Nhóm nghiên cứu Ulaw tham dự Hội thảo thường niên lần thứ 19 của Viện Luật Á Châu (Asian Law Institute)

Ngày 28 và 29 tháng 05 năm 2022, trong khuôn khổ của Đề tài nghiên cứu cơ bản cấp quốc gia “Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Trường Đại học Luật TP. HCM là tổ chức chủ trì,  ThS. NCS. Trần Thanh Tâm, ThS. NCS. Huỳnh Quang Thuận và ThS. Trần Hoàng Tú Linh đã có bài tham luận được lựa chọn báo cáo tại Hội thảo thường niên lần thứ 19 của Viện Luật Á Châu “Sustainable Development and Law in Asia” được chủ trì bởi Đại học Tokyo, Nhật Bản. Hội thảo xoay quanh các vấn đề pháp lý phát sinh từ các lĩnh vực về tài chính ngân hàng, cạnh tranh, quyền con người, trọng tài quốc tế và giải quyết tranh chấp, hợp đồng, lao động. ThS. NCS. Trần Thanh Tâm và ThS. Trần Hoàng Tú Linh là 2 trong số 5 học giả Việt Nam trên tổng số 169 học giả và người làm thực tiễn đến từ 31 các quốc gia và vùng lãnh thổ được lựa chọn trình bày tại Hội thảo. Cả hai bài tham luận đã thu hút được sự chú ý và thảo luận của các chuyên gia và học giả đến từ trong và ngoài nước.

Ngày 28/05/2022, ThS. NCS. Trần Thanh Tâm đã trình bày bài tham luận ‘The  CISG in Vietnam: The issue of applicability’ trong phiên thảo luận về pháp luật hợp đồng dưới sự điều phối của GS. Akira Kimo của Đại học Tokyo. Bài tham luận tập trung phân tích và đánh giá việc áp dụng CISG thông qua thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài tại Việt Nam. Kết quả tham luận đã chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa thực tiễn xét xử tại Việt Nam và quốc tế, đặt ra những vấn đề về áp dụng và giải thích CISG thống nhất tại Việt Nam sau thời điểm 05 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực tại Việt Nam.

Ngày 29/05/2022, trong phiên thảo luận về trọng tài quốc tế được điều phối bởi GS. Haruo Hirano của Đại học Tokyo, ThS. Trần Hoàng Tú Linh đã đại diện nhóm tác giả trình bày bài tham luận “The Possibility of Recognizing Third-Party Funding in Commercial Arbitration in National Law of Developing Countries: The Vietnamese Perspectives”. Sau khi trình bày một số định nghĩa về tài trợ bên thứ ba (third-party funding) hiện đang được ghi nhận, chia sẻ bức tranh tổng thể về cách thức các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới điều chỉnh cơ chế tài trợ bên thứ ba, ThS. Trần Hoàng Tú Linh đã nêu thực trạng tài trợ bên thứ ba tại Việt Nam đồng thời đánh giá khả năng ghi nhận cơ chế này trong pháp luật quốc gia.

 

Đề tài nghiên cứu do GS.TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm với sự tham gia của các giảng viên của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, NCS.ThS. Huỳnh Quang Thuận - Giảng viên Khoa Luật Dân sự, và ThS. Trần Hoàng Tú Linh - Giảng viên Khoa Luật Thương mại) và của Trường Đại học Ngoại thương (PGS.TS. Ngô Quốc Chiến - Giảng viên khoa Luật cơ sở Hà Nội và NCS.ThS. Trần Thanh Tâm - Giảng viên của cơ sở Tp. Hồ Chí Minh).

Viện Luật Á Châu (ASLI) được thành lập năm 2003 thông qua nỗ lực của một số trường luật hàng đầu châu Á nhằm thúc đẩy các nghiên cứu về pháp lý châu Á và tạo ra sự kết nối giữa các học giả pháp lý ở châu Á cũng như các học giả pháp lý bên ngoài châu Á đang nghiên cứu về pháp luật châu Á. ASLI có mười sáu trường thành viên sáng lập—là những trường luật hàng đầu ở châu Á. Mỗi năm, ASLI tổ chức một trong những hội thảo thường niên lớn nhất về pháp luật châu Á. 
--%>
Top