Toạ đàm Luật Cạnh tranh năm 2018 và vấn đề thực thi trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Trong khuôn khổ Dự án hợp tác “Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng” thuộc chương trình Aus4Reform do Chính phủ Úc tài trợ, sáng ngày 12/11/2020, tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã phối hợp với Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Luật cạnh tranh năm 2018 và vấn đề thực thi trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Buổi Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM, Bà Hoàng Thanh Bình – Cán bộ Văn phòng Dự án Aus4Reform, Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Ông Phùng Văn Thành – Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, Bộ Công thương, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh, các cán bộ, chuyên giađã tham gia công tác xây dựng Luật Cạnh tranh 2018, tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện các FTAs thế hệ mới cùng với các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, và các cơ quan truyền thông.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh và sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM

Trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP,…hay các FTAs thế hệ mới mà Việt Nam đang chuẩn bị đàm phán ký kết như Hiệp định giữa Việt Nam và UK, Việt Nam – Mexico… đều có các nội dung cam kết về chính sách cạnh tranh. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đặt vấn đề: liệu rằng các quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành đã phù hợp với những cam kết về cạnh tranh trong các FTAs thế hệ mới hay chưa, việc thực thi các quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 có đặt ra những thách thức, trở ngại nào trong bối cảnh FTAs thế hệ mới này hay không? 

Bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đồng phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh cùng với các cam kết quốc tế,việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018, bao gồm việc kiểm soát hành vi tập trung kinh tế thực hiện ngoài lãnh thổ nhưng có tác động, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam đặt ra các thách thức lớn cho việc thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Tọa đàm này vì vậy là một diễn đàn hữu ích để các chuyên gia, những người nghiên cứu và giảng dạy Luật Canh trạnh trao đổi, thảo luận để hiểu và vận dụng đúng các quy định của Luật Cạnh tranh 2018 và các văn bản hướng dẫn.

Chủ tọa Tọa đàm (từ trái sang): Bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM

Tọa đàm có 3 bài tham luận được chọn trình bày:

- Bài tham luận thứ nhất với nội dung “Tổng quan các quy định về Luật Cạnh tranh năm 2018” do Ông Phùng Văn Thành – Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trình bày đã phân tích những quy định cơ bản của pháp luật cạnh tranh hiện nay trong đó nổi bật các nội dung về mở rộng đối tượng áp dụng và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

- Bài tham luận thứ hai với nội dung “Các quy định kiểm soát tập trung kinh tế theo luật ct 2018 và Nghị định 35/2020/NĐ-CP trong thời gian gần đây” của Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trình bày đã bình luận các quy định về tập trung kinh tế, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và các chế tài đối với việc không thông báo tập trung kinh tế.

- Bài tham luận thứ ba với nội dung “Chính sách cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” của Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, Bộ Công thương trình bày về Luật và chính sách cạnh tranh trong Hiệp định CPTPP; DNNN và độc quyền chỉ định trong Hiệp định CPTPP.

Phần thảo luận của buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến mang tính thực tiễn và ứng dụng cao của các khách mời như liên quan đến việc xác định chủ thể thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm; chính sách khoan hồng đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; mối quan hệ giữa chế tài hành chính và chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh;; vấn đề xử lý và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong việc ban hành các hướng dẫn để xử lý các hành vi vi phạm các quy định pháp luật cạnh tranh, vấn đề “thị trườngsản phẩm liên quan” và “thị trường địa lý liên quan” khi xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế áp dụng cho các hành vi tập trung kinh tế thực hiện ở nước ngoài…

 

Ông Phùng Văn Thành - Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thảo luận về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình đặt câu hỏi về xác định “thị trường sản phẩm liên quan” và “thị trường địa lý liên quan” khi xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế áp dụng cho các hành vi tập trung kinh tế thực hiện ở nước ngoài

Kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình đã gửi lời cảm ơn đến tất cả các vị khách mời đã đến tham dự và mong muốn tiếp tục có cơ hội hợp tác với các chuyên gia đến từ Bộ Công thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và các chuyên gia pháp luật cạnh tranh các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học do Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nói chung và Khoa Luật Thương mại nói riêng tổ chức.

 

Nội dung: Tâm Nhi

Hình ảnh: Tân Hưng

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top