Buổi tập huấn "Phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá"

Để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Luật TP.HCM đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kỹ năng, trình độ cho giảng viên. Sáng ngày 10/10 và chiều ngày 16/10, tại hội trường A1002, Trường đã tổ chức buổi tập huấn “Phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá” cho các giảng viên được tuyển dụng vào giai đoạn năm 2014 – 2018.

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phan Nhật Thanh - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính và ThS.Vũ Duy Cương – Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và phương pháp giảng dạy – nội dung tập huấn đã được chia thành 2 buổi (sáng 10/10 và chiều 16/10) với sự tham gia của 89 Giảng viên.

Vận dụng nội dung tập huấn về PPGD, hai GV trình bày đã áp dụng chính các PPGD như song giảng, chia nhóm, bể cá (fish bowl), bản đồ tư duy và nêu vấn đề, qua đó đã tạo ra một không khí thảo luận, trao đổi, chia sẻ rất sôi nổi và đa chiều giữa các giảng viên tham gia tập huấn. Nhằm đạt hiệu quả cao nhất, các GV tham gia tập huấn cũng phải tham gia thực hành các kỹ năng giảng dạy, đánh giá ngay trong giảng đường. Với những yêu cầu kiểm tra, đánh giá được thiết kế tương thích nội dung tập huấn và phù hợp về thời gian, các Giảng viên đã tham gia tích cực và hoàn thành tốt các bài tập nhóm (giữa kỳ) và bài kiểm tra cuối kỳ mà hai chủ toạ đưa ra. 

Mở đầu buổi tập huấn, ThS. Vũ Duy Cương đã đưa ra ví dụ đầu tiên về một thầy giáo mặc quần ngắn, áo thun đang giảng bài. Khi quan sát hình ảnh đó, các giảng viên đã hình thành hai luồng quan điểm khác nhau. Một số giảng viên không đồng tình với hình ảnh này vì nó lệch khỏi chuẩn mực về những nhà giáo "mô phạm". Mặt khác, số giảng viên còn lại bày tỏ ủng hộ sự thay đổi, sáng tạo trong ví dụ nêu trên. ThS. Nguyễn Thanh Khương – Giảng viên Môn Tin học lại không đưa ra quan điểm cụ thể, thầy cho rằng điều quan trọng là việc mặc như vậy có tạo được sự chú ý hay ảnh hưởng cho sinh viên… Kết luận được hai GV trình bày thống nhất đưa ra là đánh giá một hình ảnh cần phải đặt trong một bối cảnh cụ thể, và nếu xem xét ở góc độ truyền đạt mục tiêu bài giảng (của môn học về đổi mới và sáng tạo) hiệu quả cho SV, hình ảnh nêu trên có thể được xem như một ví dụ về PPGD tích cực!



Buổi tập huấn mang tính chất chia sẻ, trao đổi giữa các giảng viên

Phần trọng tâm của buổi tập huấn là cuộc bàn luận về phương pháp giảng dạy tích cực. Trong phần này, các giảng viên đã có bài thực hành nhỏ nhằm nêu ra các yếu tố quan trọng của việc đào tạo sinh viên. Các yếu tố bao gồm: tính tự học, sự quản lý thời gian, tinh thần làm việc nhóm, tư duy đổi mới, ... Qua đó, hai chủ toạ gợi ý các phương pháp giảng dạy mới mẻ như song giảng (hai giảng viên cùng phối hợp trình bày một vấn đề), làm việc nhóm (chia nhóm để các sinh viên thảo luận), mô phỏng thực tế (diễn án hoặc phiên toà giả định) hay tiếp xúc thực tiễn (hoạt động tư vấn pháp luật).Trong số đó, hình thức song giảng là hình thức mà hai chủ toạ đang áp dụng trong buổi tập huấn đang diễn ra.

  PGS.TS. Phan Nhật Thanh đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải hình thức kiểm tra, đánh giá sẽ quyết định cách học của học viên?”

Tiếp nối phần bàn luận về phương pháp giảng dạy tích cực là phần trình bày về phương pháp đánh giá, kiểm tra của PGS.TS. Phan Nhật Thanh. Cụ thể, thầy đã phân tích sâu sắc về từng phương pháp đánh giá, kiểm tra phổ biến đang được áp dụng, bao gồm:

- Phương pháp quan sát: giáo viên theo dõi hoạt động của người học trong suốt quá trình giảng dạy và đánh giá;

- Phương pháp vấn đáp: giáo viên và người học hỏi đáp trực tiếp, nhanh chóng, có tính chủ động cao ở giáo viên;

- Phương pháp viết, được chia ra làm hai loại:

+ Tự luận: người học trả lời câu hỏi hoặc làm bài luận theo đề được giao

+ Trắc nghiệm: người học điền từ; nối câu; trả lời các câu hỏi theo đáp án A, B, C, D

Ngoài phần trình bày, PGS.TS. Phan Nhật Thanh còn đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải hình thức thi cử, kiểm tra sẽ quyết định cách học của học viên?” Bởi lẽ, cấu trúc đề thi chính là yếu tố quan trọng để học viên định hướng phương pháp học cũng như kỹ thuật làm bài. Có thể nói, câu hỏi này là một câu hỏi khó và mang tính chất gợi mở. Chính vì vậy, thầy muốn để các giảng viên tự tìm câu trả lời chính xác cho riêng mình.


ThS. Vũ Duy Cương giới thiệu về PPGD, PPKT, ĐG tương thích chuẩn đầu ra

 Vào cuối buổi tập huấn, ThS. Vũ Duy Cương giới thiệu đôi nét về yêu cầu của PPGD, PP kiểm tra, đánh giá phải phù hợp và tương thích chuẩn đầu ra. Để đáp ứng vấn đề này, người GV phải xây dựng một sơ đồ thể hiện sự liên kết, tương thích. Ngoài ra, ThS. Vũ Duy Cương đã trình bày một số tiêu chí đánh giá SV phổ biến. Cụ thể, đó là các tiêu chí về thái độ, kiến thức và kỹ năng. Mở rộng hơn, Thầy cũng cho rằng ngoài ba yếu tố mấu chốt đó, yếu tố sức khoẻ cũng cần được xem xét.

Trước khi kết thúc buổi tập huấn, các giảng viên thực hiện một bài kiểm tra ngắn trên giấy nhằm định hình lại những kiến thức vừa bàn luận, đồng thời đánh giá hiệu quả của buổi tập huấn vừa diễn ra. Buổi tập huấn kết thúc không khí vui vẻ và hứa hẹn sẽ có nhiều buổi trao đổi chuyên sâu trong tương lai. 

Bài: Vũ Uyên

Ảnh: Nhật Vi

Ban Truyền thông ULAW


--%>
Top