Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo cấp khoa “Vận dụng những nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào việc giảng dạy các môn khoa học cơ bản”

Với mục đích cập nhật kịp thời vào hoạt động giảng dạy những quan điểm, nhận thức và định hướng mới của Đảng đã đề ra trong Đại hội toàn quốc lần thứ XIII nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới, sáng ngày 11/5/2022 tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Khoa học cơ bản (KHCB) Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Vận dụng những nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào việc giảng dạy các môn Khoa học cơ bản”.

Hội thảo đón tiếp sự tham dự của TS. Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng khoa KHCB với vai trò là chủ toạ, TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng khoa KHCB cùng toàn bộ các cán bộ, giảng viên thuộc Khoa KHCB.

Toàn cảnh các giảng viên Khoa Khoa học cơ bản tham gia Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ts. Nguyễn Quốc Vinh khẳng định Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nghị quyết thể hiện sự đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng giữa lý luận và thực tiễn, kế thừa, phát huy đồng thời xây dựng những mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược phát triển đất nước giai đoạn mới. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Vinh chỉ ra sự cần thiết phải vận dụng các nội dung cơ bản của Nghị quyết đại hội XIII của Đảng vào các môn học thuộc Khoa, đặc biệt là các môn Lý luận chính trị, trong đó giảng viên không chỉ  có chuyên môn vững vàng, phương pháp giảng dạy hiện đại mà còn phải biết vận dụng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào từng nội dung bài giảng để gắn kết lý luận với thực tiễn cũng như định hướng chính trị vững vàng cho người học trong tình hình mới.

Buổi Hội thảo diễn ra sổi nổi với đa dạng các tham luận xoay quanh vấn đề liên quan đến các bộ môn giảng dạy của Khoa KHCB, chẳng hạn như bài tham luận “Những điểm mới về kinh tế trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần cập nhật cho sinh viên trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” của ThS. Trần Ngọc Anh; bài tham luận “Phương hướng và cách thức vận dụng, lồng ghép một số điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh” của ThS. Nguyễn Hoài Đông cùng nhiều bài tham luận nổi bật khác đến từ các giảng viên thuộc khoa.  

Bài tham luận mở đầu Hội thảo đến từ TS. Nguyễn Thanh Hải của Tổ bộ môn Lý luận chính trị với chủ đề “Một số điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII về dân chủ, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng vào giảng dạy học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học”. Theo đó, TS. Nguyễn Thanh Hải đã đưa ra những cách tiếp cận mới trong quan điểm của Đảng về dân chủ và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, trong Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta bổ sung luận điểm “dân giám sát, dân thụ hưởng”  vào phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” qua đó thể hiện vai trò chủ thể và vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.  Từ hai luận điểm được bổ sung trên, TS. Nguyễn Thanh Hải cho rằng khi giảng dạy bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên cần phải làm rõ quan điểm “dân giám sát, dân thụ hưởng” để làm sáng tỏ hơn nữa quan điểm “dân là chủ, dân làm chủ”.

TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng khoa KHCB trình bày tham luận “Một số điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII về dân chủ, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng vào giảng dạy học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học”

Tiếp nối những quan điểm lý luận của tác giả, TS. Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng khoa KHCB nhận định những vấn đề mà tác giả đưa ra là phù hợp với tinh thần chung của Hội thảo và bám sát thực tiễn giảng dạy bộ môn tại trường. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Vinh chỉ ra những khó khăn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ngày nay, khi thế giới có nhiều biến động, sinh viên tiếp cận với nhiều nguồn thông tin cả chính thống và không chính thống,... đòi hỏi vai trò to lớn của giảng viên trong việc giúp người học duy trì và phát huy những giá trị cao đẹp, trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, giảng viên cần có sự giải đáp kịp thời, định hướng đúng đắn sát với thực tiễn về nguyên tắc tập trung dân chủ của quốc gia một Đảng lãnh đạo như nước ta khi người học đưa ra những thắc mắc kiểu đối sánh như tính dân chủ trong chế độ một đảng của chúng ta và chế độ đa đảng ở một số quốc gia khác có gì khác nhau. Tác giả cũng nhấn mạnh việc vận dụng những đường lối, quan điểm mới của Nghị quyết XIII đến người học không chỉ là câu chuyện truyền bá nội dung Nghị quyết, mà phải biến những nội dung vận dụng thành hành động cách mạng cụ thể, góp phần củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị vững vàng cho người học.

TS. Nguyễn Quốc Vinh – Chủ toạ Hội thảo đóng góp ý kiến để hoàn thiện các bài tham luận

Bài tham luận thứ hai với chủ đề “Vận dụng quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh” của TS. Trần Thị Rồi đề xuất hai ý kiến áp dụng và quán triệt quan điểm từ Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tế giảng dạy, cụ thể là (1) Lồng ghép quan điểm của Đại hội XIII trong giảng dạy kiến thức môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo (2) Thực hiện phương pháp giảng dạy, kiểm tra môn học tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên.

TS. Trần Thị Rồi với bài tham luận “Vận dụng dụng quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh”

Nổi bật trong buổi Hội thảo, bài tham luận của TS. Lê Thị Hồng Vân với chủ đề “Vai trò của văn hoá là nền tảng của sự phát triển” đã thu hút được nhiều sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các học giả. Trong bài tham luận của mình, tác giả nhấn mạnh Đảng ta luôn nhất quán quan điểm coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực của sự phát triển bền vững. Tác giả cho rằng kinh tế là yếu tố quyết định sự tiến bộ của văn hoá, một khi đã có sự thoả mãn về điều kiện vật chất, hiển nhiên văn hoá cũng ngày một đi lên.

Cũng trong phần tham luận trên, TS. Lê Thị Hồng Vân đã chỉ thực trạng báo động về sự xuống cấp văn hoá ở nước ta hiện nay. Tác giả dẫn chứng hàng loạt các bài báo chính thống với tiêu đề phản ánh thực trạng “suy dinh dưỡng” văn hoá và từ thực trạng đó là nguyên nhân cho sự gia tăng tỷ lệ phạm tội trong nước. Vì thế, tác giả đưa ra nhận định rằng việc giảng dạy môn văn hoá ngoài sự truyền tải suông về lý thuyết còn luôn phải gắn liền với việc giáo dục nhân cách con người.

TS. Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh rằng việc giảng dạy môn văn hoá ngoài sự truyền tải suông về lý thuyết còn luôn phải gắn liền với việc giáo dục nhân cách con người

PGS.TS Phạm Đình Nghiệm tham gia trao đổi, thảo luận về chủ đề “Vai trò của văn hoá là nền tảng của sự phát triển”

Đồng thuận với quan điểm của tác giả, TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết trong quá trình giảng dạy, các giảng viên cần phải đưa ra, làm rõ và nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Để làm được điều đó, cần có sự tìm hiểu thực tế để rút ra các kiến thức lý thuyết từ đó áp dụng đưa các dẫn chứng “sống” vào giảng dạy các bộ môn KHCB. “Gạc đục khơi trong” tìm ra thực tiễn tốt đẹp giữa những vấn đề gây bức xúc để làm minh chứng từ đó giáo dục, bồi dưỡng “văn hoá” một cách hiệu quả hơn.

TS. Nguyễn Thanh Hải đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng

Sau hơn hai giờ đồng hồ diễn ra, Hội thảo đã đón nhận sự hưởng ứng tích cực từ phía khách mời cũng như giải quyết được các vấn đề được đặt ra xoay quanh chủ đề chính. Khi phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Quốc Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận dụng hiệu quả, triệt để các quan điểm từ các bài tham luận vào việc giảng dạy các môn học thuộc Khoa KHCB. Ngoài ra, về phương pháp giảng dạy, cần phải có sự bám sát với văn kiện của Đại hội XIII và trên tinh thần luôn đề cao tính tự phát huy, tự nghiên cứu của sinh viên.

Nội dung: Thu Nguyệt

Hình ảnh: Lê Tiến, Diễm Quỳnh

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top