Hội thảo quốc tế “Quy định pháp luật đặc thù về phát triển TP. Hồ Chí Minh và kinh nghiệm nước ngoài”

Với mục đích trao đổi khoa học các vấn đề liên quan đến triển khai một cách nhanh chóng, có hiệu quả những nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM vào thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hôm nay Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy định pháp luật đặc thù về phát triển TP. Hồ Chí Minh và kinh nghiệm nước ngoài”.

 

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, học giả, chuyên gia trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí

Sáng ngày 14/12/2018, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc tế “Quy định pháp luật đặc thù về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Kinh nghiệm nước ngoài”. Hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Trần Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường; PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Trường Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; các chuyên gia pháp lý đến từ các nước Anh, Estonia, Singpapore..., cùng với các sinh viên quan tâm đến các vấn đề của hội thảo. Hội thảo được chia làm hai phiên, tập trung vào các vấn đề sau:

  • Các khía cạnh pháp lý của cơ chế đặc thù cho sự phát triển TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54/2017/QH14;
  • Các biện pháp, giải pháp pháp lý cần thiết để triển khai thực hiện cơ chế đặc thù;
  • Những khó khăn, thách thức và các vấn đề thực tiễn có thể phát sinh trong quá trình thực hiện;
  • Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng mô hình quản lý đặc thù cho các thành phố lớn.


PGS.TS. Trần Hoàng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Hải phát biểu: “Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế văn hóa, là đầu tàu động lực có sức lan tỏa lớn ở phía Nam, có vị trí quan trọng trong cả nước. Tuy nhiên hiện nay, các vấn đề liên quan đến phát triển và quản lý đô thị đang còn bất cập, gây cản trở đến tốc độ và chất lượng phát triển của thành phố. Nhằm góp sức cùng Thành phố trong việc tìm kiếm các giải pháp pháp lý giải quyết các vấn đề trên, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo này để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhau phân tích các cơ chế của Nghị quyết số 54/2017/QH14, trao đổi về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc triển khai thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 và kinh nghiệm của các nước trong việc phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền địa phương”.

 

Chủ tọa phiên thứ nhất (từ trái qua): GS.TS Trần Ngọc Đường, PGS.TS Trần Hoàng Hải, GS. Christian Dadomo và PGS. TS Hà Thị Thanh Bình

Tại phiên thứ nhất, các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày các tham luận sau:

  • Tham luận “Thành phố điện tử: Giải pháp của Estonia cho việc phân cấp và phát triển đô thị” do GS. Tanel Kerikmae đến từ Trường Đại học Kỹ thuật Tallinn, Estonia trình bày.

 

GS.Tanel Kerikmae mong rằng có thể cùng Trường Đại học Luật TP.HCM tìm ra các giải pháp kỹ thuật trong việc cung cấp dịch vụ công phù hợp với đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Tham luận “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nói chung và cơ chế phân cấp, ủy quyền nói riêng” với sự trình bày của PGS.TS Vũ Văn Nhiêm – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

  • Tham luận “Kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 và vấn đề tiếp tục pháp lý hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh” do ThS. Mai Hữu Quyết, Trưởng phòng Tổng hợp – Văn phòng, UBND TP.HCM trình bày;

 

ThS. Mai Hữu Quyết, Trưởng phòng Tổng hợp – Văn phòng, UBND TP.HCM

  • Tham luận “London và Paris: câu chuyện phân cấp quản lý ở Pháp và ủy thác trách nhiệm ở Vương quốc Anh” với phần trình bày của GS. Christian Dadomo, Đại học Tây Anh Quốc.

 

GS. Christian Dadomo trình bày câu chuyện phân cấp quản lý ở Pháp và ủy thác trách nhiệm ở Vương quốc Anh

 

Tại phiên thứ hai, chủ tọa (từ trái sang) gồm: GS.TS. Phạm Hồng Thái, PGS.TS Bùi Xuân Hải, GS. Tanel Kerikmae và PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm

Các tham luận được trình bày tại phiên hai gồm:

  • Tham luận “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế - nhiệm vụ hàng đầu thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” của GS.TS Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
  • Tham luận “Những vấn đề và thách thức của việc áp dụng cơ chế tự chủ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài: phân tích dựa trên kinh nghiệm của Indonesia về phân cấp quản lý” của PGS.TS Michael Ewing-Chow, Trưởng phòng Luật Thương mại – Đầu tư và Chính sách, Trung tâm Luật Quốc tế;

PGS.TS Michael Ewing-Chow, Trưởng phòng Luật Thương mại – Đầu tư và Chính sách, Trung tâm Luật Quốc tế

  • Tham luận “Vai trò của cơ chế đặc thù đối với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh” của PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội;

 

ThS. Tạ Quang Trường – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai trình bày tham luận

  • Tham luận “Cơ chế phân cấp trong quản lý sử dụng ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh theo chính sách phát triển đặc thù” của PGS.TS Nguyễn Văn Vân, Nguyên Trường khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM;
  • Tham luận “Hiện đại hóa nền hành chính phát huy cơ chế đặc thù về tài chính địa phương: từ kinh nghiệm của tỉnh Đồng Nai” của ThS. Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai.

Xuyên suốt Hội thảo với 9 bài tham luận của các giáo sư, chuyên gia trong nước và quốc tế, Hội thảo đã đánh giá tổng quan các vấn đề cơ bản của Nghị quyết 54/2017/QH14, đặc biệt chú trọng đến chính sách “phi tập trung hóa”, trao quyền cho địa phương và giải pháp triển khai việc áp dụng quy định pháp luật đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia và các nhà khoa học cũng đã trao đổi, tranh luận sôi nổi về thực trạng thực thi các quy định về phân cấp, ủy quyền mà Nghị quyết đã trao cho Thành phố cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu bế mạc hội thảo

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các khách mời và người tham dự, hy vọng các ý kiến đã trình bày và trao đổi hôm nay sẽ được lãnh đạo Thành phố tham khảo, xem xét, đồng thời khẳng định Nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ Thành phố trong khả năng và chuyên môn của mình.

Bài: Hương Quỳnh, Vũ Uyên

Ảnh: Phước Nguyễn

Ban Truyền thông ULaw

 

--%>
Top