Nhằm tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến những hiệp định đối tác kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia châu Á Thái Bình Dương cũng như nắm được hệ thống các hiệp định giữa các quốc gia ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP, ngày 25/11/2019, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Thỏa thuận đối tác của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương: Cấu trúc, tiêu chuẩn và thực thi".
Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước. Về phía các chuyên gia quốc tế, có ông Nicolas Audier – Chủ tịch Eurocham Việt Nam, ông Kent Wong – Phó chủ tịch Hội đồng pháp lý Eurocham Việt Nam, GS. Christian DeBlock – Giáo sư Kinh tế Đại học Québec ở Montréal (Canada), GS. Erwan Lannon – Giáo sư Luật công tại Đại học Gand, Viện Luật Ghent Châu Âu (Vương quốc Bỉ); PGS.TS. Wisuttisak Pornchai – Trưởng khoa Luật, Đại học Chiang Mai (Thái Lan); GS. Abdelkhaleq Berramdane – Giáo sư danh dự của Đại học Tour (Cộng hòa Pháp), TS. Ploykaew Porananond – Trợ lý Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Khoa Luật Đại học Chiang Mai (Thái Lan), GS. Éric Mottet – Giáo sư Đại học Québec (Canada), GS. Joel Lebullenger – Giáo sư luật công tại Đai học Rennes 1 (Cộng hòa Pháp), GS. Michel Trochu – Giáo sư danh dự của Đại học Tours (Cộng hòa Pháp), PGS.TS Aimsiranun Usanee – Phó trưởng Khoa luật, Đại học Chiang Mai (Thái Lan), GS. Danielle Charles Le Bihan – Giáo sư Luật công Đại học Rennes 2 (Cộng hòa Pháp), GS.TS Yumiko Nakanishi – Đại học Hitosubashi, Tokyo, Nhật Bản, GS.TS Géraid Blane – Giáo sư luật Thương mại quốc tế, Đại học Aix – Marseille 3, bà Véronique Picard – Nghiên cứu viên, phụ trách hành chính Viện nghiên cứu luật liên ngành Francois-Rabelais.
PGS.TS Trần Hoàng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo
Đến tham dự hội thảo còn có sự hiện diện của ông Vincent Floréani – Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM; đại diện Sở Kế hoạch đầu tư, Đại diện Hội luật gia các quận, huyện của TP.HCM; đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM, có PGS.TS Trần Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các giảng viên và sinh viên có quan tâm.
Ban chủ tọa của phiên tham luận đầu tiên của đề tài “Nghiên cứu so sánh giữa cấu trúc của các hiệp định đối tác: các hiệp định giữa EU và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, các hiệp định của ASEAN, EUCM, KORUS, CPTPP”
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Hải thay mặt Nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, khách mời cùng các giảng viên, sinh viên đến tham dự. PGS.TS Trần Hoàng Hải cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức hội thảo khoa học liên quan đến các hiệp định kinh tế, chính trị giữa các quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Hội thảo được chia làm 3 nhóm vấn đề, nhằm giải quyết những câu hỏi sau: về cấu trúc, các hiệp định giữa EU và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương có những điểm đặc biệt gì so với các hiệp định khác? Những điểm tương đồng giữa các quyền/ nghĩa vụ quy định trong các hiệp định đối tác là gì? Các hiệp định này được nội luật hóa thế nào?
Nhóm vấn đề đầu tiên, “Nghiên cứu so sánh giữa cấu trúc của các hiệp định đối tác: các hiệp định giữa EU và các quóc gia châu Á – Thái Bình Dương, các hiệp định của ASEAN, EUCM, KORUS, CPTPP” được xem xét trong 3 phiên thảo luận:
Phiên thảo luận thứ nhất được chủ trì bởi PGS.TS Trần Hoàng Hải, với các tham luận sau:
- Tham luận “Khái niệm về kinh tế thị trường và WTO” do GS. Christian Deblock trình bày. Theo GS. Christain Deblock, sự khác biệt trong việc định nghĩa nền kinh tế thị trường của WTO và EU đã tạo nên những khó khăn nhất định trong quá trình giao thương đồng thời nêu rõ ba vấn đề cần được quan tâm khi trao tư cách kinh tế thị trường cho Trung Quốc (tự do kinh tế, cạnh tranh công bằng và tự điều chỉnh thị trường).
GS. Christian DeBlock trình bày về khái niệm kinh tế thị trường và WTO
- Tham luận “Khía cạnh hàng hải trong quan hệ giữa châu Á và Liên minh châu Âu: Nghiên cứu so sánh giữa các hiệp định song phương và đa phương liên quan” do GS. Erwan Lannon trình bày. Bài tham luận của GS. Erwan Lannon phân tích những sáng kiến liên quan đến khía cạnh hàng hải trong quan hệ giữa châu Á và EU trong khuôn khổ đa phương cũng như những hiệp định mới đây được ký kết giữa EU và các nước trong khu vực.
- Tham luận “Kế hoạch Một vành đai – một con đường của Trung Quốc và các hướng tiếp cận về thương mại của EU trong các hiệp định thương mại khu vực trong ASEAN” do PGS.TS. Wisuttisak Pornchai trình bày. Trong tham luận này, PGS.TS. Wisuttisak Pornchaitập trung nghiên cứu những giai đoạn phát triển khác nhau của hiệp định thương mại khu vực của ASEAN và việc đàm phán các hiệp định thương mại Trung Quốc – ASEAN, EU – ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc đề xuất kế hoạch Vành đai và con đường.
- Tham luận “Các hiệp định tự do thương mại toàn diện với các quốc gia vùng Nam Địa Trung Hải” do Giáo sư Abdelkhaleq Berramdanetrình bày xoay quanh các vấn đề liên quan đến việc đàm phán các hiệp định giữa các quốc gia phát triển vùng châu Á – Thái Bình Dương. Các hiệp định giữa EU với các quốc gia kém phát tiển hơn đã tạo ra các quy định chồng lấn nhưng không hoàn toàn bao trùm những lĩnh vực giống nhau.
GS. Erwan Lannon trình bày tham luận về khía cạnh hàng hải tại Hội thảo
Phiên thảo luận thứ hai được chủ trì bởi PGS.TS Trần Thị Thùy Dương với các tham luận sau:
- Tham luận “ASEAN và Luật Cạnh tranh của các quốc gia thành viên” do TS. Ploykaew Porananond trình bày bàn luận về cách thức và mối quan hệ tương tác giữa Luật cạnh tranh của ASEAN và các Quốc gia thành viên.
- Tham luận “Quan hệ thương mại giữa Canada – Québec và ASEAN trong bối cảnh ký kết hiệp định CPTPP” của GS. Éric Mottet xem xét những cơ hội và thách thức trong các lĩnh vực mà hiệp định CPTPP điều chỉnh.
Ban chủ tọa phiên thảo luận thứ hai của nhóm vấn đề đầu tiên
Phiên thảo luận thứ ba được chủ trì bởi GS. Christian Deblock với các tham luận sau:
- Tham luận "Thủ tục chung để giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hợp tác thương mại châu Á - Thái Bình Dương" của GS. Joel Lebullenger xoay quanh việc áp dụng các quy tắc ràng buộc khác nhau trong giai đoạn đầu và giai đoạn tuân thủ báo cáo cuối cùng của hội đồng giải quyết tranh chấp.
- Tham luận "Mua sắm chính phủ mở trong các hiệp định thương mại tự do gần đây: "Việc sử dụng hợp tác công - tư có phải là giải pháp kịp thời? Nghiên cứu so sánh các thỏa thuận giữa EU và châu Á - CPTPP - CUSMA" của GS. Michael Trochu bàn luận về việc các hiệp định tự do thương mại gần đây đã đưa ra những giải pháp khác nhau về việc có sử dụng hay không đối tác công - tư trong khuôn khổ mở cửa thị trường mua sắm chính phủ. Để phân tích vấn đề một cách cụ thể, GS đã phân tích câu hỏi trên trong bối cảnh của nước công nghiệp hóa lẫn các nước đang phát triển.
- Tham luận "Hiệu lực trực tiếp của những hiệp định thương mại thế hệ mới: Góc nhìn EU - Việt Nam" do Giảng viên Nguyễn Ngọc Hà trình bày so sánh những ảnh hưởng của hiệp định thương mại tự do đến EU và Việt Nam. Qua đó, tác giả khẳng định Việt Nam quy định một cách mềm dẻo về hiệu lực trực tiếp của các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Ban chủ tọa phiên thảo luận thứ ba của nhóm vấn đề đầu tiên
Đối với nhóm vấn đề tiếp theo, “Nghiên cứu so sánh giữa nội dung một số hiệp định đối tác trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững, quyền con người”, hội thảo được chia làm 2 phiên thảo luận:
Phiên thảo luận thứ nhất được chủ trì bởi GS. Joel Lebullenger, gồm có các tham luận:
- Tham luận “Quyền con người trong các hiệp định đầu tư hoặc chương đầu tư của các hiệp định thương mại của EU, ASEAN với các nước châu Á Thái Bình Dương” của hai giảng viên Nguyễn Thị Kim Cúc và Lê Thị Ngọc Hà khẳng định các điều khoản liên quan đến quyền con người trong các hiệp định đầu tư của EU tham gia đa dạng hơn, công nhận quyền con người rõ ràng và ở mức độ cao hơn so với các điều khoản tương tự trong các hiệp định của ASEAN.
- Tham luận “Hướng tới phối hợp an sinh xã hội cho người lao động nhập cư ở ASEAN” của PGS.TS Aimsiranun Usanee đưa ra thực trạng an sinh xã hội cho người lao động nhập cư và lấy Thái Lan là ví dụ điển hình. Qua đó, PGS chỉ ra các thách thức trong việc cải thiện vấn đề này ở ASEAN.
PGS.TS Aimsiranun Usanee đưa ra thực trạng an sinh xã hội cho người lao động nhập cư ở ASEAN
- Tham luận “Một số đánh giá về tác động của các quy định về phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến quyền ban hành chính sách của quốc gia” trình bày bởi Giảng viên Nguyễn Thị Lan Hương xác định ý nghĩa và tình trạng của các điều khoản hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại - đầu tư gần đây từ góc độ của quốc gia tiếp nhận đầu tư, qua đó đánh giá hiệu quả của các quy định này trong việc ban hành các quy định bảo vệ môi trường của quốc gia.
- Tham luận “Nghiên cứu so sánh về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường trong các hiệp định ký kết giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh tham gia WTO” của GS. Danielle Charles-Le Bihan nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của WTO, thông qua dẫn chứng về hiệp định Marrakech, quá trình đàm phán của các thành viên tổ chức cũng như trích dẫn các hiệp định khác như hiệp định tự do hóa thương mại giữa Canada và EU, giữa EU và Nhật Bản; CPTPP và CAMUS.
Ban chủ tọa phiên thảo luận thứ nhất của nhóm vấn đề “Nghiên cứu so sánh giữa nội dung một số hiệp định đối tác trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững, quyền con người”
GS. Abdelkhaleq Berramdane chia sẻ về các nghiên cứu của ông
Tiếp đến, các chuyên gia giải đáp câu hỏi, đồng thời chia sẻ nghiên cứu của bản thân về các vấn đề vừa được đề cập. Ngày đầu tiên của hội thảo kết thúc vào lúc 17g giờ và phiên thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra vào 8g sáng hôm sau, ngày 26/11 tại Hội trường A1002 dưới sự chủ trì của GS. Erwan Lannon. Cũng tại đây, các chuyên gia sẽ bàn luận về nhóm vấn đề thứ ba “Nghiên cứu so sánh thủ tục nội luật hóa quy định của các hiệp định đối tác vào luật quốc nội” bế mạc hội thảo khoa học quốc tế này.
Nội dung: Quỳnh Chi, Vũ Uyên
Hình ảnh: Ban Truyền thông ULAW
Ban Truyền thông ULAW