Sáng ngày 03/7/2025, tại phòng họp A.905, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo thuộc Đề tài Khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Phòng ngừa và xử lý các tội vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”.

Toàn cảnh buổi hội thảo tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành
Tham dự hội thảo về phía khách mời gồm có: Bà Hoàng Bích Thủy - Trưởng Đại diện của Tổ chức WCS Việt Nam, Ông Phạm Thành Trung - Quản lý Chương trình của Tổ chức WCS Việt Nam; TS. Trịnh Duy Thuyên - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Về phía Khoa Luật Hình sự gồm có: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự, PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, Chủ nhiệm đề tài; TS. Phạm Thái - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, cùng các thầy cô là giảng viên Khoa Luật Hình sự, nghiên cứu sinh, học viên cao học.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, Chủ nhiệm đề tài trình bày tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài và lý do tổ chức Hội thảo. Ông kỳ vọng ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người làm công tác thực tiễn sẽ giúp nhóm tác giả phát hiện, khắc phục những điểm hạn chế và qua đó nâng cao chất lượng khoa học của đề tài.

PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự phát biểu khai mạc tại hội thảo
Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự trình bày tham luận với chủ đề: “Tình hình các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam”. Theo đó, số lượng vụ án và bị can bị khởi tố liên quan đến các tội phạm về động vật hoang dã vẫn gia tăng qua từng năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và xử lý. Đáng chú ý, hành vi phạm tội khá đa dạng, được thực hiện với nhiều phương pháp, thủ đoạn khác nhau và đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ án thường tập trung tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Vì vậy, cần ưu tiên triển khai các giải pháp phòng ngừa tại những địa phương này.

PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự trình bày tham luận đầu tiên với chủ đề: “Tình hình các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam”
Tiếp nối chương trình, ThS. Đinh Hà Minh - Giảng viên Khoa Luật Hình sự đã trình bày tham luận với chủ đề: “Nguyên nhân và điều kiện của các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam”. Nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Trước hết đó là nhu cầu tiêu thụ cao, lợi nhuận lớn nhưng rủi ro bị phát hiện thấp. Bên cạnh đó, các nguyên nhân văn hóa, tâm lý - xã hội như tập quán, tín ngưỡng, quan niệm sai lầm về tác dụng chữa bệnh, cùng với sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng góp phần đáng kể. Các điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý, đa dạng sinh học cao, sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ, cùng tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ, tiêu cực, tham nhũng... cũng là những yếu tố tạo điều kiện cho cho việc thực hiện các tội phạm này.

ThS. Đinh Hà Minh - Giảng viên Khoa Luật Hình sự đã trình bày tham luận với chủ đề: “Nguyên nhân và điều kiện của các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam”
Kết thúc phiên thứ nhất, PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự đã trình bày tham luận “Chính sách, pháp luật Việt Nam về phòng ngừa các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Theo quan điểm của tác giả, chính sách phòng ngừa vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã được quy định rải rác, tản mạn trong nhiều văn kiện qua từng giai đoạn. Các văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng với mục đích chính không phải tập trung vào việc phòng, chống các tội phạm về động vật hoang dã nên hiệu quả phòng ngừa không cao do thiếu các quy định cụ thể về nguyên tắc, chủ thể và biện pháp phòng ngừa.

PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự trình bày tham luận “Chính sách, pháp luật Việt Nam về phòng ngừa các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”
Mở đầu phiên thứ hai của Hội thảo, NCS.ThS. Phan Thị Phương Hiền trình bày tham luận với chủ đề: “Pháp luật hình sự Việt Nam về xử lý các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Theo nhóm tác giả, quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt tại Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể, quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự còn hạn chế trong kỹ thuật lập pháp, nhất là về vị trí của điều luật và mức định lượng tối thiểu để định tội. Trong khi đó, quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo được tính công bằng trong phân hóa trách nhiệm hình sự.

NCS.ThS. Phan Thị Phương Hiền trình bày tham luận với chủ đề: “Pháp luật hình sự Việt Nam về xử lý các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”
Tiếp theo, NCS.ThS. Đinh Văn Đoàn đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về giải quyết các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Tham luận tập trung phân tích những hạn chế của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về một số chế định có liên quan như thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm; thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giám định; định giá tài sản; bảo quản và xử lý vật chứng; hợp tác quốc tế trong xử lý các vụ án hình sự về động vật hoang dã. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

NCS.ThS. Đinh Văn Đoàn đại diện nhóm tác giả trình bày về tham luận “Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về giải quyết các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”
Cuối cùng, ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày tham luận với chủ đề: “Pháp luật và thực tiễn Trung Quốc về phòng ngừa, xử lý các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Hệ thống pháp luật và thực tiễn về phòng ngừa, xử lý các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc được đánh giá là khá đa dạng, có nhiều điểm nổi bật nhưng cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Về mặt tích cực, Trung Quốc đã xây dựng một khung pháp lý đồ sộ, có tính răn đe cao, bám sát thực tiễn và tập trung vào gốc rễ của tội phạm. Về mặt hạn chế, số lượng quy định quá đồ sộ gây nên tình trạng thiếu đồng bộ và nhất quán, đặc biệt là trong khâu thực thi giữa trung ương và địa phương.

ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày tham luận với chủ đề: “Pháp luật và thực tiễn Trung Quốc về phòng ngừa, xử lý các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”
Bên cạnh các phiên chính của hội thảo, phiên thảo luận cũng diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều ý kiến, đóng góp trao đổi về nội dung các tham luận được trình bày.

TS. Lê Nguyên Thanh - Giảng viên Khoa Luật Hình sự đóng góp ý kiến, trao đổi trong phiên thảo luận

TS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh - Trưởng Bộ môn Tội phạm học Khoa Luật Hình sự trao đổi, góp ý trong phiên thảo luận

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự đóng góp ý kiến, trao đổi trong phiên thảo luận

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự đóng góp ý kiến, trao đổi trong phiên thảo luận
Sau gần bốn giờ làm việc, hội thảo đã thu được nhiều ý kiến, đóng góp quan trọng, có ý nghĩa cho việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ.
Nội dung: Thuỳ Linh
Hình ảnh: Mai Khánh
Ban Truyền thông ULaw