Nhóm nghiên cứu của Ulaw tham gia Hội thảo quốc tế về trọng tài được tổ chức bởi Đại học Nagoya, Nhật Bản

Với sự tài trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), từ tháng 6/2020, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đã triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu cơ bản “Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, mã số 505.01-2020.02. Đây là đề tài cấp quốc gia và là đề tài NAFOSTED đầu tiên Trường Đại học Luật TP. HCM là tổ chức chủ trì.

Đề tài có sự tham gia của các giảng viên đến từ Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, TS. Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, NCS.ThS. Huỳnh Quang Thuận - Giảng viên Khoa Luật Dân sự, và ThS. Trần Hoàng Tú Linh - Giảng viên Khoa Luật Thương mại) và Trường Đại học Ngoại thương (PGS.TS. Ngô Quốc Chiến - Giảng viên khoa Luật cơ sở Hà Nội và NCS.ThS. Trần Thanh Tâm - Giảng viên của cơ sở TP. Hồ Chí Minh).

Ngày 20/11/2021, trong khuôn khổ của Đề tài,  PGS. TS. Đỗ Văn Đại và ThS. Trần Hoàng Tú Linh đã có bài tham luận được lựa chọn báo cáo tại Hội thảo quốc tế “Sustainable Diversity in International Arbitration” được tổ chức bởi  “Decolonizing Arbitration” Research Unit của trường Đại học Nagoya, Nhật Bản với sự hỗ trợ của Khoa Luật – trường Đại học Hong Kong, Khoa Luật và Hành chính – trường Đại học Adam Mickiewicz và Khoa Luật – trường Đại học Queen’s. Hội thảo với sự tham gia của các học giả và người làm thực tiễn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh trọng tài quốc tế gồm các chủ đề cụ thể: Perspectives on Diversity, Cultural Competence, Restional and National Perspectives, The Roles of Insitutions, New Methodological and Theoretical Approaches và Investment Arbitration and Diversity.

Hội thảo được tổ chức bởi trường Đại học Nagoya, Nhật Bản cùng với sự hỗ trợ của các cơ sở đào tạo luật uy tín khác

Bài tham luận “Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards: The Vietnamese Approach” của PGS. TS. Đỗ Văn Đại và ThS. Trần Hoàng Tú Linh làm rõ một số điểm đặc thù của Việt Nam trong việc giải thích Công ước của Liên hiệp quốc về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài năm 1958. Cụ thể, bài tham luận phân tích khả năng công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài một phần, quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay phán quyết của trọng tài nước ngoài nhưng địa điểm giải quyết tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài tham luận làm rõ đặc thù của Việt Nam về thủ tục như thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành, cơ quan có thẩm quyền công nhận và cho thi hành, điều kiện về sự hiện diện của người phải thi hành hay hiệu lực của quyết định về công nhận và cho thi hành ở Việt Nam. Cuối cùng, bài tham luận chia sẻ một số cách hiểu/vận dụng các căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo quy định của Công ước ở Việt Nam như khi thoả thuận trọng tài do người không có quyền đại diện xác lập, người phải thi hành không được thông báo hợp lệ, phán quyết trái với nguyên tắc cơ bản của Việt Nam.

Bài tham luận của PGS.TS Đỗ Văn Đại và ThS. Trần Hoàng Tú Linh được trình bày tại Hội thảo

Với sự hướng dẫn của PGS. TS. Đỗ Văn Đại, ThS. Trần Hoàng Tú Linh đã thay mặt nhóm tác giả trình bày tham luận tại Hội thảo (qua nền tảng Zoom) và cùng với TS. Nguyễn Thị Hoa và NCS. ThS. Trần Thanh Tâm tham gia trao đổi cũng như thảo luận với các học giả có tham luận trình bày đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Hong Kong, Đại học Ankara Hacı Bayram Veli (Thổ Nhĩ Kỳ), Đại học City University of London (Anh Quốc). Phiên thảo luận được điều phối bởi TS. LS. Filip Balcerzak đến từ Đại học Adam Mickiewicz (Ba Lan).

Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom

Phiên thảo luận đượcđiều phối bởi TS. LS. Filip Balcerzak đến từ Đại học Adam Mickiewicz (Ba Lan)

Bài viết, hình ảnh: Nhóm nghiên cứu

Tổng hợp: Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top