Hội thảo Quốc tế trực tuyến về chủ đề "Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên"

Sau hơn 30 năm nội luật hóa các quy định của Công ước về quyền trẻ em năm 1989, đánh giá một cách khách quan, có thể thấy bên cạnh những thành công nhất định đã đạt được, hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Vì lẽ trên, vào ngày 13/10/2021, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình hội thảo quốc tế “tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” bằng hình thức trực tuyến, thông qua phần mềm Zoom và qua livestream trên facebook Trường Đại học Luật TP.HCM.

 

PGS.TS. Trần Hoàng Hải phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định rằng Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tư pháp hình sự của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ những hạn chế trong thực trạng, cho thấy việc tiếp tục cải cách pháp luật và nâng cao năng lực hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở nước ta là một nhu cầu cấp bách và cần thiết. Do đó, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Quốc tế nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên giữa các nhà nghiên cứu, những người thực thi pháp luật trong nước và quốc tế cũng như tìm ra những giải pháp hợp lý khả thi, giải quyết các bất cập còn tồn đọng trong pháp luật hình sự của Việt Nam.

Tại phiên thảo luận thứ nhất: “Tư pháp hình sự người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự” diễn ra với sự tham gia của các Chủ tọa: PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường; GS. Yvon Dandurand - Giáo sư danh dự, Khoa Tội phạm học và Tư pháp Hình sự, Đại học Fraser Valley, Abbotsford, B.C., Canada và PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM.

 

Chương trình hội thảo quốc tế “tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu luật pháp trong nước và quốc tế

Hội thảo có 34 bài viết được gửi về, và có 10 bài được lựa chọn để trình bày trong hai phiên thảo luận. Trong phiên thảo luận đầu tiên, bài tham luận về “Sự đối xử với bị hại và người làm chứng chưa thành niên” trong tư hệ thống tư pháp Việt Nam của TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Khoa Luật Hình sự, và Yvon Dandurand - Giáo sư danh dự, Khoa Tội phạm học và Tư pháp Hình sự Đại học Fraser Valley, Abbotsford, B.C., Canada là bài tham luận thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các nhà nghiên cứu, các khách mời hội thảo về kinh nghiệm cả trong và ngoài nước.

 

TS. Lê Huỳnh Tấn Duy trao đổi về đề xuất thành lập trại giam riêng, tách bạch người chưa thành niên để cải tạo tốt về nhận thức

Theo Giáo sư Yvon Dandurand, phải luôn đặt những lợi ích tốt nhất của trẻ em là sự quan tâm đầu tiên khi cho trẻ tiếp xúc hệ thống tư pháp hình sự, cần kết hợp nghiên cứu tâm lý trẻ vị thành niên trong quá trình thực hiện tố tụng, tránh trường hợp nạn nhân là người chưa vị thành niên trở thành nạn nhân lần thứ hai hay sang chấn thứ cấp. Ngoài ra, mô hình cơ chế bồi thường cho nạn nhân là người chưa vị thành niên hiện nay, mô hình công lý phục hồi cũng là vấn đề đáng chú ý nên được triển khai thực hiện áp dụng vào thực tế.

 

Giáo sư danh dự Yvon Dandurand nói về các biện pháp bảo vệ trẻ em là nạn nhân của bạo lực không được mang tính cưỡng chế và không được ảnh hưởng đến các quyền lợi

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nêu quan điểm về xử lý chuyển hướng trong hệ thống tư pháp hiện nay

 

GS. TS. Shruti Bedi – Viện nghiên cứu pháp lý (UILS), Đại học Panjab (PU), Chandigarh, Ấn Độ trình bày bài tham luận với chủ đề Luật tư pháp người chưa thành niên ở Ấn Độ: Bạn có đủ tuổi để phạm tội?

 

Quyết định hình phạt đối với người trẻ ở Canada – Một cách tiếp cận cân bằng phù hợp cho Việt Nam hay rơi từ Charybdis tới Scylla? của ông Sébastien Lafrance Công tố viên Cơ quan công tố, Canada đã khảo sát cơ chế quyết định hình phạt đang được áp dụng đối với người trẻ ở Canada, từ đó đưa ra các liên hệ với pháp luật hình sự Việt Nam

Sau ba tiếng thảo luận, phiên thảo luận thứ nhất đã khép lại sau một loạt các ý kiến tranh luận mang tính xây dựng nhằm hoàn thiện hơn nội dung nghiên cứu về việc xác định độ tuổi cho người chưa thành niên, những thuật ngữ, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, và đặc biệt là khi xem xét khía cạnh về Quyền con người và Quyền trẻ em trong “Tư pháp hình sự người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự”... Nhìn chung, bộ luật hình sự Việt Nam hiện nay được xây dựng theo chủ trương nhân đạo hóa, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm chưa hợp lý trong cách diễn đạt về mặt từ ngữ pháp lý cũng như còn cứng nhắc trong cách thực hiện.

Vào cùng chiều ngày 13/10/2021, phiên tham luận thứ hai với chủ đề “Tư pháp hình sự người chưa thành niên trong lĩnh vực tố tụng hình sự và thi hành án hình sự” đã diễn ra với Ban chủ tọa gồm: PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao; TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Trường bộ môn Luật tố tụng hình sự, Khoa Luật hình sự. Các bài tham luận xoay quanh vấn đề Lĩnh vực tố tụng hình sự và thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên, lắng nghe các chia sẻ, kinh nghiệm từ các nước để đúc kết và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

 

Tại phiên thứ hai, bài tham luận về chủ đề Hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam của TS. Lê Nguyên Thanh cũng là một chủ đề được nhiều khách mời và nhà nghiên cứu quan tâm

 

Bài tham luận “Bàn về quy định biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam và một số kiến nghị” NCS.ThS. Trịnh Duy Thuyên - Giảng viên, Khoa Luật Trường Đại học Cảnh sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày

Tham luận “Nâng cao hiệu quả cho quá trình chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng của người chưa thành niên bị giam giữ trong hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam – Bài học từ Bang California, Hoa Kỳ” của TS. Nguyễn Đức Nguyên Vỵ - Luật sư thuộc Đoàn luật sư Bang California, Hoa Kỳ và tham luận “Đánh giá một số quy định của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam đối với phạm nhân là người chưa thành niên trên cơ sở so sánh với các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế” của TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, là hai bài tham luận được đánh giá rất cao về tính thực tiễn. Sau khi nêu ra những bài học rút từ hệ thống tư pháp hình sự bang California, Hoa Kỳ rằng những trại giáo huấn, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng đều xem là tạm giam nếu không có yếu tố tự do, TS. Nguyễn Đức Nguyên Vỵ đề nghị cần thực hiện những chương trình thiết thực để giúp người chấp hành án chưa vị thành niên chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng.

Đồng quan điểm cùng với TS. Nguyễn Đức Nguyên Vỵ, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy đã chia sẻ và thực hiện so sánh một số quy định của pháp luật Việt Nam với các quy tắc tiêu chuẩn quốc tế về thi hành án hình sự đối với phạm nhân là người chưa thành niên nhằm đưa ra những định hướng sửa đổi, bổ sung về các vấn đề: Phạm vi áp dụng với quy định đặc biệt; Chế độ quản lý giam giữ; Chế độ gặp, liên lạc điện thoại với nhân thân và Xử lý phạm nhân vi phạm. Tất cả các đề xuất, kiến nghị đều vì lợi ích tốt nhất của người chưa vị thành niên.

Nhìn chung, Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam ngày càng được xây dựng hoàn thiện hơn và tiệp cận với những vấn đề thực tiễn tuy nhiên vẫn còn một số quy định còn thiếu xót hay chưa hợp lý. Trong buổi thảo luận, PGS. TS. Đỗ Thị Phượng đã đưa ra mô hình và cho rằng nên xây dựng Luật tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ứng với ba đối tượng chính. Ngoài ra, còn có những vấn đề về xác định số lần hỏi cung, cách lấy lời khai để tránh xung đột với lợi ích bị can cũng như bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người dưới 18 tuổi, các biện pháp mang tính tước tự do như tạm giữ, tạm giam và tù có thời hạn vẫn dược áp dụng đối với người chưa thành niên ở tỷ lệ khá cao, định hướng nâng cao hiệu quả cho quá trình chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên bị giam giữ…

 

PGS. TS. Trần Văn Độ nhận xét về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở một số nước Đông Nam Á

Sau hai phiên tham luận, Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp trong công cuộc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực hình sự xoay quanh các chủ đề về xư lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi; đảm bảo việc xét xử công bằng đối với các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên; các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội và tổ chức hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên. Theo PGS. TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, những vấn đề được trao đổi ngày hôm nay không chỉ đơn thuần phục vụ cho một cuộc tham luận mà còn là đặt những nền móng vững chắc, định hướng cho sự phát triển của pháp luật Việt Nam sau này. Chương trình hội thảo quốc tế “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” kết thúc sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, tích cực đóng góp ý kiến để cùng tìm ra những giải pháp phù hợp với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay cũng như phù hợp với những quy tắc của Liên Hiệp Quốc về người chưa vị đủ tuổi vị thành niên.

Nội dung: Phương Thảo

Hình ảnh: Vân Anh

Ban truyền thông Ulaw

--%>
Top