Tọa đàm “Một số vấn đề về thương lượng tập thể trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)”

Theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, tại Điều 19.3 Chương 19 về Lao động của Hiệp định CPTPP quy định các nước thành viên Hiệp định cam kết thông qua và duy trì trong các đạo luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong đó, có các tiêu chuẩn lao động theo Công ước số 98 và Công ước số 87 của ILO về quyền tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể (TLTT).

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Luật TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) và Trung tâm Phát triển & Hội nhập (CDI), sáng ngày 21/3/2019, tại phòng A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, tọa đàm chuyên đề “Một số vấn đề về TLTT trong dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi)” đã được tổ chức.


Toàn cảnh buổi tọa đàm

Về phía Nhà trường, Tọa đàm diễn ra với sự tham dự của TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Trưởng Bộ môn Luật Lao động; Th.S–NCS. Đinh Thị Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường Đại học Luật TP.HCM; Th.S – NCS Nguyễn Thị Bích và các giảng viên Bộ môn Luật Lao động.

Về phía Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn CTXH & PTCĐ (SDRC), có sự tham dự của bà Phan Thị Mỹ Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm và các nhân viên của Trung tâm.

Về phía khách mời, có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Phương – Giám Đốc, ông Trần Văn Quang – Phó Giám Đốc Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường quận 4; đại diện Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại - Đoàn kết quận 6; đại diện Viện KHXH vùng Nam Bộ và trường Đại học KHXH và Nhân văn Tp.HCM.

Buổi toạ đàm cũng có sự tham gia của trên 30 bạn sinh viên thuộc chương trình đào tạo CLC của trường Đại học Luật Tp.HCM.

Mở đầu, TS. Lê Thị Thúy Hương phát biểu: “Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 12/11/2018, Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết một hiệp định thương mại tự do nữa với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Điểm chung của hai hiệp định này là lần đầu tiên các bên đưa vào hiệp định các cam kết về lao động, ngoài cam kết thương mại truyền thống, đồng thời yêu cầu các quốc gia tham gia hiệp định phải thực hiện các cam kết về lao động đó. Các cam kết về lao động được ghi nhận trong Hiệp định CPTPP và trong dự thảo Hiệp định EVFTA chính là các nguyên tắc và các tiêu chuẩn lao động quốc tế được quy định trong Tuyên bố 1998 của ILO, thể hiện thông qua 8 công ước cốt lõi của ILO. Hiện nay, Việt Nam chưa ký kết 3/5 công ước cốt lõi, đó là Công ước là Công ước số 87, Công ước số 98 và Công ước 105; trong đó, Công ước số 98 đề cập đến việc bảo vệ người lao động cũng như công đoàn không bị phân biệt đối xử trong hoạt động công đoàn; chống các hành vi thao túng công đoàn của người sử dụng lao động và đặc biệt là quy định các biện pháp thúc đẩy TLTT.

Trước mắt, dự kiến vào tháng 5/2019, Việt Nam sẽ tiến hành gia nhâp Công ước số 98. Sau khi gia nhập, các nội dung của Công ước số 98 về TLTT sẽ được xem xét để sửa đổi, bổ sung BLLĐ 2012. Chính vì thế, vấn đề TLTT sẽ là nội dung chính của buổi tọa đàm hôm nay. Tôi mong qua buổi tọa đàm này, chúng ta sẽ có cơ hội trao đổi, thảo luận thêm nhiều nội dung về TLTT, ví dụ như chủ thể TLTT, nội dung TLTT và các biện pháp thúc đẩy TLTT, ở cả hai góc độ lý luận lẫn thực tiễn, qua đó sẽ rút ra được nhiều ý tưởng hay để tạo ra một khung pháp lý hiệu quả điều chỉnh hoạt động TLTT, vừa tương thích với Công ước số 98, vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế….”

 

TS. Lê Thị Thúy Hương trình bày sơ lược về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012, đặc biệt là về nội dung TLTT

Tiếp tục buổi tọa đàm, Th.S – NCS. Nguyễn Thị Bích trình bày về chuyên đề “Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam về thương lượng tập thể trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”. Nội dung gồm quy định của pháp luật lao động Việt Nam và thực tiễn thực hiện các quy định về TLTT tại Việt Nam trong thời gian qua:

- Vấn đề về chủ thể có quyền TLTT và chủ thể đàm phán TLTT về phía người lao động trong doanh nghiệp;

- Vấn đề về thành lập Tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp;

- Vấn đề về tôn giáo của người lao động khi tham gia các Tổ chức đại diện;

- Vấn đề về quyền tham gia Tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi của những người quản lí cấp cao;

- Vấn đề về sự thao túng công đoàn của người sử dụng lao động;

- Vấn đề về nội dung TLTT trong doanh nghiệp;

- Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chủ thể tham gia TLTT, nội dung TLTT.


Th.S – NCS. Nguyễn Thị Bích trình bày về chuyên đề về TLTT

Xuyên suốt buổi tọa đàm, có rất nhiều câu hỏi đối với diễn giả, ý kiến thảo luận từ các giảng viên, đại diện và các bạn sinh viên về những vấn đề nêu trên được đặt ra.


Bà Phan Thị Mỹ Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC)


Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường quận 4 – ông Nguyễn Minh Phương – Giám Đốc Hợp tác xã nêu lên những câu hỏi đối với diễn giả và nói rõ về thực tiễn hiện nay về vấn đề thương lượng tập thể ở Việt Nam

Sau gần 3 tiếng thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến về vấn đề TLTT được cử toạ nêu lên và được các diễn giả trả lời thoả đáng, TS. Lê Thị Thúy Hương đã phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, đánh giá buổi toạ đàm khá thành công và hiệu quả. TS. Hương mong muốn sẽ có thêm nhiều diễn đàn tương tự để tiếp tục trao đổi về vấn đề hết sức thời sự này và đóng góp ý kiến cho dự thảo BLLĐ sửa đổi sắp tới.

Cuối buổi, các đại diện, giảng viên, các bạn sinh viên cùng chụp chung tấm hình lưu niệm

 Nội dung: Vân Anh

Hình ảnh: Vie Vie

Ban Truyền thông ULAW

 

 

 

 

 

 


--%>
Top