Hội thảo “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam – Nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa, xã hội”

Với mục đích đánh giá lại những tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam nhìn từ các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội đồng thời định hướng kinh nghiệm, đề ra các giải pháp cho thời gian sắp tới, vào sáng ngày 01/7/2022, tại phòng họp A905, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam – Nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa, xã hội”.

Hội thảo có sự tham gia của TS. Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng Khoa Khoa học cơ bản; TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng Khoa Khoa học cơ bản cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản.

Toàn cảnh buổi Hội thảo 

Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Vinh trình bày bức tranh chung của thế giới trong thời kỳ Covid-19 đã xuất hiện và lan rộng tới hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ và từ một cú sốc y tế, đại dịch đã liên tiếp tạo ra những cú sốc về kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn cầu. Có thể thấy, sự bùng phát và hậu quả của đại dịch lần này là chưa từng có. Sự tấn công tổng lực của đại dịch trên các khía cạnh của đời sống cho thấy một thế giới mà chúng ta đang sống đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần đến các giải pháp mang tính thích ứng với tình hình mới và có thể ứng phó trong tương lai.  

TS. Nguyễn Quốc Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo

Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi với đa dạng các tham luận xoay quanh vấn đề tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam, từ góc nhìn chuyên môn của các giảng viên như chủ trương đường lối của Đảng, kinh tế, văn hóa, tâm lý, xã hội,…

Bài tham luận của TS. Nguyễn Thanh Hải mở đầu hội thảo với chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 và vấn đề an sinh xã hội đối với lực lượng lao động di cư ở nước ta” đã chỉ ra chính sách an sinh xã hội đối với lực lượng lao động di cư có ý nghĩa rất cấp bách trong thời điểm hiện tại. Lực lượng lao động có vai trò vô cùng quan trọng trong lực lượng sản xuất ở các nước công nghiệp và các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, tác giả đã đưa ra các phương án đẩy mạnh an sinh xã hội như các cấp chính quyền phối hợp với nhau để tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tham gia hỗ trợ kinh phí và nhân lực trong việc đào tạo lại, đào tạo mới chuyên môn...; Các ý kiến thảo luận thể hiện sự quan tâm đến vấn đề, có thể kể đến như: ý kiến của PGS. TS. Phạm Đình Nghiệm ghi nhận sự công phu trong tập hợp các số liệu thống kê của tác giả và chỉ ra một số băn khoăn về các tiêu chí phân loại lao động nhập cư, ý kiến của TS. Trần Thị Rồi từ những trải nghiệm thực tế đưa ra những giải pháp xây dựng, điều chỉnh để các chính sách an sinh xã hội phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và đến được đúng đối tượng người dân.

Ở góc độ tác động của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân, ThS. Đặng Thị Thanh Phúc chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đến sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân nói chung và vai trò của các tổ chức truyền thông cũng như các tổ chức tư vấn, các câu lạc bộ thể thao trong việc hỗ trợ người dân nhằm xóa bỏ sự kỳ thị xã hội, nâng cao sức khỏe thể chất và hạn chế những cú sốc tâm lý trong và sau các đợt dịch bùng phát, những yếu tố có thể dẫn đến những căng thẳng và bất ổn xã hội.

PGS.TS Phạm Đình Nghiệm tham gia trao đổi, thảo luận về chủ đề “Tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tâm lý người dân”

TS. Nguyễn Thanh Hải trình bày về phần tham luận của mình

Để giữ gìn sự ổn định trong một thời kỳ đầy biến động và nâng cao năng lực thích ứng, vượt khó của mỗi một người dân trong đại dịch, tham luận của TS. Trần Thị Rồi và TS. Lê Thị Hồng Vân chỉ ra những “cơ hội” từ đại dịch Covid-19 để định hướng sinh viên có nhận thức, giữ gìn, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc thiên tai, dịch bệnh, đất nước khó khăn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến trao đổi về cách thức giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với quan điểm biến thách thức thành cơ hội cũng được trình bày tại Hội thảo. Cụ thể, ThS. Nguyễn Hoài Đông đã có sự chia sẻ về cách thức sử dụng kênh Youtube để hỗ trợ người học tiếp cận với nền tảng kiến thức hiệu quả hơn. ThS. Lê Thị Trường Giang chia sẻ thông tin về những chương trình đào tạo trực tuyến mới nhằm thích ứng và chủ động cho hoạt động giảng dạy với nhiều biến động mới.  

TS. Trần Thị Rồi đóng góp ý kiến trong Hội thảo

Sau ba giờ đồng hồ diễn ra các ý kiến trình bày cũng như thảo luận, tranh luận sôi nổi trong Hội thảo đã góp phần nêu lên bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của Covid-19 đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là với ngành giáo dục. Hội thảo cũng ghi nhận cũng như đánh giá sự cố gắng, sáng tạo trong giảng dạy của tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa nhằm thích ứng với tình hình mới và đủ khả năng chủ động ứng phó những vấn đề tương tự có thể diễn ra trong tương lai. 

Nội dung: Khoa Khoa học cơ bản, Hương Quỳnh

Hình ảnh: Tân Hưng

Ban Truyền thông Ulaw


--%>
Top