Hội thảo khoa học Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển – Giải pháp đảm bảo hoà bình, ổn định trong khu vực

Hợp tác trên biển trong khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, là cơ sở để xử lí các thách thức đặt ra hiện nay như suy thoái môi trường biển, cướp biển, khủng bố, buôn lậu, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, việc kết nối và giao thông biển, bảo đảm chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nhằm thông tin, bình luận về các hoạt động hợp tác song phương và khu vực trên biển trong khu vực ASEAN với mục tiêu xây dựng ngôi nhà chung phát triển, ngày 24/6/2022 tại Hội trường A905 cơ sở Nguyễn Tất Thành – Trường Đại học Luật TP.HCM và kết hợp với hình thức trực tuyến qua Zoom Meetings, Khoa Luật Quốc tế đã tổ chức hội thảo cấp khoa với chủ đề: “Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển – Giải pháp đảm bảo hoà bình, ổn định trong khu vực”.

Hội thảo đã ghi nhận sự tham gia và trình bày tham luận, đóng góp ý kiến của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Luật TP.HCM, Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, hội thảo ghi nhận bài tham luận của Ths. Phạm Công Đức – Phó Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu hạn hàng hải Việt Nam (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) và sự tham gia của gần 200 khách mời, học viên, sinh viên tham gia.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng và PGS.TS. Trần Thăng Long, Ths. Hà Thị Hạnh đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc hợp tác ASEAN trên các lĩnh vực, đặc biệt là sau dịch COVID-19. Theo PGS.TS. Trần Thăng Long, ASEAN cần thiết có nhiều khung pháp lý hơn nữa để hợp tác các lĩnh vực như: khai thác chung, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ASEAN cần tăng cường triển khai thực thi các cam kết của mình để thực hiện các cam kết quốc tế và thỏa thuận nội khối. Ths. Hà Thị Hạnh nêu lên quan điểm về việc các quốc gia thành viên ASEAN cần tăng cường hợp tác hơn nữa đối với vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh trên biển Đông.

Trong vấn đề hợp tác khai thác chung tại vùng biển chồng lấn chưa phân định, theo TS. Ngô Hữu Phước, Việt Nam có thể tính đến việc thỏa thuận xây dựng vùng hợp tác chung với các quốc gia trong khu vực biển Đông trước khi tiến đến phân định biển chính thức. Cũng nằm trong chủ đề khai thác biển, TS.GVC. Nguyễn Toàn Thắng đã làm rõ quy định về hành vi khai thác thủy sản trái phép, không khai báo, không theo quy định (IUU) trong một số văn kiện quốc tế; những lưu ý trong áp dụng Điều 73 của UNCLOS đối với hành vi IUU và thực tiễn áp dụng của một số quốc gia trong ASEAN; cũng như đề cập đến những khó khăn, thách thức của ASEAN trong phòng, chống hành vi IUU và một số hàm ý thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các quốc gia trong ASEAN.

Trong hoạt động phòng chống cướp biển, Ths. Nguyễn Thị Vân Huyền và Ths. Lê Đức Phương đã làm rõ các quy định của Công ước 1982 về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á năm 2004 (ReCAAP 2004). Những điều ước quốc tế này đã xác định các yếu tố cấu thành hành vi cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cũng như nghĩa vụ hợp tác của các nước thành viên trong việc bắt giữ, trừng trị các cá nhân và phương tiện thực hiện hành vi nói trên, đồng thời chia sẻ thông tin, đưa ra các hướng dẫn, cảnh báo an toàn cho tàu thuyền đi lại trên biển. Kết quả của sự hợp tác này đã thành lập ra Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á (ReCAAP ISC) đặt trụ sở tại Singapore với vai trò trở thành đầu mối thông tin quan trọng kết nối các quốc gia thành viên trong các hoạt động trấn áp cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cũng như đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Về vấn đề bảo vệ môi trường biển – chống biển đổi khí hậu, Ths. Chung Lê Hồng Ân trình bày cấu trúc và ứng dụng của Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp Ô nhiễm Biển Khu vực Địa Trung Hải (REMPEC), đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm, sau đó đề xuất các khuyến nghị cho các nước ASEAN cũng như cho Việt Nam. Ngoài ra, để phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi, một trong những xu hướng mới trên thế giới và ở Việt Nam nhằm thực thi Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và COP26, Ths. Lê Minh Nhựt đã trình bày về mô hình rất thành công tại EU là cơ chế hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi của 10 quốc gia khu vực biển Bắc và Ủy ban châu Âu (NSEC). Theo Ths. Lê Minh Nhựt, hiện ASEAN và đặc biệt Việt Nam có tiềm năng lớn hàng đầu thế giới nhưng thiếu khung pháp lý hợp tác cho vấn đề này, do đó nghiên cứu mô hình của NSEC có thể rút ra kinh nghiệm và cơ hội hợp tác trong khu vực.

 

 

 

 

 

--%>
Top