Trường ĐH Luật TP. HCM - Hơn 40 năm một chặng đường

Lịch sử hình thành và phát triển

Năm 1982, ngay sau khi tái thành lập, Bộ Tư pháp đã thành lập Trường Trung học Pháp lý TP .HCM trên cơ sở Trường Cán bộ Tư pháp với nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp pháp lý. Từ năm 1983 đến 1988, Trường Cán bộ Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội mở lớp Đại học Pháp lý tại TP. HCM. Ngày 25/12/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Pháp lý TP. HCM có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ Đại học pháp lý cho các tỉnh phía Nam và đến 1993 được đổi tên thành Phân hiệu Đại học Luật TP. HCM.


Ngày 30 tháng 3 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1234/GD-ĐT thành lập Trường Đại học Luật TP. HCM trực thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật TP. HCM và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM. Đến ngày 10 tháng 10 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg về việc thay đổi tổ chức của Đại học Quốc gia TP. HCM, theo đó trường Đại học Luật tách ra khỏi Đại học Quốc gia, trở thành Trường Đại học Luật TP. HCM trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay.


Trong lịch sử hình thành và phát triển gắn với những đổi thay của đất nước, Trường Đại học Luật TP. HCM đã vươn lên khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo luật hàng đầu khu vực phía Nam, là một trong hai cơ sở đào tạo pháp lý trọng điểm của đất nước với chất lượng cao trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Những kỷ niệm cũ

Đối với thế hệ cựu sinh viên của Trường cách đây tầm 20 năm, các anh chị vẫn luôn mang theo những kỷ niệm khó quên về một ngôi trường tuy nhỏ mà vui. Ngày đó, các anh chị gắn bó với cơ sở Bình Triệu. Trường nằm trong khuôn viên Tĩnh tâm viện Fatima, dấu ấn là cây thánh giá nằm trong sân trường (mà Nhà trường vẫn giữ và trùng tu lại như bây giờ).

 Cổng trường tại cơ sở Bình Triệu năm 1997

“Ngày đó trường nhỏ lắm và sân trước cũng hạn hẹp” - chị cựu sinh viên khoá 23 kể lại. Dãy phòng học có ba tầng, nước sơn trắng ố màu cà phê sữa, các lớp sát nhau mà nhỏ xíu. “Một lớp chừng một trăm mấy đến hai trăm người, đông!” – chị kể.

Mỗi lần có tiết học, chen chúc là vậy, lớp nhỏ là vậy nhưng mỗi người vẫn cứ nhích vào một chút chừa chỗ cho người sau, trật tự lắm.

Thư viện được sửa lại từ một gian của nhà thờ cũ, nhỏ, nhưng vẫn đầy đủ tài liệu và giáo trình phục vụ sinh viên. Sân trường thời ấy cũng không lớn, đủ đặt vài chiếc ghế đá, mặt sân còn chưa lát gạch như bây giờ.

  Một góc thư viện xưa tại Bình Triệu

 Cơ sở quận 4 cũng chỉ có vài phòng làm việc và giảng đường lớn, vốn là các nhà kho cũ được sửa chữa để chuyển đổi công năng.  


Cơ sở Nguyễn Tất Thành thuở chưa xây dựng lại

Các anh chị bảo, nhìn là vậy chứ Trường vẫn luôn đảm bảo cho sinh viên tất cả những yêu cầu thiết yếu về cơ sở vật chất để phục vụ việc học.


Dãy phòng học khu B ở cơ sở Nguyễn Tất Thành ngày xưa

Những kỷ niệm vẫn còn đó, đi theo năm tháng, trên chặng đường sự nghiệp của mỗi sinh viên và là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của Trường Đại học Luật TP.HCM ngày hôm nay.


Ngước nhìn đổi mới

Bắt đầu từ năm 1996, Nhà trường bắt đầu dần dần cho trùng tu xây dựng lại cả hai cơ sở.

Hôm nay, đứng bên đường ngước lên có thể nhìn thấy Trường Đại học Luật TP.HCM sáng một màu xanh hy vọng. Trường hiện đại và tiện nghi hơn rất nhiều. Cả hai cơ sở (cơ sở Nguyễn Tất Thành và cơ sở Bình Triệu). Có thể nói, để đạt được kết quả như hiện nay, đội ngũ Nhà trường, Ban giám hiệu đã rất nỗ lực cả về vật chất lẫn tinh thần, chỉ với một mong muốn Trường sẽ trở thành cơ sở đào tạo có chuyên môn và chất lượng hàng đầu.

  

Cơ sở Nguyễn Tất Thành khang trang với tòa nhà 11 tầng, tổng diện tích 8800m2, thư viện hiện đại hơn 2400m2

 

Cơ sở Bình Triệu có tổng diện tích lên đến 12.000 m2 với quy mô 3 khối nhà học, hệ thống thư viện hiện đại

Thế hệ sinh viên ngày hôm nay đều được học tập và nghiên cứu trong mội trường chuyên nghiệp và hiện đại, cơ sở vật chất tân tiến, thoải mái, không gian sinh hoạt thoáng mát. Một số nơi trong Trường còn là địa điểm thường xuyên được sinh viên ưu ái lưu lại những hình ảnh đẹp trong quyển kỷ yếu trước khi ra trường.

 


Khát vọng tương lai

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Nhà trường mong muốn hơn nữa về một tương lai rạng rỡ, tương lai của cơ sở đào tạo Luật hàng đầu miền Nam.


Trường Đại học Luật TP.HCM mang trên mình sứ mạng trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý có uy tín trong cả nước và trong khu vực, nhằm cung cấp nguồn lực có trình độ, am hiểu những kiến thức cơ bản đến đại học và sau đại học trong lĩnh vực pháp lý cho các địa phương và các bộ ngành; góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng trong khoa học pháp lý của cả nước nói chung và của các tỉnh phía Nam nói riêng. Chính vì thế, cơ sở vật chất như hiện tại vẫn còn là những trở lực cho sự phát triển. Đó cũng là lý do cho sự ra đời của dự án quận 9. Đánh dấu một bước tiến, mở ra một chặng đường giáo dục mới, hiện đại hơn, tự chủ và chất lượng hơn.

 

Cơ sở 3 Đại học Luật TP.HCM với tổng mức đầu tư là 457 tỷ đồng, được triển khai trên quy mô 29,6 ha tọa lạc tại khu quy hoạch cho giáo dục đào tạo tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM. Sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động vào năm 2020.

 Đây chắc chắn không phải là điểm kết thúc, mà sẽ là một mốc sáng cho sự phát triển mạnh hơn nữa sau này.

  

Bài: Nam Phương

Ảnh minh họa: Tư liệu ULAW và sưu tầm

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top