Văn phòng
Số 2 Nguyễn Tất Thành, Q4, Tp.HCM (Phòng A. 202)
Điện thoại: 08.9400989 - số máy nhánh: 170
Thành phần và cơ cấu
Khoa Luật dân sự là một Khoa lớn của Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với đội ngũ giảng viên có trình độ cao.
Khoa được thành lập với 03 Bộ môn là Bộ môn Luật dân sự (bao gồm cả Sở hữu trí tuệ), Bộ môn Luật lao động, Bộ môn Luật tố tụng dân sự và hôn nhân gia đình. Lãnh đạo Khoa hiện nay gồm 03 thành viên (01 Trưởng Khoa và 02 Phó Trưởng Khoa).
Khoa Luật dân sự có 43 thành viên trong có 02 Phó giáo sư-Tiến sỹ, 08 Tiến sỹ (03 Tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài), 03 Nghiên cứu sinh, 25 Thạc sỹ (02 được đào tạo ở nước ngoài), 05 Cử nhân đang học Cao học Luật. Trong những thành viên hiện nay có 04 giảng viên chính, có giảng viên đã giảng dạy, là Giáo sự thỉnh giảng tại cơ sở đào tạo đại học nước ngoài.
Chức năng, nhiệm vụ
Khoa Luật Dân sự quản lý chuyên môn và giảng dạy các học phần bắt buộc bao gồm Luật Dân sự; Luật sở hữu trí tuệ; Luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân & gia đình; Luật Lao động và các môn thuộc các học phần tự chọn có định hướng là Giao dịch dân sự nhà ở; Đàm phán soạn thảo giao kết hợp đồng; Quyền nhân thân; Hợp đồng dân sự thông dụng; Một số vấn đề về pháp luật lao động; Lý luận về chứng cứ trong tố tụng dân sự; Pháp luật về HN&GĐ; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật thi hành án dân sự; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Mục tiêu chuyên môn của Khoa là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về xã hội, hệ thống pháp luật hiện hành và có kỹ năng chuyên sâu đối với các ngành Luật.
Hoạt động chuyên môn của Khoa Luật dân sự hướng đến việc đào tạo ra những sinh viên có nhiều kiến thức về pháp luật dân sự. Với chuyên ngành Luật dân sự, sinh viên ra Trường có khả năng làm việc ở các công việc và vị trí rất đa dạng như sau:
+ Trong hệ thống Tòa án nhân dân hiện nay có chuyên gia hay Tòa chuyên trách về pháp luật dân sự (có nhu cầu về nhân lực lớn nhất), pháp luật lao động, pháp luật kinh tế, pháp luật hình sự, pháp luật hành chính. Khi tốt nghiệp Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh-chuyên ngành Luật dân sự, sinh viên có thể làm việc trong phần lớn các Tòa chuyên trách trên, nhất là tại các Tòa dân sự, Tòa lao động, Tòa kinh tế.
+ Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân hiện nay ở Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn về nhân lực trong lĩnh vực pháp luật dân sự, nhất là từ khi Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi có hiệu lực pháp luật (Bộ luật này đã theo hướng tăng thẩm quyền của Viện kiểm sát trong các vụ việc dân sự). Khi tốt nghiệp Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh-chuyên ngành Luật dân sự, sinh viên hoàn toàn có thể làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân.
+ Khi tốt nghiệp Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh-chuyên ngành Luật dân sự, sinh viên còn có thể làm việc tại các cơ quan bảo vệ pháp luật khác như Thanh tra, Phòng Công chứng, Sở tư pháp, Cơ quan Thi hành án. Đây cũng là những cơ quan nhà nước có như cầu lớn về nhân lực, nhất là những người am hiểu về pháp luật dân sự.
+ Khảo sát những năm gần đây còn cho thấy khi tốt nghiệp Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh-chuyên ngành Luật dân sự, sinh viên có thể làm việc tại một số nơi khác không thuộc khối cơ quan bảo vệ pháp luật như Văn phòng luật sư, Văn phòng tư vấn pháp luật, Văn phòng Công chứng, Thừa phát lại. Nhiều sinh viên thuộc chuyên ngành Luật dân sự sau khi ra Trường còn làm việc trong các Phòng pháp chế của doanh nghiệp hoặc ở một số cơ quan hành chính sự nghiệp như bộ phận tư pháp của Ủy ban nhân dân.
Những thành tích tiêu biểu
Khoa Luật dân sự có truyền thống tốt về hoạt động tập thể. Công đoàn Khoa Luật dân sự là một Công đoàn mạnh (đã đạt danh hiệu Công đoàn xuất sắc) và Đoàn khoa hoạt động rất tích cực.
Giảng viên của Khoa hàng năm hoàn thành tốt công việc giảng dạy. Các hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những chuyển biến mạnh mẽ với hàng loạt các đề tài các cấp (trong đó có 05 đề tài cấp bộ, nhiều đề tài cấp trường đã được nghiệm thu). Nhiều giảng viên của Khoa đã có các công trình khoa học được đánh giá cao. Đặc biệt trong năm 2010, Khoa đã có một giảng viên được phong Phó giáo sư và trong năm 2011 có thêm hai giảng viên được phong Phó giáo sư.
Các Bộ môn thuộc Khoa đã triển khai giảng dạy theo hệ tín chỉ, kết hợp giữa lý thuyết và thảo luận (với tỷ lệ thảo luận/lý thuyết là khoảng 1/3); có hệ thống giáo trình, đề cương thảo luật tương đối hoàn thiện (các bài tập thảo luận được cung cấp cho sinh viên ít nhất 01 tuần trước buổi thảo luận).
Phương hướng phát triển
Khoa Luật dân sự phấn đấu trở thành một Khoa có tinh thần đoàn kết cao, phát triển và bồi dưỡng nhiều đảng viên, giảng viên trẻ.
Cùng với sự phát triển chung của Trường, Khoa phấn đấu trở thành nơi quy tụ những giảng viên xuất sắc, có uy tín trong lĩnh vực pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ, tố tụng dân sự, lao động và hôn nhân, gia đình. Cùng với Nhà trường, Khoa luật dân sự cố gắng phối hợp tổ chức hàng năm một số buổi tạo đàm trong đó có Tọa đàm với chuyên gia nước ngoài về pháp luật dân sự.
Khoa Luật dân sự đã triển khai đào tạo Cao học chuyên ngành Luật dân sự. Với những chính sách đề cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của học viên (Khoa Luật dân sự là Khoa duy nhất trong Trường theo hướng học viên cao học không chỉ được chọn môn học mà còn được chọn cả giảng viên phụ trách môn học), số lượng đăng ký thi vào chuyên ngành cao học Luật dân sự không ngừng tăng. Trong thời gian tới, ngoài việc phát triển Cao học chuyên ngành Luật dân sự và tham gia chương trình đào tạo thạc sỹ liên kết với nước ngoài, Khoa Luật dân sự sẽ hướng tới đào tạo Tiến sỹ chuyên ngành Luật dân sự.