng Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM

Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM đã trình bày tham luận “Thỏa thuận chuyển giao trọng tài”. Theo đó, ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy góp ý về việc bổ sung quan điểm của các nước thông luật nhằm mang lại sự đa dạng về mặt nội dung cho cuốn sách và giúp người đọc dễ dàng tiếp cận hơn. Với tham luận “Sửa đổi Luật Trọng tài thương mại để Việt Nam là nước theo luật mẫu”, ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy đã khái quát lợi ích của Việt Nam khi trở thành quốc gia tuân theo Luật Mẫu, từ đó đề xuất một số điều khoản pháp luật Việt Nam nên chuyển hóa vào Luật Trọng tài thương mại. Liên quan đến chủ đề được đề cập qua hai bài tham luận, các nội dung về chuyển giao thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận chuyển quyền sở hữu cũng được các đại biểu tại Hội thảo bàn luận sôi nổi.

ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy lần lượt trình bày các bài tham luận của mình

Bên cạnh đó, tham luận “Phạm vi can thiệp của Tòa án nhà nước đối với hoạt động của trọng tài” của tác giả Cao Nhất Linh đã trình bày về phạm vi can thiệp của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài liên quan đến những bất cập của Việt Nam về cách thức thể hiện sự can thiệp của Tòa án, qua đó, đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện dự thảo sách. Tại đây, chủ nhiệm đề tài GS.TS Đỗ Văn Đại đồng quan điểm với tác giả Cao Nhất Linh và bày tỏ sẽ ghi nhận, bổ sung những bình luận giá trị trên vào tác phẩm.

Về tham luận “Bảo vệ bên yếu thế trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, tác giả Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM đã đem đến một cái nhìn tổng thể về lợi ích, cũng như các khía cạnh bất lợi của việc đưa điều khoản trọng tài vào hợp đồng với bên yếu thế. Theo tác giả, chúng ta nên có cơ chế để bảo vệ bên yếu thế trước điều khoản trọng tài trong hợp đồng mà họ tham gia.

TS. Lê Nguyễn Gia Thiện trình bày đề tài “Bảo vệ bên yếu thế trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”

Trong tham luận “Quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền”, LS. Kiều Anh Vũ – Giám đốc Công ty Luật KAV Lawyers, Trọng tài viên (MCAC, TRACENT, AIAC, SHAC) đã đưa ra kiến nghị bổ sung hình thức quyết định của Trọng tài. Theo LS. Kiều Anh Vũ, pháp luật Việt Nam còn khá nhiều bất cập trong việc giám sát quyết định về thẩm quyền của Trọng tài và đưa ra một số đề xuất về chủ đề này để pháp luật Trọng tài ngày càng làm cho trọng tài hiệu quả.

Bàn về “Thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực trọng tài”, ThS. Huỳnh Đăng Hiếu – Phó Trưởng phòng Ban thư ký, Thư ký Hội đồng Khoa học VIAC đưa ra góp ý về thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực trọng tài với các đề mục như: Bất cập đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài; Bất cập liên quan đến thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện tại trọng tài.

Phiên tham luận đầu tiên kết thúc với hai bài tham luận “Hòa giải trong tố tụng trọng tài” của LS. Kiều Anh Vũ và tham luận “Trọng tài áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp” của TS. Lê Nguyễn Gia Thiện. Sau mỗi phần trình bày, GS.TS Đỗ Văn Đại đã tiến hành tổng kết lại những giá trị thảo luận đạt được và gợi mở những khía cạnh xoay quanh vấn đề đó.

PGS.TS Trần Việt Dũng tham gia bàn luận về những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo

Tại phiên thứ hai, TS. Lê Nguyễn Gia Thiện trong tham luận “Cưỡng chế thi hành Phán Quyết Trọng tài ở Việt Nam” đã chỉ ra một số hạn chế và quy định còn chưa phù hợp cho việc thực thi hiệu quả phán quyết trọng tài như: Quy định về điều kiện tổ chức cưỡng chế thi hành hay về chủ thể tổ chức cưỡng chế thi hành phán quyết trọng tài đồng thời trên cơ sở kinh nghiệm của nước ngoài đem đến những gợi ý cải thiện vấn đề này.

Tham luận “Sự việc đã được giải quyết bằng phán quyết trọng tài” của ThS. Huỳnh Đăng Hiếu đã chính thức khép lại Hội thảo. Theo tác giả, sự việc được giải quyết bằng bản án/quyết định của Tòa án đã được Bộ luật tố tụng dân sự ghi nhận giá trị pháp lý nhưng giá trị pháp lý của sự việc đã được giải quyết bằng phán quyết của trọng tài thì lại chưa có quy định tương ứng, gây không ít khó khăn cho hoạt động trọng tài, đặc biệt là việc tồn tại những quyết định với hướng giải quyết khác nhau, mâu thuẫn với nhau về cùng một vấn đề.

Tham luận “Sự việc đã được giải quyết bằng phán quyết trọng tài” của ThS. Huỳnh Đăng Hiếu đã khép lại Hội thảo ngày 13/05/2022

Phát biểu tổng kết bế mạc Hội thảo, GS.TS Đỗ Văn Đại đã gửi lời cảm ơn đến quý vị khách mời đã dành thời gian tham dự cũng như tích cực xây dựng ý kiến trực tiếp tại Hội thảo. Tất cả đóng góp của quý vị học giả sẽ là nguồn động lực to lớn giúp nhóm chủ nhiệm đề tài hoàn thiện nội dung sách, cũng như thúc đẩy hệ thống Trọng tài Việt Nam ngày càng phát triển.

Tổng kết Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện Sách Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”

Sau nhiều giờ làm việc, Hội thảo đã đạt được những mục tiêu đã đề ra, đồng thời đúc kết nhiều thông tin bổ ích, thiết thực. Những chia sẻ mang tính chuyên môn, xây dựng trong buổi Hội thảo đã khai thác một cách toàn diện và sâu sắc về các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặt cơ sở vững chắc cho nội dung sách sắp xuất bản và góp phần định hướng phát triển Trọng tài ở Việt Nam.

Nội dung: Thanh Tâm

Hình ảnh: Thanh Hoa, Lê Tiến

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top