Livestream Tư vấn hướng nghiệp “Câu chuyện nghề tư pháp” – Chủ đề 2: “Tìm hiểu nghề công chứng, những kỹ năng cần thiết và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công chứng”

Nhằm chào mừng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (09/11), Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Khối thi đua số 9 thuộc Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như các hoạt động nhằm hỗ trợ, tiếp thêm động lực cho sinh viên của Trường.

Trong đó, Khối thi đua số 9 đã dành ra 11 suất học bổng tổng trị giá 33 triệu đồng, mỗi suất học bổng trị giá 3.000.000 cho sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Về phía Nhà trường, ngày 31/10/2020 vừa qua, Trung tâm QHDN&HTSV phối hợp cùng Đoàn Khoa Luật Quốc tế tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp”, thu hút sự tham gia của hơn 3000 sinh viên luật trong cả nước.

Bà Huỳnh Thị Hồng Hoa – Phó Trưởng phòng Công chứng số 6 đại diện Khối thi đua số 9 trao tặng 11 suất học bổng tổng trị giá 33 triệu đồng cho sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM

 

Ông Trần Đức Toàn – Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp TP.HCM trao tặng giải thưởng cuộc thi trực tuyến

Ngoài ra, Trường cũng tập trung chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên liên quan đến lĩnh vực pháp luật với tên gọi là “Tọa đàm trực tuyến – Câu chuyện nghề nghiệp tư pháp”, bằng hình thức phát sóng trực tuyến (Livestream) trên Fanpage và Youtube chính thức của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Buổi livestream thứ hai của chương trình có chủ đề: “Tìm hiểu nghề Công chứng, những kỹ năng cần thiết và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực Công chứng” đã được phát sóng vào lúc 9h00 ngày 7/11/2020, với sự tham gia của các khách mời: Ông Trần Đức Toàn – Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp TP.HCM; Ông Nguyễn Hải Hồ - Phó Trưởng Phòng Công chứng số 7 TP.HCM; Bà Huỳnh Kim Điệp – Phó Trưởng phòng Công chứng số 5 TP.HCM; Bà Huỳnh Thị Hồng Hoa - Phó Trưởng phòng Công chứng số 6 TP.HCM và được dẫn dắt bởi MC: ThS Nguyễn Tấn Hoàng Hải – Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM.

Các khách mời của chương trình đến từ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Công chứng như: Sở Tư pháp TP.HCM, các phòng Công chứng số 5,6 và 7

Nội dung của buổi tư vấn gồm: Môi trường làm việc tại các cơ quan công chứng; Điều kiện khi thi tuyển và cơ hội nghề nghiệp của ngành công chứng; Lời khuyên dành cho các bạn sinh viên đang có định hướng làm việc trong lĩnh vực công chứng.

Về môi trường làm việc tại các cơ quan công chứng, bà Huỳnh Kim Điệp chia sẻ: Chức năng chính của công chứng là cung cấp các dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch hợp đồng. Chính vì thế, đặc trưng của môi trường công chứng đòi hỏi mỗi một nhân viên ngoài sự năng động, chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm còn cần có khả năng chịu áp lực cao và tinh thần luôn học hỏi, trao dồi kiến thức về chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn làm việc.

Về điều kiện khi thi tuyển và cơ hội nghề nghiệp của ngành công chứng, theo Ông Trần Đức Toàn, điều kiện đầu tiên để công tác tại Sở Tư pháp cũng như các văn phòng công chứng cần vượt qua kỳ thi tuyển công chứng với các điều kiện như: trình độ chuyên môn từ cử nhân Luật trở lên, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học,… Riêng đối với sinh viên Luật thì đây chính là một lợi thế rất lớn vì các bạn đã được đào tạo hầu hết các nội dung này trong quá trình học tại trường. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý về việc tham gia các kỳ thi ngoại ngữ và tin học để lấy chứng chỉ nhằm tận dụng tối đa ưu thế của mình.

Ông Trần Đức Toàn – Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp TP.HCM và Bà Huỳnh Kim Điệp – Phó Trưởng phòng Công chứng số 5 TP.HCM đã có những chia sẻ thẳng thắn về các vấn đề trong lĩnh vực Công chứng

Về lời khuyên dành cho các bạn sinh viên đang có định hướng làm việc trong lĩnh vực công chứng, bà Huỳnh Thị Hồng Hoa lưu ý rằng để có thể đạt đến thành công trong con đường nghề nghiệp thì yêu cầu cơ bản nhất đối với các bạn sinh viên là cần phải nắm vững nền tảng kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt, kết hợp cùng với kinh nghiệm thực tiễn, hai yếu tố này cần có sự bổ sung cho nhau. Đồng thời, phải có niềm đam mê và sự tận tâm đối với công việc mà mình đã chọn. Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Hải Hồ cũng chia sẻ thêm đối với các bạn sinh viên có mục tiêu gắn bó dài hạn với nghề công chứng, nên tham gia thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng từ năm 3, 4 hoặc ngay khi vừa ra trường, vì ngoài giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, điều này còn tạo thuận lợi cho việc xác định thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên.

Bà Huỳnh Thị Hồng Hoa - Phó Trưởng phòng Công chứng số 6 TP.HCM khẳng định đam mê là điều không thể thiếu khi bước chân vào bất kỳ công việc nào

Ngoài ra, các câu hỏi thắc mắc của các bạn sinh viên gửi đến chương trình qua phần bình luận trực tiếp về sự khác nhau giữa Văn phòng Công chứng và Phòng Công chứng, yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, những kỹ năng cần trang bị trước khi ứng tuyển vào làm tại Phòng Công chứng,… cũng được các vị khách mời giải đáp tường tận.

Ông Nguyễn Hải Hồ - Phó Trưởng Phòng Công chứng số 7 TP.HCM lưu ý về vấn đề nên ưu tiên chọn lựa giữa tham gia làm việc trong môi trường Công chứng và thi tuyển công chứng

Chuỗi hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm chào mừng ngày Truyền thống ngành Tư pháp (28/08) và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (09/11) do Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Khối thi đua số 9 thuộc Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức đã góp phần nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành luật nói riêng cũng như phổ cập kiến thức và nâng cao ý thức tự giác tuân thủ Hiến pháp và pháp luật nói chung.

Ông Nguyễn Thành An – Giám đốc Trung tâm QHDN&HTSV đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM trao thư cảm ơn và chụp ảnh lưu niệm cùng với tất cả khách mời đại diện Sở Tư pháp và các phòng Công chứng đến từ Khối thi đua số 9

Nội dung: Kiều My

Hình ảnh: Chí Nguyên

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top