Bởi vấn đề thực sự lớn hơn chiếc khẩu trang và chuyện bao giờ đi học lại

Hơn 40 ngày qua, những thông tin về dịch cúm Covid-19 luôn là tâm điểm trên mọi phương tiện truyền thông. Trong trí nhớ của tôi, chưa bao giờ có một chủ đề lan tỏa sức ảnh hưởng lớn đến như vậy khi người dân từ mọi lứa tuổi đều bàn tán khắp nơi. Mấy ngày gần đây, mọi người đều xôn xao về vấn đề thời điểm nào học sinh đi học lại là phù hợp nhất. Có người cho rằng đây chưa phải lúc thích hợp, người cho rằng không nên vì lo sợ mà ảnh hưởng đến chuyện học hành thi cử. Quả thật những lý lẽ họ đưa ra đầy thuyết phục, ai cũng có ý đúng, nhưng đó không phải và cũng không nên là tâm điểm của sự chú ý tại thời điểm này.

Tôi chia sẻ bài viết này dưới góc nhìn của một sinh viên năm cuối đã đi thực tập và cũng từng có suy nghĩ hoài nghi trước tính hiệu nghiệm của các biện pháp phòng dịch cộng đồng. Một ngày đầu tháng hai, vào ngày đầu tiên quay lại văn phòng luật nơi thực tập sau kì nghỉ Tết, tôi rất bất ngờ khi thấy mọi người đều rửa tay bằng chất khử trùng và mang khẩu trang y tế trong suốt thời gian làm việc. Bất ngờ hơn, khi đến trường Đại học Luật để đọc sách tại thư viện, tôi được yêu cầu không được tháo khẩu trang trong khuôn viên trường. Quả thật, đối với một người có bệnh về đường hô hấp từ bé như tôi thì đây là một việc không mấy vui vẻ gì bởi cảm giác ngột ngạt của căn phòng khép kín, điều hòa mở hết công suất trong thư viện lại thêm ám ảnh khi việc hít thở bị cản trở bởi một chiếc khẩu trang dày 4 lớp “tiêu chuẩn”. Mặc dù vẫn nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tôi vẫn phần nào đó hoài nghi về việc liệu mang khẩu trang có hoàn toàn bảo vệ mình khỏi việc bị lây nhiễm khi mà tại thời điểm đó, rất nhiều bài báo và chuyên gia y tế có những ý kiến trái chiều về tác dụng của nó. Dù vậy, tôi vẫn rất nghiêm túc sử dụng khẩu trang khi ngồi làm việc, có lẽ đơn giản là vì tôi không muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thế nhưng, suy nghĩ của tôi về thái độ đối phó với dịch bệnh dần thay đổi khi tôi nghiệm ra rằng, liệu chiếc khẩu trang có giúp ta phòng bệnh được hay không chẳng còn đáng bận tâm nữa, mà việc đeo khẩu trang chính là cách lan tỏa sự quan tâm đến cộng đồng.   

Vào thời điểm đầu mùa dịch, những bài báo tuyên truyền việc đeo khẩu trang luôn dễ dàng được tìm thấy trên mọi trang thông tin điện tử. Dần dần, thái độ của mọi người đối với dịch bệnh dần chuyển từ hoài nghi, lo sợ sang thản nhiên, an tâm hơn trước những kết quả đáng mừng trong việc điều trị bệnh. Cũng vì thế, sự chú ý của dư luận dần chuyển hướng sang việc làm thế nào để bắt đầu đưa mọi việc vào guồng vốn có của nó. Không thể phủ nhận rằng đây là thời điểm thích hợp để nghĩ về vấn đề đó, nhưng đừng vì thế mà quên đi mối quan tâm ban đầu của cả cộng đồng: Làm sao để đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh?

Một hôm cũng khá lâu rồi, tình cờ lướt qua những bài chia sẻ trên trang báo điện tử, có một tít báo khá gây ấn tượng với tôi, đại khái là phát biểu của một lãnh đạo về chuyện không nên cho học sinh vừa phải đi học vừa phải mang khẩu trang y tế. Gần đây hơn, một số tiêu đề gây cho tôi khá nhiều suy nghĩ khi thông báo về thời gian đi học lại của học sinh luôn đi kèm với việc tranh luận về việc có phải mang khẩu trang trong lớp học hay không. Thế nhưng liệu rằng, trấn an dư luận bằng cách quả quyết cho rằng đeo khẩu trang là không cần thiết khi cho học sinh đi học lại liệu có đúng đắn? Dịch bệnh phần nào được kiểm soát ở Việt Nam không có nghĩa là ta có thể lơ là phòng dịch. Như tôi đã nói ở trên, thay vì tranh luận về tác dụng của chiếc khẩu trang, hãy nghĩ đơn giản hơn đó là một bước bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và lớn lao hơn là tạo niềm tin cho những người xung quanh. Không chỉ dừng ở việc đeo khẩu trang, việc tuân thủ các chỉ dẫn vệ sinh ở nơi công cộng như sử dụng nước rửa tay, không khạc nhổ bừa bãi cũng là cách để tạo nên một cộng đồng lành mạnh. Thử nghĩ xem ngay lúc này, bạn bỏ đi chiếc khẩu trang khi xếp hàng tính tiền trong siêu thị và một người bên cạnh bạn ho rồi hắt hơi liên tục, bạn sẽ lo lắng và khó chịu đến mức nào.

Quay lại câu chuyện đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, tôi dần quen với nó và dường như không còn một chút khó chịu nào nữa. Tôi nhận ra rằng việc đưa bản thân ra khỏi vùng dễ chịu và nhận lại được cảm giác an toàn khi tiếp xúc với những người có cùng quan điểm với mình chính là việc mà mỗi người nên làm, ít nhất là tại thời điểm này. Tôi có nghe thông tin về việc những du khách người Hàn Quốc từ chối cách ly hay thông tin một cô gái khoe khoang trên mạng xã hội về chuyện “may mắn” trốn khỏi việc bị cách ly sau khi quay trở về từ vùng dịch. Cư dân mạng dành rất nhiều lời lẽ nặng nề cho những hành vi thiếu suy nghĩ đó, nhưng cũng đừng quên rằng, nếu bạn thờ ơ với dịch bệnh và từ chối thực hiện những biện pháp phòng ngừa thì bạn không có quyền chỉ trích người khác.

Trong 1-2 tuần tới, học sinh các cấp sẽ đi học lại và đó rõ ràng sẽ là một thách thức đối với cả chính quyền lẫn người dân. Nói gì đi chăng nữa, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh và đừng để những tranh cãi về thời điểm bắt đầu đi học lại khiến bạn băn khoăn, lo ngại. Vấn đề thực sự nằm ở ý thức của mỗi người và sức mạnh của nhận thức thì lớn hơn tác dụng che chắn của chiếc khẩu trang rất nhiều.

Nội dung: An Bình

Hình ảnh: Khánh Linh

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top