Sau 10 năm thi hành, Luật Thanh tra đã bộc lộ nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi phải có thêm những sự sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì vậy, sáng ngày 26/11/2021, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được diễn ra theo hai hình thức: trực tiếp tại hội trường A1002 và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức: trực tuyến và trực tiếp
Hội thảo đã đón nhận 31 bài tham luận và sự tham gia của nhiều chuyên gia có uy tín trong và ngoài trường cùng các nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn đến từ các cơ sở giáo dục đại học, Thanh tra các tỉnh, các Sở, UBND các cấp, các Nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM. Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ; ông Vũ Văn Long, Phó Chánh Thanh tra – Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 – Thanh tra Chính phủ và TS. Nguyễn Xuân Thành, Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam Báo Thanh tra.
Về phía Thanh tra Chính phủ có sự hiện diện của: TS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh Tra Chính phủ, TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức – Viện Khoa học và Chiến lược Thanh tra - Thanh tra Chính phủ; Bà Nguyễn Minh Thùy, Thanh tra viên chính, Vụ Giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra – Thanh tra Chính phủ và ThS. Nguyễn Thị Hạnh – GV- TTVC, Khoa Nghiệp vụ Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra – Thanh tra Chính phủ.
Về phía các Bộ, Thanh tra Bộ là sự tham gia của Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Xây dựng phụ trách phía Nam; TS. Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng phòng Nghiệp vụ Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; ThS. Nguyễn Chiến Thắng - Đại diện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phía Nam; ông Phạm Xuân Anh - Phó Trưởng phòng Giám sát và xử lý sau thanh tra - Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Biên Tập báo Xây dựng.
Lãnh đạo Thanh tra các Sở có sự tham dự của Bà Huỳnh Thị Lan - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng; ThS. Nguyễn Thị Đào - Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương; ông Lê Sơn Hà - Thanh tra viên, Sở Thông tin truyền thông Tp.HCM.
Bên cạnh đó là sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học: ông Lữ Thành Trung - Trưởng Phòng Thanh tra Đào tạo, Đại học Sư phạm Tp.HCM; bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Thanh tra – pháp chế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Tp.HCM.
Về phía Trường ĐH Luật TP.HCM có sự hiện diện của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TP.HCM và PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định tầm quan trọng của Luật thanh tra trong việc quản lý nhà nước, thực hiện trật tự kỉ cương, tăng cường hiệu quả hoạt động hành chính nhà nước, ổn định kinh tế xã hội và góp phần lớn vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên. PGS.TS cũng cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật thanh tra đã bộc lộ những bất cập trên phương diện thuật ngữ, mô hình tổ chức thanh tra, vấn đề thanh tra chuyên ngành hành chính, vấn đề liên quan đến định hướng thanh tra và kết thúc thanh tra. Vì điều này, Hội thảo rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp, bài tham luận từ chuyên gia và cá nhân có quan tâm nhằm tạo lập một diễn đàn trao đổi về việc sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra trong thời gian tới.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu ý kiến chỉ đạo về Hội thảo. Ông đánh giá cao nỗ lực của Trường ĐH Luật TP. HCM trong việc thiết kế sáng kiến và tổ chức thực hiện Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Có thể thấy, trải qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến hiện tại Luật Thanh tra đã đứng trước nhu cầu phải sửa đổi khi đối diện với những thách thức, đòi hỏi, bức xúc của thực tiễn. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục thì nhiều văn bản pháp luật ra đời đòi hỏi pháp luật thanh tra cũng phải có sự điều chỉnh để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ. Ông cho rằng nội dung có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục là thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học cũng như thanh tra, kiểm tra các kỳ thi lớn của quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Vị thế, vai trò của hoạt động thanh tra nội bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các cơ sở giáo dục đại học nói riêng là rất quan trọng, đặc biệt trong xu thế tự chủ đại học hiện nay. Luật Giáo dục đại học sửa đổi hiện tại đã bãi bỏ quy định về thanh tra mà đưa về cho pháp luật chuyên ngành là pháp luật thanh tra quy định. Vì vậy, ông cho rằng khi soạn thảo Dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ cần có những quy định theo hướng xác định rõ vị trí, vai trò của thanh tra nội bộ, ghi nhận minh thị về thanh tra nội bộ làm cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động này trên thực tế đi vào khuôn khổ và có hiệu quả. TS. Nguyễn Đức Cường cũng đánh giá cao việc tham dự, đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan khác nhau từ Thanh tra Chính phủ đến các bộ, ngành, các sở và các địa phương khác nhau.
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc hội thảo
TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu trình bày ý kiến chỉ đạo
Hội thảo được diễn ra trong hai phiên với 6 bài tham luận tập trung vào 5 chủ đề: (i) Sự cần thiết của việc sửa đổi bổ sung luật thanh tra; (ii) Thảo luận về các quy định về Luật thanh tra; (iii) Hiệu quả thực tiễn của các quy định Luật thanh tra; (iv) Đề xuất kiến nghị giải pháp cụ thể để sửa đổi luật thanh tra; và (v) Góp ý cho dự Luật thanh tra sửa đổi.
Ban chủ tọa Hội nghị Phiên một (từ trái sang) bao gồm PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường, ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó trưởng Khoa Luật hành chính – Nhà nước và TS. Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ giáo dục và Đào tạo (điều hành online)
Mở đầu phiên thảo luận, TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã trình bày những chính sách lớn trong Dự thảo Luật thanh tra sửa đổi bao gồm các nội dung như sau: Xác định rõ thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; Tổ chức sắp xếp lại các cơ quan thanh tra, kiểm tra; Đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thẩm quyền của bộ trưởng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với từng chính sách được đưa ra, TS. Trần Văn Long đều đưa ra những phân tích thực tiễn, chỉ ra những bất cập và đề xuất các phương hướng sửa đổi cải thiện.
Với bài tham luận liên quan đến cấu trúc của Luật Thanh tra, ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM đã trình bày 5 vấn đề chính bao gồm: (i) Vấn đề giữa luật thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; (ii) Kiến nghị đưa chế định thanh tra nhân dân ra khỏi Luật thanh tra; (iii) Kiến nghị về vấn đề thanh tra lại; (iv) Kiến nghị về vấn đề thanh tra nội bộ; và (v) Kiến nghị phân biệt rõ giữ thanh tra và kiểm tra. Những nội dung trên đều được ThS. Nguyễn Văn Trí phân tích dựa vào thực tiễn, chỉ ra những điểm khác biệt, cần thiết và không cần thiết cũng như đề xuất những phương pháp sửa đổi, khắc phục.
ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày bài tham luận của mình
Trong bài tham luận về “Góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010”, TS. Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp – Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh Tra Chính phủ đã trình bày một số vấn đề dưới góc độ tham mưu và nghiên cứu khoa học. Bà đã đưa ra những ý kiến về bộ máy tổ chức thanh tra tỉnh, huyện, chỉ ra những điểm còn bất hợp lý trong thực tế giữa các địa phương, sự chênh lệch về bộ máy thanh tra giữa các địa phương khác nhau cũng như trình bày những đề xuất sửa đổi cho chế định Ban tiếp công dân. Đồng thời, TS. Phạm Thị Huệ đưa ra những ý kiến về kiểm tra nội bộ và các vấn đề liên quan đến thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Ban chủ tọa Hội nghị Phiên hai (từ trái sang) bao gồm PGS.TS. Đỗ Minh Khôi – Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Việt Sơn – Phó trưởng bộ môn phụ trách Bộ môn Luật Tố tụng hành chính và TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ (điều hành online)
Mở đầu cho phiên tham luận thứ hai là bài tham luận “Hoàn thiện pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra hành chính trong Dự thảo Luật Thanh tra – Từ thực tiễn tỉnh Sóc Trăng” của Bà Châu Trần Quỳnh Trang – Thanh tra viên, Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 3, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng. Bà đã đưa ra những so sánh giữa Luật thanh tra và Dự thảo sửa đổi Luật Thanh Tra về vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra; đồng thời trình bày thực tiễn áp dụng cùng những bất cập và hạn chế còn tồn tại tại tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra được những sự chênh lệch, không thống nhất giữa Luật thanh tra và thực tiễn; từ đó đưa ra những định hướng nhằm khắc phục và sửa đổi các quy định về thanh tra và đối tượng thanh tra sao cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề quy định về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật trong hoạt động thanh tra của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), ThS. Võ Tấn Đào – Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM đã đưa ra hai vấn đề lớn: Một là, các quy định của dự thảo Luật thanh tra sửa đổi về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật trong hoạt động thanh tra”; Hai là, một số góp ý về chế định”. Trong bài tham luận của mình, ThS. Võ Tấn Đào cho rằng những quy định trong Luật thanh tra hiện hành và Dự thảo sửa đổi đã xác định được rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự thủ tục thực hiện của quy định về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật trong hoạt động thanh tra. Bên cạnh đó, ThS. đã đưa ra một số các góp ý để khắc phục được những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong thực tiễn và Dự thảo Luật thanh tra.
ThS. Võ Tấn Đào – Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày tham luận liên quan đến tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật trong hoạt động thanh tra của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Bàn về giải pháp hoàn thiện xử lý trùng lắp phạm vi thanh tra và kiểm toán Nhà nước, ThS. NCS. Trần Thị Thu Hà – Phó Trưởng bộ môn phụ trách Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và TS. Nguyễn Thị Thiện Trí – Giảng viên Khoa Luật hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM đã phân tích về những sự trùng lặp còn tồn tại trong phạm vi kiểm toán, thanh tra nhà nước giữa hai mối quan hệ: quan hệ sử dụng, quản lý tài sản công trong bộ máy nhà nước và vấn đề tham nhũng. Từ đó, hai tác giả đã đưa ra những giải pháp, nguyên tắc để giải quyết trùng lắp.
Sau mỗi bài tham luận, hội đồng chủ tọa đều tiến hành tóm tắt những nội dung mà các tác giả đã trình bày và gợi mở một số vấn đề thảo luận đối với các bài tham luận. Kết thúc từng phiên thảo luận, trên cơ sở các vấn đề được trình bày trong 06 tham luận của các tác giả và một số nội dung được gợi mở khác, các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra nhiều quan điểm mới, tích cực góp ý, bổ sung và trao đổi.
Mở đầu phần phát biểu của đại biểu và chuyên gia, ThS. Nguyễn Thị Đào, Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cho rằng: Theo Luật Tổ chức chính quyền tổ chức chính quyền địa phương, Thanh tra Sở do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, vì thế, không cần thiết phải thể hiện trong Dự thảo Luật Thanh tra theo hướng quy định cứng. Về nhân sự của Thanh tra Sở, trên thực tiễn, bên cạnh Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên, ở Thanh tra Sở còn đội ngũ công chức khác làm công tác thanh tra. Đây là những công chức được tuyển dụng, được thủ trưởng phân công làm công tác thanh tra dù chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra. Vì thế, sự tồn tại của đội ngũ nhân sự này là cần thiết từ yêu cầu của thực tiễn. Do đó, Dự thảo Luật Thanh tra nên bổ sung các công chức thực hiện hoạt động thanh tra bên cạnh Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên. Ngoài ra, số lượng người khống chế trong bộ phận thanh tra: Nghị định 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ không khống chế số người bộ phận thanh tra trong 1 sở chỉ khống chế số lượng người trong bộ phận chuyên môn. Về thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra, theo quy định của Dự thảo, nếu quy về thẩm quyền của Uỷ ban nhân ban hành chung kế hoạch thanh tra sẽ dẫn đến rất khó thực hiện, điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện. Bà cũng nêu ý kiến cần điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Thanh tra Sở do Thanh tra Bộ định hướng sẽ phù hợp hợp hơn với Thanh tra tỉnh hướng dẫn có thể xảy ra trùng lấp giữa Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh.
PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng uỷ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM đánh giá Luật Thanh tra nên xác định lại bản chất của thanh tra, vị trí của thanh tra trong bộ máy nhà nước, mục đích của thanh tra. Dự thảo đã thể hiện sự lúng túng của Ban soạn thảo trong xác định vị trí của thanh tra. Cơ quan thanh tra nên là bộ phận giúp việc của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, là cánh tay nối dài của cấp trên. Để khắc phục lạm quyền của cơ quan thanh tra, cần xác định rõ căn cứ ban hành quyết định thanh tra, đối tượng thanh tra.
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ý kiến: Điều 9 của Dự thảo Luật có 02 khái niệm về thanh tra và kiểm tra nhưng chưa có sự tách biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; thanh tra là thiết chế của nhà nước nên cần có cơ quan thực hiện. Kiểm tra là chức năng của quản lý. Về tổ chức, thanh tra nhân dân nên tách khỏi Luật Thanh tra.
Ông Phạm Xuân Anh, Phó Trưởng phòng Giám sát và xử lý sau thanh tra – Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng Dự thảo Luật Thanh tra chưa đúng với tinh thần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra lần này là vẫn giữ Thanh tra huyện. Ngoài ra, nếu thanh tra chuyên ngành theo Dự thảo Luật thanh tra sẽ dẫn đến sự chồng chéo với 3 cơ quan: Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục và cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo ông, cần đưa hoạt động kiểm tra vào Luật Thanh tra hoặc cần có cơ quan chủ trì hướng dẫn hoạt động kiểm tra. Việc thẩm định kết luận thanh tra không cần thiết quy định trong Luật Thanh tra.
ThS. Nguyễn Thị Đào, Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đưa ra những quan điểm của mình sau các bài tham luận.
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho ý kiến. Theo ông, về tổ chức Thanh tra Sở, Dự thảo luật đang chậm so với thực tiễn. Thực tiễn một số Sở Giáo dục và Đào tạo không có thanh tra Sở. Nhưng trong Dự thảo luật vẫn tổ chức. Ông cho rằng cần có bộ phận thanh tra pháp chế trong các trường đại học. Vì thế, đề xuất phải có tổ chức thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học, đưa tổ chức này vào Dự thảo Luật Thanh tra. Trong cơ sở giáo dục đại học, cần có cả hoạt động thanh tra và kiểm tra. Ông cũng cho rằng cần đưa vào Luật Thanh tra về xử lý sau thanh tra.
Bà Huỳnh Thị Lan - Phó Chánh thanh tra tỉnh Sóc Trăng nêu ý kiến trên thực tế còn tồn tại nhiều chồng chéo, Dự thảo Luật chưa giải quyết chồng chéo giữa các cơ quan cùng thanh tra một đối tượng thanh tra (Thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh), đặc biệt là cơ quan thanh tra có sự khác nhau về kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Dự thảo không đề cập đến trường hợp đang có cơ quan thanh tra, đơn vị khác vào thanh tra. Việc cung cấp thông tin của đối tượng thanh tra, Dự thảo Luật Thanh tra chưa có chế tài cụ thể xử lý các trường hợp trên.
Bà Nguyễn Minh Thuỳ - Thanh tra viên chính, Vụ Giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra – Thanh tra Chính phủ cho rằng công tác giám sát, thẩm định thuộc về ý chí của người quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giám sát đã hạn chế những tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện thanh tra của Đoàn thanh tra. Đồng thời, theo bà không nên quy định thanh tra nhân dân trong Dự thảo Luật Thanh tra.
Ông Lâm Quốc Thể - Thanh tra viên chính, Đội trưởng, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau góp ý: Về thời hạn thanh tra theo Điều 51 Dự thảo nên quy định là ngày làm việc vì trên thực tế có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đối với căn cứ thanh tra, chỉ cần ghi nhận khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bỏ từ “rõ ràng”. Điều 54 Dự thảo Luật Thanh tra cần bổ sung cụm từ “và phản ánh cơ quan cấp trên theo quy định”. Ông ủng hộ quan điểm bỏ Thanh tra nhân dân khỏi dự thảo Luật Thanh tra, bổ sung quy định nên có công chức thanh tra và nhân viên khác như nhân viên theo hợp đồng lao động. Ông đồng thời cũng đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm Thanh tra Sở nhưng cần có kinh nghiệm trong công tác thanh tra và kế hoạch thanh tra không nên gửi cho đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra đột xuất.
ThS. Nguyễn Tú Anh – Phó trưởng Phòng, Phụ trách Phòng Thanh tra, trường ĐH Luật TP.HCM nêu quan điểm nên đưa thanh tra nhân dân khỏi Luật Thanh tra.Xét về mặt lý luận và thực tiễn cần thiết phải có cơ chế kiểm soát nội bộ. Chức năng thanh tra nội bộ là sự kiểm soát của thủ trưởng đối với các bộ phận trong nhà trường. Bà cũng cho rằng vai trò giải trình trước xã hội của cơ sở giáo dục đại học rất quan trọng khi tự chủ đại học, trong đó, thanh tra là khâu quan trọng, vì thế, Ban soạn thảo cần quan tâm đến chế định thanh tra trong đơn vị sự nghiệp công lập.
PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – Phó Chủ tịch Hội đồng thì nêu kinh nghiệm của Liên bang Nga về việc thiết kế tổ chức và hoạt động thanh tra. Ông cho rằng khái niệm thanh tra phải chuẩn; thanh tra nhân dân, thanh tra nội bộ không phải là hoạt động thanh tra. Luật Thanh tra chỉ điều chỉnh thanh tra nhà nước.
Sau hơn 04 giờ đồng hồ, Hội thảo cấp trường “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã phân tích rất nhiều khía cạnh của vấn đề tiềm ẩn, những bất cập trong Luật thanh tra hiện nay cũng như đưa ra rất nhiều ý kiến quan điểm, đóng góp các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn về bộ luật này.
Trước khi bế mạc Hội thảo, TS. Trần Văn Long – Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Trường ĐH Luật TP.HCM trong việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay để có những đóng góp thiết thực vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Với tư cách là thành viên Ban soạn thảo, ông sẽ ghi nhận và xem xét những kiến nghị, góp ý từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người làm công tác thực tiễn. Đồng thời, ông cho rằng việc xây dựng luật là vấn đề lựa chọn chính sách nên phải hài hòa, cân đối nhiều vấn đề. Hiện tại, Dự thảo luật phiên bản mới nhất đã tiếp cận nhiều ý kiến đa diện, nhiều chiều. Đối với hoạt động thanh tra và kiểm tra, mục tiêu ban đầu của Ban soạn thảo là để thanh tra được chuyên nghiệp hơn nên phân định thanh tra và kiểm tra trong Dự thảo luật. Tuy vậy, sau đó,trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Dự thảo luật hiện tại đã không quy định về kiểm tra. Đối với Thanh tra nhân dân, hiện tại trong Dự thảo mới nhất đã bỏ chế định này.
Phát biểu bế mạc buổi Hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải tổng kết lại các kết quả đạt được trong phiên thảo luận vừa rồi; đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các vị khách mời cũng như thành viên của Ban tổ chức chương trình vì những đóng góp quý báu trong công tác tổ chức Hội thảo.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Nội dung: Tường Vi, Thảo Phạm, BTC Hội thảo
Hình ảnh: Ngọc Thắng, Quang Huy, Hồng Ngọc
Ban Truyền thông Ulaw