Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của dự án do Trường Đại học Luật TP.HCM và Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung phối hợp thực hiện, nhằm hỗ trợ phổ biến kiến thức pháp luật lao động cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp, đồng thời tạo một diễn đàn để các giảng viên, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác thực tiễn, cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về lao động trao đổi, thảo luận về các nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), từ đó đề xuất các ý kiến, góp ý để gửi đến Ban soạn thảo, vào sáng ngày 16/10/2019, tại Hội trường A.1002, Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.
Hội thảo có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc Dự án Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung Khu vực Đông Nam Á - đơn vị tài trợ cho Hội thảo.
Về phía khách mời, có sự hiện diện của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn, đại diện đơn vị sử dụng lao động và những người làm công tác thực tiễn, gồm: Ông Nguyễn Tất Năm – Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH (Sở Lao động – TB – XH Tp. HCM), Ông Nguyễn Hữu Thanh – Trưởng phòng Hồ sơ – Bảo hiểm xã hội Tp.HCM, Ông Nguyễn Thành Đô – Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động Tp. HCM, Ông Phan Hồng Ngọc - Đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, TS. Luật sư Lương Khải Ân – Đoàn Luật sư Tp. HCM, Luật sư Lê Văn Dụng – Giám đốc Công ty Luật Share Law, v.v…
Về phía nhà trường, có sự tham dự của PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách, PGS. TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự, PGS. TS Vũ Văn Nhiêm - Trưởng Khoa Luật HCNN, PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khọc học pháp lý, TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trưởng Bộ môn Luật Lao động, TS. Nguyễn Văn Tiến và TS. Nguyễn Xuân Quang - Phó trưởng khoa Luật Dân sự, TS. Lê Vĩnh Châu - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng dân sự & Hôn nhân - gia đình, ThS. Nguyễn Tú Anh - Phó Trưởng phòng Thanh tra, TS. Cao Vũ Minh - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoa học Pháp lý và các giảng viên thuộc các khoa trong trường.
Hội thảo còn có sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ các Cơ sở đào tạo Luật khác khu vực phía Nam như: trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM, trường Đại học Lao động -Xã hội (Cơ sở II tại Tp. HCM), trường Đại học Ngân hàng Tp. HCM, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Bình Dương, v.v…, cùng các học viên cao học và sinh viên thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao của nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thị Thúy Hương cho biết, Bộ luật Lao động (BLLĐ) lần đầu tiên được ban hành vào năm 1994, tính đến nay đã trải qua 24 năm hình thành và áp dụng trong cuộc sống đã qua 4 lần sửa đổi, lần sửa đổi gần nhất là năm 2012. Trước yêu cầu đặt ra của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi BLLĐ năm 2012, đặc biệt để bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cam kết và thực hiện, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, việc sửa đổi BLLĐ hiện hành được xem là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Dự án sửa đổi BLLĐ năm 2012 đã được triển khai để lấy ý kiến rộng rãi từ phía các chuyên gia, các tổ chức đại diện NSDLĐ, NLĐ và từ chính những NLĐ – những đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Bộ luật này. Dự thảo mới nhất (Dự thảo 6 trình phiên họp thứ 37 của UBTV Quốc hội), trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia, những người làm công tác thực tiễn và các tầng lớp nhân dân, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt, có nhiều quy định lần đầu tiên được đưa vào Dự thảo. Tuy nhiên, Dự thảo 6 BLLĐ (sửa đổi) vẫn còn nhiều nội dung cần được trao đổi, lấy ý kiến. Vì vậy, TS. Hương mong rằng Hội thảo sẽ thu thập thêm được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người làm công tác thực tiễn để trên cơ sở đó, Ban tổ chức Hội thảo có thể tập hợp thành bản kiến nghị gửi đến Ban soạn thảo nhằm tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo.
(TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng NCKH & HTQT – Trưởng Bộ môn Luật Lao động phát biểu khai mạc hội thảo)
(Ông Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc Dự án Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung Khu vực Đông Nam Á - đơn vị tài trợ cho Hội thảo phát biểu tại hội thảo)
Hội thảo diễn ra gồm 3 phiên, tập trung vào việc trao đổi, góp ý các nội dung chính của Dự thảo, cụ thể:
Phiên thứ nhất và Phiên thứ hai do PGS. TS Vũ Văn Nhiêm - Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khọc học Pháp lý và TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trưởng bộ môn Luật Lao động thuộc Khoa Luật Dân sự chủ trì.
(Từ trái sang: PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương, TS. Lê Thị Thúy Hương, PGS. TS Vũ Văn Nhiêm đồng chủ trì Hội thảo trong hai phiên thảo luận đầu tiên)
Phiên thứ nhất gổm 03 tham luận sau:
- Tham luận 1: Quan hệ lao động và quan hệ dịch vụ về lao động trong bối cảnh pháp lý ở Việt Nam hiện nay do TS. Đoàn Thị Phương Diệp trình bày.
- Tham luận 2: Một số góp ý về chế định hợp đồng lao động trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do TS. Nguyễn Thị Bích trình bày.
- Tham luận 3: Một số góp ý đối với quy định về thỏa thuận không cạnh tranh trong lĩnh vực lao động tại Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do ThS. NCS. Nguyễn Phương Thảo và ThS. Lê Ngọc Anh trình bày.
(TS. Nguyễn Thị Bích trình bày tham luận)
Phiên thứ hai gồm 03 tham luận sau:
- Tham luận 4: Một số vấn đề về tiền lương theo Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do ThS. Hoàng Thị Minh Tâm trình bày.
- Tham luận 5: Một số bình luận, góp ý về vấn đề làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, thời hạn cho thuê lại lao động và giấy phép lao động trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do ThS. Trần Linh Huân trình bày.
- Tham luận 6: Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn lao động do TS. Cao Vũ Minh trình bày.
(Ông Nguyễn Tất Năm – Trưởng phòng Lao động - Tiền lương – BHXH - Sở Lao động, Thương bình và Xã hội TP.HCM đưa ra quan điểm và ý kiến góp ý đối với các chủ đề trình bày tại các tham luận)
Hai phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong buổi sáng với nhiều ý kiến đóng góp từ phía những người làm công tác thực tiễn, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên….
Tiếp nối hai phiên buổi sáng, Phiên thứ ba bắt đầu lúc 14 giờ chiều, với sự điều hành của PGS. TS. Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường, PGS. TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự, TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trưởng Bộ môn Luật Lao động.
(PGS.TS Trần Hoàng Hải đồng chủ trì phiên tham luận thứ ba)
Phiên thứ ba gồm 03 tham luận sau:
- Tham luận 7: Một số góp ý về chế định kỷ luật lao động trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do ThS. Lường Minh Sơn trình bày.
- Tham luận 8: Một số góp ý về chế định tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do ThS. Đoàn Công Yên trình bày.
- Tham luận 9: Góp ý sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 - Sự cần thiết quy định về khiếu nại, tố cáo trong Bộ Luật Lao động do ThS. Nguyễn Văn Trí trình bày.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi và chất lượng, trên cơ sở các vấn đề được gợi mở và thảo luận trong Hội thảo, trong lời phát biểu bế mạc hội thảo, PGS. TS. Trần Hoàng Hải khẳng định Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều đóng góp và kiến nghị có giá trị tham khảo cao của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các luật sư, những người làm công tác thực tiễn… về các nội dung còn đang tranh luận trong Dự thảo 6 BLLĐ (sửa đổi). Bản kiến nghị mà Hội thảo gửi đến Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị liên quan, sẽ góp phần hoàn thiện Dự thảo để BLLĐ (sửa đổi) có thể thông qua theo đúng chương trình làm việc của Quốc hội (dự kiến vào cuối tháng 10/2019).
(Hội thảo hướng tới góp phần đưa ra các kiến nghị để gửi đến Ban soạn thảo nhằm chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo tạo nên một Bộ Luật Lao động hoàn chỉnh, tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc để điểu chỉnh mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động)
(PGS.TS Trần Hoàng Hải phát biểu bế mạc Hội thảo)
(Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm)
Bài viết: Anh Thư
Hình ảnh: Thảo Nguyên, Vie Vie
Ban Truyền thông ULAW