Hội nghị tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo hệ VLVH tại trường Đại học Luật TP.HCM

Nhằm lắng nghe các ý kiến đánh giá về thực tiễn và các đề xuất, giải pháp khắc phục những hạn chế hướng đến nâng cao hiệu quả đào tạo chương trình hệ vừa làm vừa học (VLVH), Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội nghị “ Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo hệ VLVH tại trường Đại học Luật TP.HCM”

Sáng ngày 12/12/2018, tại hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành hội nghị “Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo hệ VLVH tại trường Đại học Luật TP.HCM” đã được diễn ra với sự chủ trì của Ban Giám hiệu (BGH) gồm có PGS.TS.Trần Hoàng Hải – Phó hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Trường Sơn – Phó hiệu trường Nhà trường cùng lãnh đạo các Phòng, Khoa, Trưởng, Phó các Bộ môn và các giảng viên tham gia giảng dạy các lớp VLVH.

Hội nghị có sự chủ trì của Ban Giám hiệu (BGH) gồm có PGS.TS.Trần Hoàng Hải – Phó hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Trường Sơn – Phó hiệu trường Nhà trường

Mở đầu hội nghị, PGS.TS. Trần Hoàng Hải đã phát biểu đề dẫn nêu lên một số vấn đề đặt ra tại hội nghị vào ngày 8/10 có sự tham gia của các đơn vị liên kết, những vấn đề về học phí, về chương trình đào tạo, công tác giảng dạy và đánh giá học phần, về dịch vụ chăm sóc học viên, đơn vị liên kết,… để từ đó mong muốn các Thầy, cô tham gia hội nghị hôm nay sẽ có nhiều ý kiến cũng như kiến giải cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo hệ VLVH trong thời gian tới.

 

ThS. Vũ Duy Cương – Giám đốc Trung tâm ĐBCL&PPGD nêu ý kiến trong hội nghị

 Từ những vấn đề đặt ra của lãnh đạo Nhà trường và thực tiễn công tác giảng dạy, quản lý hệ VLVH, đã có rất nhiều ý kiến đến từ lãnh đạo các đơn vị và cán bộ giảng viên đã tham gia giảng dạy hệ VHVL. Theo đó, các đóng góp nhận được đa phần xoay quanh vấn đề học phí, tăng thêm vai trò, tính chủ động của giảng viên trong việc đánh giá học viên, việc thay đổi và tăng tính phục vụ, chăm sóc đối với người học, nghiên cứu, triển khai triển e-learning nhằm tạo điều kiện cho người học, tạo điều kiện để học viên hệ VLVH có thể tiếp cận đa dạng các phương thức giảng dạy. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu rút ngắn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính để sớm cấp bằng cho các học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo.

 

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước nêu ý kiến trong việc nâng cao chất lượng đào tạo hệ VLVH trong hội thảo sáng 12/12

Ngoài ra, đa số các ý kiến đều đồng ý rằng nên chú trọng thay đổi tỷ lệ phần trăm giữa điểm bộ phận và điểm cuối kì nhằm nâng cao ý thức, cũng như tăng tính bắt buộc để học viên đến lớp đông hơn. Về chương trình đào tạo và việc ra đề thi cần có sự linh động hơn để phù hợp với từng đối tượng, khu vực, vùng miền,…

 

PGS.TS Lê Minh Hùng - Trưởng bộ môn Luật Dân sự bày tỏ quan điểm về những bất cập đang gặp phải đối với việc đào tạo hệ VLVH của Nhà trường

Qua các đóng góp nhận được, bước đầu tại hội nghị PGS.TS Trần Hoàng Hải chỉ đạo cần chú trọng hơn nữa việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người học, thực hiện ngay các giải pháp như thành lập một đường dây nóng (hotline) để học viên, giảng viên hệ VLVH có thể nhanh chóng phản ánh, ý kiến về những bất cập hiện tại đang gặp phải, tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo nhà trường với học viên,… qua đó cũng là cách để Nhà trường theo dõi sâu sát hơn về chất lượng đào tạo hệ VLVH, tăng tính liên kết giữa Nhà trường và người học. Trong thời gian tới, Ban Giám hiệu và Hội đồng Khoa học đào tạo sẽ tiến hành xem xét về vấn đề chương trình học, cũng như các vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy, điểm học phần, đề thi…

Kết thúc hội nghị, PGS.TS Trần Hoàng Hải nhấn mạnh thông qua hội nghị ngày hôm nay đã có thêm nhiều ý kiến, góp ý, thảo luận, các phương hướng khắc phục những vấn đề mà hệ VLVH đang gặp phải, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm các kiến giải từ các cán bộ giảng viên Nhà trường thông qua nhiều hình thức khác nhau như điện thoại, email, gặp gỡ trao đổi,… để làm sao cho hệ VLVH của Trường Đại học Luật TP. HCM sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Nội dung: Nam Phương

Hình ảnh: Vie Vie

Ban Truyền thông ULAW



--%>
Top