Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo luật giáo dục (sửa đổi)

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện, Luật giáo dục năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập, có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và chưa đáp ứng nhu cầu cải cách giáo dục trong giai đoạn hội nhập nên cần thiết phải sửa đổi toàn diện. Hiện nay, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7 (5/2019). Trong đó có nhiều quy định mới có ý nghĩa qua trọng góp phần thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam, như nội dung về tự chủ của các cơ sở giáo dục và quản lý nhà nước về giáo dục. Để tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, các quản lí giáo dục, các nhà giáo, luật gia và các thành phần khác về Dự thảo Luật này, sáng ngày 16/01/2019, tại hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý Nhà nước trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).


 Hội thảo diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia, luật gia, quản lí về giáo dục và đào tạo, các nhà báo, giảng viên, sinh viên có quan tâm

Buổi hội thảo diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm TP.HCM, Đ/c Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy  ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP.HCM cùng nhiều đại biểu của các cơ quan, ban ngành TP.HCM và một số địa phương có liên quan, nhóm nghiên cứu Luật Giáo dục (sửa đổi), các chuyên gia, giảng viên, sinh viên và các phóng viên.


Chủ tọa (từ trái qua): PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Đ/c Triệu Lệ Khánh, PGS.TS Nguyễn Văn Vân

Mở đầu, PGS.TS Bùi Xuân Hải, - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đồng thời là Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Luật Giáo dục - phát biểu khai mạc hội thảo: “Luật Giáo dục là đạo luật có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đây là đạo luật có tác động lớn, gần gũi, gắn bó mật thiết đối với mỗi gia đình gia đình Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội lại dành sự quan tâm rất đặc biệt đối với Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này”.

“Trường Đại học Luật TP.HCM – là một trong những cơ sở đào tạo luật lớn nhất các tỉnh phía Nam - được Bộ Giáo dục và đào tạo tin tưởng giao cho chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia để nghiên cứu Luận cứ khoa học sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục. Thực hiện ý kiến của Bộ trưởng và ban soạn thảo, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức  hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi mong rằng, tất cả quý vị ngồi đây – những người có liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân - bằng tất cả tâm huyết, nhìn nhận, quan điểm của mình sẽ trả lời rành mạch, rõ ràng và nêu lên góp ý của mình giúp Ban tổ chức tổng hợp các ý kiến gửi đến các cơ quan có thẩm quyền”..


PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Chủ nhiệm Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia nghiên cứu Luận cứ khoa học sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục phát biểu khai mạc hội thảo

Nội dung hội thảo tập trung thảo luận  các vấn đề sau đây trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi):

- Các quy định bảo đảm vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục;

- Các quy định về cơ chế đảm bảo dân chủ ở các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, THCS, THPT và vai trò của Hội đồng trường ở các đơn vị này;

- Các quy định về nội dung quản lý nhà nước trong giáo dục: cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý cơ sở giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo (về quản lí nhân sự, tài chính, …);

- Các quy định về trách nhiệm vai trò chủ trì của ngành giáo dục, về cơ chế phối hợp giữa các địa phương với ngành giáo dục (trách nhiệm giải trình, cơ chế phối hợp, báo cáo thông tin);

- Các quy định về bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, quy định về tuyển dụng giáo viên;

- Các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục;

- Rà soát về tính thống nhất giữa Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với các văn bản Luật có liên quan;

Xuyên suốt buổi hội thảo, có đến 20 ý kiến tranh luận, trao đổi, góp ý của các chuyên gia, luật gia, quản lí về giáo dục và đào tạo, các cán bộ đến từ các trường trung học trực thuộc thành phố, trường cao đẳng, trung cấp sư phạm, các giảng viên, sinh viên,… như PGS.TS Ngô Minh Oanh, TS. Phạm Thị Ly, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Anh, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, ThS. Hồ Sỹ Anh, PGS.TS Đỗ Minh Khôi, TS. Lê Thị Thúy Hương, TS. Ngô Hữu Phước, TS. Đặng Tất Dũng, PGS.TS Phan Nhật Thanh, TS. Thái Thị Tuyết Dung, đại diện Phòng Giáo dục, các trường THPT, và Ủy ban MTTQ các địa phương…  ,...

 

“Chuyện tự chủ tại các trường THPT hiện nay là khá tốt. Tuy nhiên tôi vẫn còn những băn khoăn về việc cấp giấy Hoàn thành chương trình học THPT, sau khi học xong lớp 12 mà không thi hoặc rớt thì thi THPT Quốc gia. Theo tôi là không cần thiết vì quá trình học, kết quả của các em, có hoàn thành hay không đã có đẩy đủ trong học bạ của mỗi học sinh”- Ông Nguyễn Hùng Khương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM)

Bên cạnh đó, các sinh viên, những người đang trực tiếp học tập, cũng nêu lên những ý kiến của riêng mình. Bạn Tô Thanh Giang (QTL-CLC42) cho biết: “Về việc học sinh có nên là thành viên cả Hội đồng trường hay không? Theo em là nên có học sinh trong đó để có thể đưa phản ánh, ý kiến từ học sinh chúng em đối với nhà trường. Bên cạnh đó, học sinh là thành viên của Hội đồng trường nên lựa chọn những bạn thực sự ưu tú và có hiểu biết”.


Bạn Tô Thanh Giang – Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM – bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời chia sẻ về việc bản thân được mở mang kiến thức, có thêm nhiều thông tin và biết được thêm các khía cạnh khác của giáo dục mà trước nay không hề chú ý đến khi tham gia hội thảo

Cuối cùng, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM – tổng kết hội thảo: “Sau khi nghe được rất nhiều ý kiến quý báu của các đại diện đến từ nhiều đơn vị khác nhau với các góc nhìn khác nhau về vấn đề tự chủ và quản lý nhà nước, chúng tôi xin phép tiếp thu tất cả những đóng góp và tổng hợp tất cả thành từng mảng vấn đề để gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Thay mặt nhà trường, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến các quý vị đại biểu đã dành thời gian đến đây tham gia hội thảo lần này”.


Các khách mời cùng với Nhà trường chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Vân Anh

Hình ảnh: Phương Linh

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top