Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nắm bắt sâu hơn về quy tắc Trọng tài SIAC 2025, làm rõ những điểm đổi mới quan trọng so với các quy định trước đây, đồng thời mang đến góc nhìn thực tiễn về tác động của những thay đổi này đối với hoạt động thương mại, đầu tư và kinh doanh, vào chiều ngày 21/3/2025, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Công ty luật TNHH YKVN tổ chức tọa đàm “Giới thiệu Quy tắc SIAC 2025 mới cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Toàn cảnh tọa đàm “Giới thiệu quy tắc SIAC 2025 mới cho doanh nghiệp Việt Nam”
Về phía trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Khoa Luật Quốc tế có sự tham dự của PGS. TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Trần Thị Thuỳ Dương - Trưởng khoa, khoa Luật Quốc tế; TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng khoa, khoa Luật Quốc tế; TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên khoa Luật Quốc tế; NCS.ThS Phan Lê Hoài - Giảng viên khoa Luật Quốc tế cùng sự tham gia của các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Nhà trường.
Về phía Công ty luật TNHH YKVN có: LS. Đăng Khải Minh - Thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore), Thành viên Tòa trọng tài SIAC; LS. Đỗ Khôi Nguyên - Thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore); LS. Phạm Minh Thắng - thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore).
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng khoa, khoa Luật Quốc tế khẳng định trọng tài quốc tế từ lâu đã là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thương mại quốc tế đầy biến động. Trong số các tổ chức trọng tài uy tín, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) luôn được đánh giá cao nhờ tính linh hoạt, minh bạch và khả năng bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Đáng chú ý, bộ Quy tắc Tố tụng Trọng tài của SIAC được xem là một trong những bộ quy tắc tiên tiến nhất. Trong năm 2025, với phiên bản mới SIAC đã tiếp tục cải tiến nhằm tối ưu hóa quy trình giải quyết tranh chấp, nâng cao hiệu quả tố tụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên khi tiếp cận trọng tài quốc tế.

TS. Phan Hoài Nam phát biểu khai mạc, mong muốn những kiến thức được cung cấp tại tọa đàm không chỉ hữu ích trong nghiên cứu và giảng dạy mà còn nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của người tham dự

Tọa đàm diễn ra với sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài quốc tế (từ trái qua phải): LS. Đỗ Khôi Nguyên; LS. Đặng Khải Minh; TS. Nguyễn Thị Hoa; LS. Phạm Minh Thắng
Xuyên suốt chương trình, các diễn giả đã lần lượt trình bày về những thay đổi quan trọng trong Quy tắc SIAC 2025 như: (i) Thủ tục ngắn gọn, một quy trình tối ưu hóa giúp doanh nghiệp xử lý tranh chấp nhanh chóng; (ii) Thủ tục đẩy nhanh, nhằm rút ngắn thời gian tố tụng, tạo lợi thế cho có giao dịch thương mại có yếu tố khẩn cấp; (iii) Quy trình trọng tài chuẩn, giúp doanh nghiệp nắm rõ từng bước khi tham gia vào một vụ kiện từ SIAC; (iv) Biện pháp khẩn cấp tạm thời, cung cấp các công cụ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước khi có phán quyết chính thức.

LS. Đặng Hải Minh - Thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore), Thành viên Tòa trọng tài SIAC chủ trì tòa đạm

TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên Khoa luật Quốc tế Trường ĐH Luật TP. HCM giới thiệu tổng quan về các nguyên tắc của SIAC 2025 như phạm vi áp dụng, quy định chung và các quy tắc cụ thể
LS. Phạm Minh Thắng – thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore) đã có những phân tích sâu sắc về “thủ tục ngắn gọn” (Expedited Procedure) trong trọng tài SIAC. LS. Phạm Minh Thắng nhấn mạnh thủ tục ngắn gọn sẽ mang lại lợi ích đáng kể, giúp rút ngắn thời gian và tối ưu hóa chi phí giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn khi áp dụng thủ tục này, do thiếu hiểu biết về cơ chế trọng tài quốc tế, thiếu kỹ năng soạn thảo hợp đồng, cũng như thiếu khả năng thích ứng với quy trình tố tụng nhanh gọn nhưng chặt chẽ của SIAC.

LS. Phạm Minh Thắng giới thiệu “thủ tục ngắn gọn” trong khuôn khổ Quy tắc SIAC 2025
Luật sư Đỗ Khôi Nguyên – thành viên nhóm Trọng tài Quốc tế (YKVN Singapore), đã chia sẻ về thủ tục đẩy nhanh (Expedited Procedure – EP) trong trọng tài SIAC. LS. Đỗ Khôi Nguyên nhấn mạnh từ khi SIAC thành lập vào năm 1991 đến năm 2010, cơ chế này chưa xuất hiện. Chỉ từ năm 2010, SIAC mới chính thức áp dụng “thủ tục đẩy nhanh” cho các tranh chấp có giá trị từ 5 triệu SGD trở xuống. Tuy nhiên, mức giới hạn này đã được điều chỉnh lên 10 triệu SGD như hiện nay. Thủ tục đẩy nhanh được thiết kế để xử lý các tranh chấp phức tạp với giá trị từ 1 triệu SGD đến 10 triệu SGD. Cơ chế này giúp tăng tốc độ giải quyết tranh chấp, giảm thời gian tố tụng mà vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong xét xử.

LS. Đỗ Khôi Nguyên lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về một số bất lợi có thể gặp phải khi áp dụng Quy tắc SIAC 2025
Với giá trị thực tiễn cao, buổi tọa đàm đã mang đến một số giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro pháp lý, tối ưu hóa chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp, đồng thời nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi trong giao dịch thương mại quốc tế. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức về trọng tài quốc tế, tọa đàm còn tạo cơ hội để các bên liên quan thảo luận sâu hơn về những thách thức và cơ hội mà Quy tắc SIAC 2025 mang lại.
Đặc biệt, những đổi mới trong Quy tắc SIAC 2025, như thủ tục rút gọn và biện pháp khẩn cấp tạm thời, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận trọng tài quốc tế dễ dàng hơn với chi phí hợp lý. Việc cập nhật các quy định mới không chỉ củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Tọa đàm đã đón nhận sự đóng góp sôi nổi từ nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Nhà trường

Toà đàm đã đón nhận sự đóng góp sôi nổi từ nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Nhà trường

BTC Tọa đàm tặng hoa tri ân các Đại biểu tham dự

Ban tổ chức Tọa đàm cùng các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Vào tối cùng ngày, các giảng viên trẻ, sinh viên Các chương trình đào tạo chất lượng cao và Khoa Luật Quốc tế cũng đã có cơ hội lắng nghe và trao đổi với Giáo sư (GS) Park Ki-Gab, GS danh dự, Trường Luật, Đại học Hàn Quốc, nguyên thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc (LHQ)
về vai trò của ILC trong giai đoạn 2012-2022 tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.


Toàn cảnh buổi trao đổi với trao đổi với Giáo sư (GS) Park Ki-Gab, GS danh dự, Trường Luật, Đại học Hàn Quốc, nguyên thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc (LHQ) về vai trò của ILC trong giai đoạn 2012-2022

Buổi tọa đàm thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia lắng nghe
Trong buổi tọa đàm, GS Park nhấn mạnh vai trò của ILC trong việc phát triển và pháp điển hóa luật quốc tế, đồng thời giới thiệu những công việc mà ILC đã và đang thực hiện trong hơn một thập niên qua cùng với những ví dụ tiêu biểu. Đặc biệt, GS Park phân tích các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình soạn thảo dự án điều ước quốc tế về Trục xuất người nước ngoài, Bảo hộ người dân trong trường hợp thảm họa, Xác định tập quán quốc tế, Xác định nội dung và hậu quả pháp lý của các quy phạm jus cogens, Các vấn đề về luật quốc tế liên quan đến mực nước biển dâng,…

GS Park nhấn mạnh vai trò của ILC trong việc phát triển và pháp điển hóa luật quốc tế
Không khí của tọa đàm rất sôi nổi. Các giảng viên trẻ và sinh viên trực tiếp tham gia trao đổi với GS, đưa ra nhiều câu hỏi thú vị, thể hiện sự năng động, tự tin cả về chuyên môn lẫn khả năng giao tiếp tiếng Anh. Buổi tọa đàm khép lại với sự thành công trọn vẹn cùng niềm mong mỏi của các bạn sinh viên được tiếp tục gặp gỡ và trao đổi với GS. Park. Nội dung tọa đàm đem lại nhiều định hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực Luật Quốc tế cho trong tương lai.


Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên

Tọa đàm đem lại nhiều định hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực Luật Quốc tế cho trong tương lai
Nội dung: Thục Quyên, Khoa Luật Quốc tế
Hình ảnh: Phương Nghi, Bích Ngân, Hứa Thảo
Ban Truyền thông Ulaw