GS.TS. Mai Hồng Quỳ: "Giáo viên phải là bậc thầy về nhân cách"

Truyền thống của Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo”. Quan niệm, góc nhìn có thể thay đổi theo thời gian nhưng dù thế nào, thầy cô vẫn là người đưa đò, người nhận lãnh một sứ mệnh và trách nhiệm. Cái “nghiệp” đó cần được sinh viên và xã hội tôn vinh, coi trọng.

Mỗi năm, khi mùa Hiến chương lại về, cùng với cái se lạnh của tiết trời đang trở mình từ thu sang đông, trong sâu thẳm trái tim mỗi người đều có những nhịp đập thổn thức, hoài niệm, tri ân... Ai cũng phải trải qua tuổi thơ, thời hoa niên, cắp sách nên ký ức tuổi học trò không dễ nhạt phai thì chắc hẳn, những người tiếp tục sứ mệnh "truyền thống giáo dục vẻ vang" sẽ còn nhiều nỗi niềm, hoài bão...

Hướng tới Kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016), cũng là dịp Ban Truyền thông ra mắt chuyên mục "Gương mặt ULaw" trên website https://www.hcmulaw.edu.vn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM. Và đây, những chia sẻ của "thuyền trưởng" trung tâm đào tạo pháp lý hàng đầu khu vực phía Nam khiến ta thấu hiểu hơn về sự nghiệp của những "người đưa đò vĩ đại".

 


NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM (Ảnh: Hiệp Trần)

 

Lựa chọn nghề giáo cũng là sự hy sinh

Thưa cô, mỗi mùa Hiến chương về luôn mang lại nhiều cảm xúc không chỉ ở các thế hệ học trò mà còn là ngày cộng hưởng niềm vui của các thầy cô. Sau một thời gian dài công tác trong môi trường giáo dục, cô cảm nhận như thế nào về sự khác biệt giữa tình thầy trò ngày ấy và bây giờ theo dòng chảy thời gian?

GS.TS Mai Hồng Quỳ: Giáo dục ngày ấy và bây giờ rất khác biệt. Ngày xưa, mối quan hệ giữa thầy cô và sinh viên giống như một gia đình. Thầy cô biết tường tận về điểm mạnh, yếu, biết về cá nhân, gia đình... của sinh viên.

Ngày xưa thầy cô là một hình tượng, là “khuôn vàng thước ngọc”, người có thể cho sinh viên những thông tin mà không thể nào tìm được trong cuộc sống.

Giờ đây, sự tiếp cận giữa giáo viên, sinh viên không thể như ngày ấy được. Tính khuôn mẫu, biểu tượng của thầy cô không còn. Thầy cô bây giờ chỉ có thể trở thành người hướng dẫn, gợi mở tư duy để các bạn tự mình đào bới và tìm kiếm.

Truyền thống của Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo”. Dù thế nào, thầy cô vẫn là người đưa đò, người nhận lãnh một sứ mệnh, một trách nhiệm. Đó là cái “nghiệp” của họ và sinh viên nên có sự tôn trọng!.

Lựa chọn của thầy cô cũng là sự hy sinh, bởi hầu hết thầy cô đều có thể có những công việc mang lại thu nhập cao hơn thu nhập từ nghề giảng dạy. Tuy vậy, chúng tôi đã lựa chọn cái nghiệp này. Vì thế, mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò nên đi cùng truyền thống văn hóa Việt Nam.

Từng trải qua "ngày đầu tiên đi học", từng "mặc chiếc áo sinh viên" và đang tiếp tục sự nghiệp quản lý giáo dục, người thầy cô nào đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cô?

Năm 1979, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông khi mới 16 tuổi. Tôi tiếp tục đến trường học dự bị tiếng Nga. Chỉ một năm thôi nhưng mở ra cho tôi rất nhiều những cái gọi là trải nghiệm. Tôi được sống trong môi trường rất đỗi thuần khiết và bạn bè vô cùng yêu mến nhau. Cho đến bây giờ, hằng năm gặp lại, chúng tôi vẫn rất bồi hồi...

Sau này, tôi sang Nga học 5 năm tại trường Đại học Tổng hợp Moskva - Lomonosov. Giờ đầu tiên lên lớp, tôi được học môn Tòa án và hệ thống tư pháp. Giờ thứ hai tôi học môn Luật Dân sự. Tôi vẫn nhớ và mọi thứ giống như đang hiện ra trước mắt mình về giờ học thứ hai ấy. Thầy dạy tôi là Giáo sư Gribanov, một trong những giáo sư hàng đầu của khoa học pháp lý Xô Viết lúc bấy giờ. Giáo sư Gribanov còn là thầy của ngài Anatoly Sobchak, về sau là thị trưởng thành phố Saint Peterburg, một người thầy của Tổng thống Vladimir Putin (Tổng thống Vladimir Putin từng học Luật ở trường Đại học Saint Peterburg).

Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng những thầy cô giáo mang lại ấn tượng sâu sắc cho sinh viên phải là bậc thầy về nhân cách.

Phải trở thành một hạt nhân chính trị

Cho đến hôm nay, Trường Đại học Luật TPHCM đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó không ít người hiện đang giữ những chức vụ quan trọng. Đối với sinh viên Luật, trong cô còn điều gì trăn trở?

Thật ra mà nói, Luật là ngành đào tạo rất đặc biệt. Sự thành công của một luật gia hay luật sư thì nền tảng về kiến thức, nhận thức xã hội, nhân sinh quan, thế giới quan vô cùng quan trọng. Vậy nhưng nếu chỉ trong bốn năm, Nhà trường chỉ có thể mang lại cho sinh viên các kiến thức pháp luật. Điều trăn trở lớn nhất của tôi là khi sinh viên chính quy ra trường mà còn non về nhận thức xã hội.

Đối với sinh viên hệ vừa học vừa làm hoặc văn bằng 2 thì điều lo lắng này hoàn toàn không có, vì với họ mình chỉ chú trọng giảng dạy kỹ năng và cách tiếp thu kiến thức pháp luật. Còn riêng đối với sinh viên chính quy, mình không có nhiều cơ hội và thời gian để làm dày thêm cái nhân sinh quan và thế giới quan cho các em.

Chương trình học của Nhà trường vẫn đang đưa các vấn đề mang tính chất lý luận vào giảng dạy, nhưng lý luận pháp luật cần phải được thẩm thấu trên một nền nhận thức về chính trị, xã hội, văn hóa, nhân chủng học, về cách hành xử...

Một lo lắng khác vẫn luôn canh cánh trong tôi là thời gian đào tạo sắp tới sẽ bị rút ngắn, chỉ còn 3 năm. Hiện nay, đào tạo trong 4 năm mà chúng tôi vẫn chưa thể an tâm về nền tảng nhận thức xã hội của sinh viên thì làm sao trong tương lai các em có thể thẩm thấu được các nguyên tắc và định hướng về pháp luật khi thời gian học bị rút ngắn.

Để trường Đại học Luật TPHCM xứng danh là "trung tâm đào tạo pháp lý hàng đầu khu vực phía Nam", chắc chắn với người cầu tiến và luôn đặt mục tiêu giáo dục, chất lượng đào tạo lên hàng đầu, cô đã vạch ra nhiều kế hoạch mới cho trường?

Tôi luôn nghĩ rằng, với tư thế của một trường đại học Luật, chúng ta phải có những đóng góp tích cực trong việc thay đổi tư duy và nhận thức xã hội. Công việc của chúng ta là đào tạo ra những con người, mà phần lớn đều tham gia vào các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp và đều trở thành những thành phần rất cốt cán. Vậy nên trường phải trở thành một hạt nhân chính trị, phải có một vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục, trong hệ thống các cơ quan tư pháp ở Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, cán bộ, giảng viên cũng như sinh viên, chắc chắn đến bây giờ đã hoàn toàn hiểu ra một điều: Trường có là hàng đầu thì mình mới có thể là hàng đầu được.

Khi chúng ta cầm một tấm bằng, xưng danh là một giảng viên, sinh viên của một trường đại học, nếu như xã hội liên tưởng đến một ngôi trường không có truyền thống, không có lịch sử, không có chất lượng… thì chắc chắn các bạn không thể được tôn trọng. Vì thế, thương hiệu, uy tín của nhà trường không thể hiểu rằng nó là của riêng ai, cũng không phải của riêng Ban giám hiệu mà đó là tài sản chung của toàn bộ tập thể giáo viên và sinh viên.

Một điều nữa mà tôi nghĩ rằng trường Luật không thể không làm, đó là thực hiện sứ mạng xã hội một cách xứng đáng. Là một trường đào tạo chuyên ngành mang tính chính trị rất cao, vì thế Đại học Luật TPHCM phải thực sự giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia và thành phố.

Không chỉ nghiên cứu các đề tài thông thường, mà tiếng nói, đóng góp, thành quả của chúng ta phải thực sự giải quyết được các vấn đề xã hội. Trường Luật không thể đứng ngoài mà phải tham gia, trở thành tâm điểm những vấn đề nóng nhất của xã hội.

Chân thành cảm ơn cô vì những chia sẻ vô cùng tình cảm và tâm huyết!

Thảo Liên – Ban truyền thông ULAW